Các đơn vị phòng không Nga thường được trang bị những hệ thống tên lửa cực kỳ mạnh mẽ. Chúng không chỉ góp phần bảo vệ vùng trời nước Nga mà còn của nhiều nước khác trên thế giới.
Thông thường, lính tên lửa Nga phải trải qua quãng thời gian đào tạo kéo dài 5 năm, nhưng cuối cùng cũng chỉ có số ít đủ tiêu chuẩn được lựa chọn biên chế cho các đơn vị tên lửa S-300 và S-400 .
Quá trình huấn luyện sĩ quan tên lửa được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu gồm nghiên cứu các kế hoạch giả định về những đòn không kích của kẻ thù và chuẩn bị đánh bại chúng.
"Thiết bị tính toán của mỗi hệ thống tên lửa đều có các kế hoạch hành động bằng khẩu lệnh và trên giấy tờ. Mục đích là nhằm tận dụng tối đa khả năng cũng như hỏa lực của tên lửa để có thể bắn hạ được càng nhiều mục tiêu càng tốt", Dmitri Safonov, cựu chuyên gia phân tích quân sự của báo Izvestia nhận xét.
Trong quá trình đào tạo tại các học viện quân sự, học viên phải dành một lượng lớn thời gian huấn luyện và thực hành cho giai đoạn này. Giảng viên có thể phê bình và nghiêm khắc khiển trách các sĩ quan tên lửa tương lai nếu họ học hành không nghiêm túc và không nắm chắc được một vấn đề nào đó.
Tiếp sau thời gian chuẩn bị sẽ là giai đoạn mô hình hóa trên sa bàn. Tại đây, mọi phương án hành động của cả kíp trắc thủ sẽ được quyết định.
"Tình huống tác chiến giả định cũng sẽ được đẩy lên mức khó hơn bằng cách bổ sung thêm nhiều tham số can thiệp, kể cả những sai sót của hệ thống có thể diễn ra. Nói cách khác, tình huống tác chiến được mô phỏng sát với thực tế ở mức cao nhất có thể. Cả kíp trắc thủ phải được chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống thực tế", Dmitri Safonov cho biết.
Thục luyện tại trường bắn
Đây là nơi những điều thú vị nhất diễn ra. Giai đoạn hai là quá trình hoàn thiện điều khiển hệ thống tại bãi tập có bắn đạn thật. Điểm khác biệt duy nhất giữa luyện tập bắn thử và thực tế chiến đấu là các trắc thủ sẽ bị tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn rỗng.
"Một số máy bay chiến đấu sẽ cất cánh từ các trung tâm huấn luyện gần đó để xâm nhập hệ thống phòng không và tấn công. Có tình huống, các máy bay sẽ thả bom hoặc phóng tên lửa rồi tháo chạy theo quỹ đạo mà các hệ thống S-300 không thể bắn hạ", Dmitri Safonov giải thích.
"Trong nhiều tình huống, các máy bay không người lái sẽ được phóng lên và các trắc thủ phải bám bắt và tiêu diệt chúng".
Mọi công việc được thực hiện theo 3 giai đoạn: Radar phát hiện và bám bắt mục tiêu; tính toán quỹ đạo bay của mục tiêu; và cuối cùng là phóng tên lửa tấn công.
Lính Tiểu đoàn tên lửa phòng không của Quân khu miền Đông Nga
Mạng lưới phòng không Nga được bố trí như thế nào?
Công việc bảo vệ bầu trời nước Nga chủ yếu dựa vào các hệ thống S-300 và S-400. Những tổ hợp phòng không này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách từ 250 - 400 km. Tên lửa của hệ thống có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách từ 150 - 250 km. Mục tiêu của kẻ thù vẫn có thể bị tiêu diệt khi bay ở vận tốc 2,5 km/h.
Radar của S-300 và S-400 có thể đồng thời bám bắt được 36 mục tiêu và mỗi tổ hợp đủ khả năng tiêu diệt 12 mục tiêu cùng lúc.
Yểm trợ cho S-300 và S-400 còn có các hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1. Với tầm bắn từ 10 - 15 km, tổ hợp này có nhiệm vụ "tiêu diệt nốt" những tên lửa, vì một số lý do nào đó, đã lọt qua được lưới lửa của các hệ thống tầm xa trước đó.
Ngoài các hệ thống phòng không trên, bầu trời nước Nga còn được bảo vệ bởi các tiêm kích đánh chặn Su-30MS, Su-35, MiG-29 và MiG-31 được bố trí ở các sân bay gần căn cứ phòng không.
Hệ thống phòng không S-300 của Nga diễn tập bắn đạn thật