Kite Air thất bại với chuyến bay đầu tiên trong quý I/2020

Đào Bích |

Kite Air phải gác lại kế hoạch khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên trong quý I/2020.

Theo kế hoạch được công bố vào tháng 10/2019, Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) lên kế hoạch dự kiến bay trong quý I/2020. Tuy nhiên, đến gần cuối tháng 4/2020, hãng bay này vẫn chưa thực hiện được.

Mới đây, cùng với quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc từ chối phê duyệt cấp phép dự án vận tải hàng không Cánh Diều và yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải “xem xét chặt chẽ việc lập hãng hàng không mới trong tình hình mới”, nhiều khả năng hãng bay này tiếp tục gác lại kế hoạch bay thương mại như dự kiến.

Báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh – chủ hãng bay Cánh Diều có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng trong đó ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỷ đồng; Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỷ đồng và bà Trần Thu Hằng góp 100 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này mới thành lập vào tháng 6/2019 nên chưa có báo cáo tài chính 2 năm gần nhất theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 33 Luật Đầu tư.

Chi tiết dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 5.500 tỷ đồng. Trong đó, 4.500 tỷ đồng vốn cố định (bao gồm 2.300 tỷ đồng đầu tư tàu bay ATR, 1.700 tỷ đồng thuê khô tàu thân hẹp và 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị, văn phòng).

Trong số 4.500 tỷ đồng này, dự kiến 28% vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng); 72% còn lại là đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài.

Liên quan đến kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều – Kite Air, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ KH&ĐT mới chỉ căn cứ vào Nghị định 92 ngày 1/7/2016 về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Trong khi đó, Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều (Nghị định số 89 ngày 15/11/2019 sửa đổi Nghị định 92, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020) để tiến hành thẩm định Dự án. Các điều kiện kinh doanh mà nghị định mới đưa ra được đánh giá là tạo nhiều thuận lợi dễ dàng hơn.

Đây là cũng là nguyên nhân Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KHĐT và UBND tỉnh Quảng Nam (địa phương được Kite Air đăng ký kinh doanh) phải rà soát các căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư dự án.

Vì thế, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ KHĐT cần có kết luận rõ về việc dự án đã đáp ứng đủ điều kiện để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư hay chưa.

Một điều đáng chú ý nữa đối với Kite Air, đó là việc doanh nghiệp này mới thành lập vào tháng 6/2019 nên chưa có báo cáo tài chính 2 năm gần nhất theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 33 Luật Đầu tư.

Liên quan đến phần vốn vay, Bộ KH&ĐT xác nhận tại Hồ sơ Dự án có văn bản đồng ý thu xếp tài trợ 4.500 tỷ đồng của Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng và thư cam kết của BNP Paribas tạm ứng cho Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh khoản vay lên tới 85% giá trị máy bay ròng.

Tuy nhiên, đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT và Cục Hàng đã đề nghị Thiên Minh làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến vốn quay vòng; phương án tài chính cụ thể đến bao giờ hết lỗ, lãi là từ bao lâu sau khi bay chính thức?

Theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Cục Hàng không phải quản lý chặt kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2025 của Công ty Thiên Minh, đảm bảo số lượng tàu bay khai thác phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng cảng hàng không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại