Hồi tháng 9/2016, Trung Quốc đã khởi động hệ thống FAST - đài quan sát thiên văn khổng lồ lớn nhất thế giới, kèm theo là tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên chạm đến người ngoài hành tinh.
Và giờ đây, chiếc kính này có được khám phá đầu tiên - những ngôi "sao xung" (pulsar).
FAST - kính quan sát thiên văn lớn nhất thế giới
Theo tờ China Daily, FAST đã tìm ra hàng loạt các sao xung. Chúng là những ngôi sao neutron xoay với một tốc độ cực nhanh, hoàn thành một vòng quay chỉ trong vòng chưa đến một giây. Nhờ vậy, chúng phát ra những luồng chớp phóng xạ cực kỳ ấn tượng.
"Quả thực là một niềm khích lệ, khi chúng tôi đạt được thành tựu này chỉ trong 1 năm," - Peng Bo, phó giám đốc dự án FAST cho biết.
Bo cho biết, trong số các sao xung đáng chú ý có J1859-01, cách chúng ta 16.000 năm ánh sáng với chu kỳ xoay 1,83s. Một ngôi sao khác là J1931-01 ở khoảng cách 4.100 năm ánh sáng, và chu kỳ là 0,59s.
Với thành tựu này, FAST là kính tiềm vọng radio đầu tiên của Trung Quốc có thể tìm ra sao xung, đồng thời được kỳ vọng trở thành thiết bị đầu tiên trên thế giới xác nhận được sao xung ở các thiên hà lân cận trong năm kế tiếp.
Theo Bo, hiện tại con người mới biết được khoảng 2.700 sao xung nằm trong Dải Ngân Hà kể từ năm 1967. Với FAST, con số ấy có thể tăng thêm gấp đôi, đồng thời trợ giúp cực kỳ đáng kể cho việc nghiên cứu sóng hấp dẫn.
Việc tìm ra sao xung cho thấy FAST có thể đưa con người trở lại quỹ đạo nghiên cứu khoa học thực sự. Ngoài ra, FAST cho thấy khả năng tiếp nhận các tín hiệu ở khoảng cách cực kỳ xa, qua đó dấy lên hy vọng nhận được tín hiệu từ người ngoài hành tinh (dù nhiều chuyên gia tin rằng khả năng này khó có thể xảy ra).
Được biết, FAST là kính tiềm vọng radio đơn đĩa lớn nhất thế giới, với khẩu độ rộng tới 500m, tầm quan sát hơn gấp đôi so với kính viễn vọng khổng lồ Arecibo tại Puerto Rico. FAST được đặt tại vùng lòng chảo đá vôi thuộc huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu ở Tây Nam Trung Quốc.
Nguồn: China Daily