“Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh lẻ - nơi mà người ta hiếm có (nếu không muốn nói là không có) điều kiện tiếp xúc với kiến trúc. Năm 1995, khi đang học cấp 3, thấy một người bạn học luyện thi kiến trúc, tôi đã rất tò mò nên thử tìm hiểu. Năm 2003 - 8 năm sau đó, tôi tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TP.HCM. Năm 2014, tôi thành lập G+architects, tính đến hiện tại đã theo đuổi công việc này được 20 năm”.
Đó là lời giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy đủ của KTS Đoàn Bằng Giang về bản thân và hành trình 20 năm làm nghề của mình. Và không chỉ ở cách giới thiệu, tính đơn giản, thiết thực cũng thể hiện cực kỳ rõ nét trong các công trình cũng như quan điểm làm nghề của anh.
Bị ám ảnh với dãy phòng trọ công nhân ngột ngạt
Hiện tại, KTS Đoàn Bằng Giang và cộng sự đang theo đuổi 2 dạng công trình chủ yếu là nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và các công trình biệt thự, nhà ở rừng núi thư giãn, an yên. Tại sao lại có sự đối lập nhiều như vậy?
Quả thực nhà ở nông thôn và nhà ở khu đô thị lõi trung tâm là 2 mối quan tâm đặc biệt của chúng tôi.
Với nhà ở đô thị và đơn vị ở có quy mô nhỏ, chúng tôi đã có thời gian nghiên cứu, thực hành từ khi mở văn phòng. Ở thời điểm sau đại dịch Covid-19, mối quan tâm này ngày càng trở nên đặc biệt hơn. Lúc đó nhìn những hình ảnh trên mạng hay tin nhắn của những người bạn tham gia cứu trợ ám ảnh chúng tôi. “Anh ơi họ không dám ra nhận nhu yếu phẩm vì phải đi qua những phòng có người nhiễm Covid. Không khí trong đường luồng chung ở khu trọ ngột ngạt quá”.
Nhà ở nông thôn, vùng cao nguyên và nhà vườn thì dường như bị nhiều KTS lãng quên. Chúng tôi luôn bị bối cảnh - con người - văn hoá tại chính nơi đó thu hút. Đó chính là chất liệu, nguồn cảm hứng để chúng tôi thiết kế công trình và yêu mến công việc này.
Nhà Gia Nghĩa - công trình ở Tây Nguyên được KTS Đoàn Bằng Giang lấy cảm hứng từ lá sầu riêng khô -hình ảnh thường thấy ở khu vực này
Song song với đó, công trình ở vùng lõi đô thị, có diện tích nhỏ cũng là mối quan tâm của KTS và team
Có phải để thiết kế thành công 2 dạng đối lập như vậy, KTS cũng phải có nhiều trải nghiệm về cả 2 kiểu cuộc sống: một bên đầy mưu sinh/ thực tế - một bên thư giãn/ hưởng thụ đúng không anh?
Tôi cho rằng công việc của KTS là phân tích, quan sát và thực hành. Việc hành nghề cũng là một quá trình nên các nhiệm vụ thiết kế khác nhau hay thậm chí đối lập là thử thách và cảm hứng. Ví dụ một không gian nhỏ, khiêm tốn, giản dị nhưng khi được thiết kế khoa học & hợp lý thì con người vẫn có thể thư giãn và hưởng thụ vì ánh sáng tự nhiên, gió luôn miễn phí đối với mọi người.
Từ quan điểm này, dù kiểu công trình thế nào, chúng tôi tập trung xây dựng các công trình dựa trên bối cảnh, mối tương tác của con người với không gian dựa trên 3 yếu tố chính: bầu khí - ánh sáng - vật liệu.
Theo anh, cái khó nhất của KTS khi thiết kế một căn nhà mà không tham gia vào quá trình thi công là gì?
Cái khó chịu nhất là không biết công trình của mình được hình thành như nào có bị sai lệch hay biến dạng đi không. Bởi vì chỉ cần xây một mảng tường cao lên hay thấp xuống 10 - 20cm cũng làm mất đi tỉ lệ mà KTS đã dày công tính toán, thử nghiệm trên mô hình trước khi ra bản vẽ thiết kế.
Vì vậy ở G+architects, tôi và các KTS luôn đồng hành và theo dõi công trình trong suốt quá trình thi công, đó là tiêu chí bắt buộc khi chủ đầu tư ký hợp đồng tư vấn. Việc đồng hành với chủ đầu tư ở đây là theo dõi, quan sát (cũng có thể là giám sát), cùng kết hợp giải quyết phát sinh ở công trường, chứ không hẳn là thiết kế phải tham gia vào quá trình thi công.
KTS nên làm gì khi những bản vẽ của mình được nhận xét là đẹp mà không thực tế?
KTS nên cảm ơn những nhận xét thực tế, giàu kinh nghiệm của người có chuyên môn hoặc thợ địa phương để đưa ra phương án thiết kế hợp lý và khả thi nhất. Tuy nhiên bản thân KTS cần trang bị kiến thức để có thể bảo vệ và kiên định theo đuổi cái đẹp cũng như sản phẩm của mình.
Vậy trong 20 năm làm nghề, có bao giờ anh bị “múa rìu qua mắt thợ” chưa? Cảm giác lúc đó có khó chịu lắm không anh?
Tôi cảm thấy bình thường và coi như là một tình huống thú vị… cũng nên lắng nghe và phản biện.
Anh nghĩ sao khi có quan điểm cho rằng với nhu cầu về ở an toàn, ở đẹp hiện nay - KTS sẽ là nghề từ khá giả trở lên chứ không bao giờ “nghèo” được?
Mỗi người, mỗi ngành nghề có một quan điểm riêng về thất nghiệp hay nghèo. Với nghề KTS, tôi tâm đắc với câu nói này: “Kiến trúc sư cũng là một nghề nhưng không là một nghề chỉ để kiếm sống”. Cho nên nếu nói làm kiến trúc sư để trở lên giàu có, thì cần xem lại có đúng là làm kiến trúc hay không.
KTS Đoàn Bằng Giang (thứ 4 từ trái sang) và cộng sự trong team
Thuyết phục chủ “hy sinh” 2 phòng để người thuê trọ được “thở”
Những chi tiết nhỏ nào trong nhà có thể đảm bảo tính an toàn nhưng chủ đầu tư lại thường xem nhẹ vì quan tâm đến yếu tố công năng?
Theo tôi, đó là chi tiết lan can tay vịn hay lựa chọn vật liệu cho sàn nhà, phòng tắm. Nhưng đây cũng chính là lúc KTS thể hiện vai trò của mình, định hướng để chủ đầu tư lựa chọn phương án hợp lý và an toàn hơn.
Anh có gặp trường hợp nào mà thiết kế ban đầu đã rất ổn nhưng chủ đầu tư xem trên mạng hoặc chạy theo xu hướng rồi bắt phải thay đổi làm mất tính bền vững của căn nhà chưa?
Những hình ảnh trên mạng hay AI tạo ra giúp chúng ta như một gợi ý hay tham chiếu so sánh tuy nhiên điều này cũng gây nhiễu loạn thông tin.
Phương châm thiết kế của chúng tôi là tạo ra “cái bình” còn việc chứa trong đó thì chủ đầu tư có thể tự quyết định dựa trên định hướng của KTS sao cho phù hợp. Ví dụ chúng tôi tạo ra một ngôi nhà hiện đại nhưng chủ đầu tư muốn giữ lại bộ bàn ghế gỗ Đồng Kỵ cũ. Tình huống thế này chúng tôi đồng ý ngay và nhận thấy rằng đó là một sự kết hợp thú vị.
Tuy nhiên KTS cũng phải kiên định, thuyết phục và có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư hướng tới thẩm mỹ kiến trúc bền vững.
Một số công trình của KTS và team
Ở những công trình như dãy phòng trọ thuê mà anh từng thực hiện, tính an toàn PCCC được tính toán và sắp đặt thế nào?
3 năm qua, chúng tôi thực hiện thiết kế khoảng 5 dự án là căn hộ dịch vụ và nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Trong tất cả các dự án, chủ đầu tư được thuyết phục phải có cầu thang và lối thoát hiểm, thông gió và lấy sáng tự nhiên cho 100% phòng trọ.
Tuy nhiên với những dự án này, chúng tôi cũng phải cùng với chủ đầu tư giải bài toán về hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn như công trình dãy phòng trọ hoàn thiện hồi đầu năm 2023, chúng tôi phân tích và so sánh cho chủ đầu tư các vấn đề như phòng có cửa sổ giá thuê cao hơn không cửa sổ, khu vực có nhiều không gian sinh hoạt chung có giá cao hơn khu dân cư mật độ dày đặc. Hiệu quả của quá trình này là chủ đầu tư mạnh dạn “hy sinh” 2 phòng ở giữa để tạo thành không gian mở, khu vực sinh hoạt chung cho toàn bộ cư dân.
Với chúng tôi, ngoài thiết kế công năng hợp lý, hiệu quả cho chủ đầu tư, cung cấp tiện ích tối thiểu cho người ở (ăn ở và vệ sinh) thì việc đưa ánh sáng, gió tự nhiên, chống nóng là tiên quyết. Có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu thực sự của người lao động thu nhập thấp nhưng mong muốn của chúng tôi là khu nhà trọ có tính liên kết cộng đồng, phòng trọ có ánh sáng và thông gió tự nhiên, giặt phơi có nắng gió, nấu ăn không bị quẩn mùi trong phòng, trẻ con lớn lên có chỗ chơi chung không phải chạy ra đường,...
Dãy phòng trọ rộng rãi và thoáng đãng, tạo cảm giác như một con hẻm ở TP.HCM
Với quan điểm như vậy, khi đọc những tai nạn về nhà cửa trong các vụ cháy, anh có trăn trở gì không?
Đó là những tai nạn không may xảy ra nhưng cũng là lời cảnh tỉnh chung cho chủ đầu tư và cả người thiết kế. Chúng tôi đã và sẽ công bố rộng rãi các hình thức thiết kế nhà ở xã hội để các chủ đầu tư khác có thể tham khảo, giúp cho việc xây cất nhà ở xã hội được an toàn và bền vững.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!