LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
----
B-52 MỸ SẬP BẪY: 60 PHÚT KINH HOÀNG - SỐ TÊN LỬA NGHÊNH CHIẾN TĂNG VỌT SAU 1 ĐÊM
Bằng nhiều nguồn tin quân báo, BTL Quân chủng PK-KQ trong những ngày 23, 24 tháng 12 năm 1972 phân tích rất kỹ và phán đoán thủ đoạn tiến công đường không của Không quân chiến lược Mỹ (SAC).
Rõ ràng SAC bất ngờ chuyển hướng, thay đổi thủ đoạn và mục tiêu đánh phá. Mỗi đêm chúng chỉ sử dụng khoảng 30 lần chiếc máy bay B-52 đánh ra xa Hà Nội, vào Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng và tạm dừng đánh phá vào đêm 25-12.
Giữ vững thế trận…
Phòng tác chiến và các sĩ quan cấp cao ở Quân chủng tập trung phân tích các đường bay, cường độ bom đạn, thủ đoạn gây nhiễu đặc biệt là đội hình trên các hướng. Bộ tư lệnh chiến dịch khẳng định, đây chỉ là hành động nghi binh nhằm kéo giãn hỏa lực tên lửa của ta ra xa. SAC chưa từ bỏ ý đồ leo thang, bất ngờ, ồ ạt tập kích Hà Nội.
Quân chủng chỉ đạo các đơn vị giữ vững thế trận,đề phòng thủ đoạn mới của địch. Những tài liệu giải mã của không quân Mỹ sau này cho thấy Chiến dịch Linebacker II:
- Hướng thứ nhất (được coi là chủ yếu), lấy ngã ba sông Việt Trì làm điểm kiểm tra tập hợp đội hình và tấn công Hà Nội theo trục sông Hồng (Tây Bắc - Đông Nam); sau khi cắt bom thoát ly ra biển theo hướng Đông Nam hoặc sang Lào Theo hướng Tây Nam.
- Hướng thứ hai (chủ yếu): lấy núi Viên Nam (nam Ba Vì) là điểm kiểm tra tập hợp đội hình đột nhập không phận Hà Nội từ phía Tây; thoát ly theo hướng Đông Nam ra biển hoặc "uốn móc câu" trở lại Lào.
Quân chủng PK-KQ cũng sớm nhận ra B-52 sử dụng hướng thứ nhất và thứ hai trong 75% số phi vụ, các hướng thứ ba và thứ tư ( không nêu ở đây) được sử dụng ít hơn.
Tiểu đoàn trưởng 77 của Sư đoàn 361 thừa nhận, trong những ngày tiếp theo đánh B-52 cường độ cao tại trận địa CH, đơn vị ông không cơ động ra xa, chỉ quanh quẩn, kiểu "xê dịch", tránh đòn đánh trả bằng vũ khí chính xác (tên lửa sơ rai - Shrike) và bom.
D77 vẫn chốt chặt phương vị "lợi hại" đánh chặn đường bay từ phía Bắc vào Hà Nội. Phương pháp bắn của "tiểu đoàn ông Văn" vẫn là phương pháp bắn "nhìn thấy" mục tiêu, nhờ kíp chiến đấu ăn nhịp và điêu luyện.
Các tiểu đoàn khác ở trận địa Kim Tiền, huyện Kim Anh (Vĩnh Phúc), trận địa Đại Đồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) tên lửa vẫn thoắt cơ động đi-về, vừa bảo toàn mà vẫn giữ hướng trọng yếu.
Minh họa quy trình bắn của tên lửa phòng không SAM-2.
Chuyển hóa thế trận, chuyển hóa cách đánh
Một mặt phải giữ vững thế trận đánh hướng chủ yếu, tương kế, tựu kế, Quân chủng lệnh cơ động tiểu đoàn 71, 72 từ Hải Phòng lên chốt tại đông bắc (trận địa Đại Chu, Yên Phong, Hà Bắc).
Đồng thời, Quân chủng cũng đưa Tiểu đoàn 87 chốt hướng tây nam, bổ sung lực lượng cho hướng tây bắc, cấp bổ sung đủ khí tài để hai tiểu đoàn 74 và 84 đang làm dự bị ra triển khai chiến đấu thay cho hai tiểu đoàn vừa rút lên bảo vệ hướng Đông-Bắc Hà Nội
Quân chủng còn ra lệnh, lực lượng tên lửa chỉ sử dụng để chuyên đánh B-52. Pháo phòng không, không quân tiêm kích tích cực bảo vệ tên lửa. Khẩn trương điều thêm đạn tên lửa từ Hải Phòng lên, từ Khu 4 ra cho Hà Nội. Mặt khác, tăng cường chỉ đạo sản xuất đạn tên lửa ngay tại Hà Nội, bằng mọi giá phải đảm bảo đủ đạn tên lửa để đánh B-52.
Cùng với đó, các đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu giai đoạn 1; gấp rút bổ sung phương án tác chiến và tích cực luyện tập theo phương án tác chiến mới.
Sau hơn 1 tuần đối mặt với khá nhiều thủ đoạn đánh phá của các loại F và B-52, các trạm radar được bố trí chếch trên 45 độ so với trục bay chính của B-52.
Các tiểu đoàn hoả lực tên lửa lúc đầu bắn B-52 bằng một phương pháp điều khiển đã tiến đến vận dụng đánh bằng tất cả các phương pháp điều khiển, chuyển hoá các phương pháp rất linh hoạt. Thậm chí trong một trận có đơn vị đã vận dụng sáng tạo quy tắc xạ kích, kết hợp được nhiều phương pháp điều khiển, đạt hiệu quả tiêu diệt cao.
Đơn cử, đêm 27 tháng 12, Tiểu đoàn trưởng 72 Phạm Văn Chắt và kíp chiến đấu phát hiện dải nhiễu B-52, dự định đánh theo phương pháp 3 điểm (bắn vào giữa dải nhiễu do ba trắc thủ góc tà, trắc thủ cự ly và trắc thủ phương vị xác định).
Nhưng thấy không chắc thắng nên chỉ huy kíp bắn chờ máy bay B52 vào gần mới nâng cao thế. Ngay sau đó kíp trắc thủ phát hiện đúng B-52 ở cự ly 45 km và bám sát.
Bất ngờ, lúc máy bay vào đến cự ly 33km, thì Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chắt ra lệnh bỏ phương pháp đánh 3 điểm, chuyển sang phương pháp đánh vượt trước nửa góc (bắn đón). Còn nguyên bom trong khoang, chiếc B-52 xấu số rơi tại chỗ, vỡ tan tác trên đường Hoàng Hoa Thám và hồ làng Ngọc Hà…
Bộ đội tên lửa VN huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Bộ đội tên lửa còn không để chúng lừa, đã sử dụng biện pháp phóng nhử, biết chọn đúng dải nhiễu B-52, phân biệt được chúng khi nhiễu tách nhau…
Chỉ huy cấp trung đoàn đã lệnh tên lửa đánh tập trung, đánh từ nhiều phía, đánh chéo cánh sẻ vào các tốp B-52. Về mặt xạ kích, các đơn vị đã chọn cự ly phóng thích hợp trên từng trận địa.
Thực tế chiến đấu cho thấy khi B-52 bay đến cự ly "thuận lợi nhất" thì phát sóng, thu tín hiệu mục tiêu tăng xác suất tiêu diệt B-52 tại chỗ.
Nhiều tiểu đoàn phát sóng ở cự ly 24 km trở vào, như thế thời gian thao tác còn rất ít, nhưng nhờ trình độ thao tác rất đồng nhịp và nhanh, nên kịp phóng đạn.
Nhiều sĩ quan điều khiển đã bình tĩnh "gạt" tên lửa tự dẫn sơ-rai của địch một cách có hiệu quả.
Theo cuốn "Bộ Tham mưu PK-KQ trong chiến tranh", trong những đêm B-52 đánh vào Hà Nội, hầu hết các tiểu đoàn tên lửa đều bắt được tín hiệu B-52 trên nhiễu tạp với tỷ lệ 12/13 tiểu đoàn thấy mục tiêu trên màn hiện sóng tên lửa.
Điện lúc 15 giờ ngày 25 tháng 12 từ Bộ Tổng tham mưu lệnh cho Quân chủng PK-KQ từ 19 giờ ngày 25-12-1972, tất cả bộ đội, vũ khí, khí tài tên lửa phải sẵn sàng chiến đấu 100%.
Đến tối 25-12, lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội nghênh chiến lên tới 13 tiểu đoàn hỏa lực trên khu vực chiến dịch. Sư đoàn 361 bảo đảm ít nhất mỗi trận địa tên lửa có một đại đội pháo bảo vệ.
Tiểu đoàn 72 từ Hải Phòng chia làm 2 tuyến cơ động hơn hai ngày, đã có mặt tại Đông bắc Hà Nội trận địa (Đại Chu), triển khai xong khí tài, góc bắn rất rộng, trên màn viko nhìn rõ các tốp máy bay cường kích ở nhiều hướng. Tuy thế tiểu đoàn vẫn bố trí trận địa bộc phá ở xa để tạo khói nghi binh, che giấu trận địa thật.
Đồ họa máy bay ném bom chiến lược B-52 đời mới của Mỹ. Ảnh minh họa.
Đêm 26, sập bẫy - Trận then chốt quyết định!
Đúng như ta nhận định, đêm 26-12, SAC cho trinh sát và thay đổi đường bay. Chúng đưa 52 lần máy bay chiến thuật, đánh phá, săn tìm trận địa tên lửa ta, huy động 105 lần chiếc B-52 từ 4 hướng, chia làm 7 mũi đánh dồn dập nhiều mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... hòng gây cho ta lúng túng, nhưng Không quân chiến lược Mỹ đã bẫy sập.
Các lực lượng phòng không của Việt Nam đã đánh một trận tiêu diệt máy bay xuất sắc bắn rơi 8 chiếc B-52 trong vòng chỉ có 60 phút.
Những người chứng kiến trận đánh đêm 26 rạng ngày 27/12 ở Đông Anh, Hà Nội mô tả:
"Đạn tên lửa từ bắc sông Hồng vọt lên vàng rực, cắt chéo cánh sẻ đạn từ nam sông Hồng lừng lững bay lên. Hướng bắc Đuống, hai trái đạn gần như bay song song vút lên. Vùng trời sáng rực, khi B52 trúng đạn, càng rực rỡ, bởi mảnh vỡ máy bay tóe ra muôn vàn hoa cà hoa cải làm cho đêm mà như ban ngày trong mấy chục phút liền "
Nhờ chuyển hóa thế trận, ngày đầu tiên "lưới lửa" tầm cao đã đánh trả thành công rực rỡ.
Trận đánh đêm 26/12, với đội hình 13 tiểu đoàn nghênh chiến, sau chuyển hóa thế trận, bộ đội tên lửa Việt Nam đã chứng minh nghệ thuật chỉ đạo đúng đắn, phán đoán nhanh, đúng âm mưu của địch, kiên quyết giữ vững và tăng cường thế trận, điều chuyển lực lượng linh hoạt.
Trận này mới thực là trận then chốt quyết định của chiến dịch.
Với phía Mỹ, ngày 26 tháng 12, đợt hành động thứ ba, thời điểm Không lực Hoa Kỳ tổ chức một trận tập kích quy mô lớn nhất, cường độ mạnh nhất. Những số liệu phía Mỹ sau này cho thấy, SAC huy động tới 120 lần chiếc B-52 hoạt động trên không phận miền Bắc Việt Nam trong khoảng hơn ba giờ (từ 15 giờ 30 phút đến 20 giờ 19 phút - Giờ GMT).
Để dọn đường cho đợt tập kích này, từ 13 giờ 30 (giờ Hà Nội), Không quân của hải quân Hoa Kỳ đã huy động 32 lần chiếc A-7 và 8 chiếc F-4 yểm hộ ném bom chặt đứt tuyến ga đường sắt Hà Nội và Đông Anh.
Trước khi cuộc tập kích diễn ra 3 giờ, 10 máy bay F-111A đã đánh phá các sân bay Yên Bái, Nội Bài, Kép, Hòa Lạc, các nhà ga đường sắt Bắc Giang, Lưu Xá và nhà máy điện Việt Trì.
Tiếp đó, 113 máy bay F-4, F-105 làm nhiệm vụ yểm hộ B-52, máy bay tác chiến điện tử EB-66, EA-3A, EA-6A và EA-6B được tung vào trận làm nhiệm vụ yểm hộ B-52, gây nhiễu tích cực, nhiễu tiêu cực, nhiễu trong đội hình, nhiễu ngoài đội hình, chặn kích đối phó MiG-21.
Đợt không kích này nhằm vào 7 mục tiêu ở Hà Nội, hai mục tiêu ở Hải Phòng và một mục tiêu ở Thái Nguyên. Nhưng Hà Nội vẫn là mục tiêu không quân Mỹ "cay", quyết san phẳng. Các máy bay đột nhập Hà Nội cùng lúc từ bốn hướng.
B-52 Mỹ ném bom rải thảm.
Từ 20 giờ 53 phút đến 21 giờ 40 phút, 56 tốp F-105 và F-4 đã rải một "bức tường nhiễu" cao từ 5 đến 7 km, rộng hàng chục km ở bốn hướng Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam Hà Nội.
Trung đoàn radar 291 thông báo chính xác 21 giờ 48 phút, 27 tốp B-52 đầu tiên đã tới Xiêng Khoảng (Lào). Cùng lúc, 13 tốp B-52 khác xuất hiện trên biển Đông. 22 giờ 25 phút, các tốp B-52 tiếp cận mục tiêu.
Về phía PK-KQ Việt Nam, từ 22 giờ 25 phút đến 22 giờ 28 phút, bốn tiểu đoàn tên lửa (57, 86, 87, 88 đã phát sóng, chuyển mục tiêu… đánh 7 trận, phóng 13 đạn vào các tốp 600 và 602, nhưng chỉ được cấp trên của họ công nhận đánh trúng 1 B-52 nhưng không rơi tại chỗ.
22 giờ 29 phút, tốp 602 (số liệu VN) đang rải bom xuống ga Giáp Bát đã bị tiểu đoàn tên lửa 78 ở trận địa Thanh Mai đánh trúng, nó rơi tại Định Công (Thanh Trì, Hà Nội).
Chỉ một phút sau đó, , tiểu đoàn 76 ở trận địa Dương Tế đánh trúng tốp 599, một chiếc B-52 của tốp này rơi tại Tương Mai, Hà Nội).
Mười phút tiếp theo, tiểu đoàn 93 tại trận địa Phú Thụy bắn rơi chiếc B-52 thuộc tốp 603, nó rơi tại Đèo Khế (Sơn Dương, Tuyên Quang).
Lúc 22 giờ 45 phút, tiểu đoàn 79 tại trận địa bãi vải Yên Nghĩa bắn rơi một chiếc B-52 thuộc tốp 406, nó lao về Pa Háng (Sơn La) bùng cháy.
Tại Hải Phòng, lúc 22 giờ 24 phút, các đại đội 172 và 174 cao xạ 100 mm thuộc trung đoàn 252 bắn rơi một B-52 thuộc tốp 402 tại toạ độ 760 trên vịnh Bắc Bộ.
22 giờ 36 phút, tiểu đoàn tên lửa 81 (Đoàn Hạ Long) tại trận địa An Hồng đánh trúng một B-52 thuộc tốp 404, rơi tại toạ độ 770 (vịnh Bắc Bộ).
Hồi 22 giờ 48 phút, đoàn 256 cao xạ 100 mm của Quân khu Việt Bắc tại Thái Nguyên cũng đánh trúng tốp B-52 số hiệu 415 nhưng không rơi tại chỗ.
… Tính tới rạng sáng ngày 27/12/1972 đã có 18 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, trong đó có 8 B-52 (có 4 chiếc rơi tại chỗ). Thực trạng đen tối này khiến báo chí phương Tây nhận định chua cay: "Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B-52 sẽ bị tuyệt chủng!"
Trận đánh đêm 26/12/1972, các chuyên gia Mỹ nhận định đây là một ngày thảm họa.
Máy bay B-52 Mỹ ném bom rải thảm.
Như vậy, đêm cố gắng cao nhất của Không quân Mỹ, lại là đêm tổn thất B-52 lớn nhất. Trận đánh đêm 26 có ý nghĩa then chốt quyết định của chiến dịch. Có thể khẳng định, PK-KQ Việt Nam có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược chủ yếu bằng B-52 của địch.
Tổn thất quá sức này buộc SAC phải xuống thang và giảm cường độ đánh phá những ngày sau đó.