Trước con số tăng trưởng và phục hồi ấn tượng này, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, 12/10/2022 rằng, "nhìn lại bối cảnh khó khăn, thách thức một năm trước thì không nghĩ đạt được những thành tựu như hiện nay", đồng thời đánh giá cao đóng góp của đội ngũ doanh nhân vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
"Ngày mai em dẫn tour lại rồi. Đoàn 20 khách đi Sun World Ba Na Hills. Hai năm rồi mới lại được làm nghề, vợ con đỡ khổ rồi", Nguyễn Việt Hưng (trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), hướng dẫn viên du lịch làm việc tại Đà Nẵng, hồ hởi khoe với người hàng xóm vào một buổi tối cuối tháng 3/2022.
"Mai anh cũng chạy lại đây, khách đoàn, hơn 40 người", anh Trần Giang, lái xe du lịch, hàng xóm của Hưng, đáp lời. Cả 2 cùng cười sung sướng, rôm rả trò chuyện. Niềm vui giản dị bên bàn trà tối của con xóm nhỏ, sau những ngày dài đằng đẵng chưa từng có trong lịch sử.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã làm đảo lộn mọi thứ. Những người làm trong ngành du lịch bỗng dưng thất nghiệp hàng loạt. Ở Đà Nẵng, nơi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mỗi năm đón gần 10 triệu lượt khách, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch rơi vào cảnh vắng lặng chưa từng thấy.
Hơn 2 năm trời, anh Hưng, anh Giang cũng như nhiều đồng nghiệp sống trong khó khăn. Hưng tìm cách mưu sinh bằng công việc chân tay, còn Giang phụ vợ giao hàng ăn vặt cho khách.
Ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế điểm đến, tần suất bay quốc tế, mở cửa bầu trời làm tiền đề mở cửa du lịch.
Văn phòng Chính phủ tiếp đó ra Thông báo số 43 kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, quyết định thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3. Du khách quốc tế đến Việt Nam chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng Covid-19. Chìa khoá mở cánh cửa hồi sinh du lịch Việt Nam sau thời gian 2 năm đóng băng đã được kích hoạt.
Các địa phương và các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đồng loạt chung tay vực dậy ngành du lịch và hồi sinh điểm đến bằng hàng loạt sản phẩm tour, tuyến, công trình, dịch vụ du lịch mới. Những chương trình khuyến mãi, giảm giá, sự kiện tầm cỡ thu hút du khách liên tục được tung ra. Đặc biệt, với hướng đi "biến nguy thành cơ", nhiều doanh nghiệp lớn như tập đoàn Sun Group đã nâng cấp sản phẩm và dồn lực để cho ra đời nhiều công trình đẳng cấp ngay trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh như khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh tại Quảng Ninh, cáp treo Cát Hải – Phù Long tại Hải Phòng, Thác Thần Mặt trời và lâu đài Mặt trăng tại Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng,… tạo lợi thế cạnh tranh và sức hút đặc biệt cho điểm đến ngay khi du lịch mở cửa trở lại.
Khắp 3 miền đất nước, chuỗi các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, lễ hội Take me to the Sun khuấy động, tạo nên những điểm đến không ngừng hấp dẫn. Tại miền Bắc, Sun Group tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật và thể thao ở Hạ Long, Quảng Ninh hay Hà Nam, Hòa Bình… Tại các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Tập đoàn lại ghi dấu ấn với là chuỗi "Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn bay cao vươn xa" trong liên tục 4 tháng với vô số hoạt động văn hóa nghệ thuật và lễ hội đường phố sôi động hay Lễ hội "Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng - Enjoy Danang Summer 2022" với đêm đại nhạc hội "Take me to the Sun" thu hút hàng vạn du khách, đồng thời, mỗi cuối tuần là lễ hội carnival đường phố Sun Fest trong tháng 7; lễ hội ẩm thực và Bia B’estival, show nghệ thuật "Trận chiến ở vương quốc Mặt trăng" ở Sun World Ba Na Hills kéo dài từ 30/4 đến hết 30/8 cũng thu hút đông đảo du khách...
Tại miền Nam, TP.HCM mở tuyến đường thủy bằng tàu cao tốc đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại; Tỉnh Tây Ninh và khu du lịch Sun World Ba Den Mountain của Sun Group mở cửa hoạt động trở lại 2 tuyến cáp treo lên núi Bà Đen cùng cảnh quan không ngừng được làm mới, ẩm thực phong phú và trải nghiệm tâm linh ý nghĩa tại quần thể tâm linh trên đỉnh núi Bà.
Chỉ sau thời gian ngắn, du lịch Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng đã nhanh chóng đạt được thành tựu.
Tính đến hết tháng 8, tổng số khách du lịch nội địa của Việt Nam đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm 2022. Mức tăng trưởng này tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm "hoàng kim" của du lịch Việt Nam trước khi xảy ra đại dịch. Con số này cũng gần bằng lượng khách du lịch cả năm 2019 với 85 triệu lượt.
Trong sự hồi sinh ngoạn mục của kinh tế và đặc biệt là du lịch Việt, khối kinh tế tư nhân có vai trò to lớn. Theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp đối với đất nước là vô cùng quan trọng, đóng góp 60-65% tăng trưởng GDP.
Những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam như Sun Group, Vingroup, Thaco… vẫn từng ngày đóng góp cho đất nước trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế: du lịch giải trí, bất động sản cao cấp, sản xuất công nghiệp, ô tô, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao,… và đặc biệt trong một lĩnh vực mà trước nay được "mặc nhiên" cho là của nhà nước: lĩnh vực hạ tầng cơ sở.
Điều này không khó hiểu khi thậm chí trên thế giới, các công trình hạ tầng cơ sở như cao tốc cũng rất hiếm được thực hiện bởi tư nhân. Thế nhưng, tại Việt Nam, một câu chuyện hoàn toàn khác đã được viết nên bằng sự nỗ lực chung tay xây dựng đất nước của khối doanh nghiệp tư nhân.
Hàng loạt công trình hạ tầng không – thủy –bộ như sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, đường cao tốc được Sun Group đầu tư ở Quảng Ninh đã khẳng định năng lực và khả năng đóng góp của khối tư nhân trong lĩnh vực này, tạo sự kết nối và bàn đạp cho sự phát triển của kinh tế địa phương.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá việc hàng loạt công trình giao thông trọng điểm xuất hiện tại tỉnh Quảng Ninh trong 5 năm qua đã thay đổi diện mạo địa phương, có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh, quốc gia và khu vực.
Ông Thành lấy ví dụ, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái do Sun Group xây dựng là vô cùng hiện đại, chuẩn mực. Tuyến đường đã giúp kết nối hạ tầng xã hội tốt, giúp tạo động lực đột phá cho khu kinh tế Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái của tỉnh. Tuyến đường này còn kết nối 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái. "Điều này góp phần đưa Quảng Ninh có cơ hội trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, khu vực hợp tác hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng", ông Thành nhận định.
Trong khi đó, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên của Việt Nam được xây mới hoàn toàn kể từ 1975 và cũng là sân bay đầu tiên do tư nhân xây dựng, được đầu tư đồng bộ, hiện đại, trang bị công nghệ, hạ tầng tiên tiến nhất ngành hàng không hiện nay. Sun Group đã tạo nên một kỳ tích khi hợp tác cùng Tập đoàn NACO (Netherlands Airport Consultants, Hà Lan), đơn vị nổi tiếng với những công trình vĩ đại như sân bay con Nhện (Mexico), cảng hàng không quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), để biến một vùng đầm lầy thành "Sân bay khu vực hàng đầu thế giới" tại giải thưởng World Travel Awards năm 2020 và 2021.
Kỳ tích tiếp tục được sân bay này lập nên khi vượt qua chức năng của một cảng hàng không thông thường, để trở thành sân bay mang ý nghĩa đặc biệt của quốc gia: nơi đón các chuyến bay giải cứu đồng bào về từ vùng dịch với một quy trình vận hành chưa từng có tại Việt Nam. Hơn 300 chuyến bay giải cứu, chuyến bay charter và chở chuyên gia từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ đã hạ cánh, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh.
Nhìn nhận về sự đầu tư bài bản, đồng bộ của doanh nghiệp tư nhân tại Quảng Ninh, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, "doanh nghiệp tư nhân như Sun Group có tầm nhìn dài hạn và đi vào những lĩnh vực khó của đất nước, tạo ra giá trị rất lớn cho xã hội như đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch trọng điểm vốn còn yếu và thiếu ở Việt Nam".
Trước năm 2015, dù trải qua nhiều lần xúc tiến du lịch, thị trấn mù sương Sa Pa (Lào Cai) vẫn lặng lẽ với mỗi năm chỉ vài trăm ngàn lượt khách. Năm 2015, tuyến cáp treo Fansipan – hạng mục đầu tiên của khu du lịch Sun World Fansipan Legend khánh thành, đánh dấu bước chuyển mình đột phá cho ngành du lịch Sa Pa. Ngay năm đầu tiên, thỏi nam châm này đã giúp Sa Pa đón hơn 1 triệu lượt khách. Giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách tới tỉnh Lào Cai tăng 144%. Cuối năm 2019, doanh thu từ du lịch của tỉnh là 19.200 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2016.
Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, năm 2021 khẳng định Sun World Fansipan Legend là công trình thế kỷ, đã góp phần to lớn thúc đẩy du lịch Sa Pa, Lào Cai nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung phát triển đúng hướng trong 5 năm qua.
Từ tuyến cáp treo ban đầu, Sa Pa dần dần lột xác với hàng loạt công trình tầm cỡ như quần thể văn hóa kiến trúc tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh Fansipan, khách sạn 5 sao quốc tế Hotel de la Couple - MGallery Sa Pa, thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam,… cùng hàng loạt sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao hấp dẫn như mùa giải "Vó ngựa trên mây", show diễn "Vũ điệu trên mây", Lễ hội hoa hồng… KDL Sun World Fansipan Legend ba năm liên tiếp được World Travel Awards vinh danh "Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu thế giới".
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group vùng miền Trung, cho biết Đà Nẵng luôn được Sun Group không ngừng đầu tư, kiến tạo thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng, đẳng cấp, khác biệt để tạo nên thành phố đẳng cấp hàng đầu, thu hút thêm nhiều du khách.
"Trong suốt 2 năm đại dịch, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án ở Đà Nẵng. Ví dụ ở Bà Nà, chúng tôi vẫn âm thầm đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, du lịch mở cửa thì Sun World Ba Na Hills đã có các sản phẩm mới. Năm 2023, Sun World Ba Na Hills sẽ tiếp tục có những công trình khác ra mắt du khách", ông Bình nói.
Không chỉ Lào Cai, Đà Nẵng, du lịch Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua đã và đang chứng kiến những cuộc chuyển mình đột phá của nhiều vùng đất như Phú Quốc, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa… Sự vào cuộc của những nhà đầu tư chiến lược có tâm, có tầm đã đem đến một diện mạo mới mẻ, xinh đẹp và đẳng cấp cho nhiều điểm đến.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng sự thành công của Sun Group ở Đà Nẵng, Thanh Hoá đang trở thành hình mẫu để các địa phương thu hút "đại bàng". Ông Thiên thẳng thắn đánh giá sự cam kết đầu tư phát triển từ Sun Group ngay từ đầu đã giúp Đà Nẵng từng bước nâng cấp, được hiện đại hoá và trở thành đáng sống như ngày nay. "Khi Đà Nẵng hay Thanh Hóa mời được Sun Group vào thì khi đó, doanh nghiệp này đã giúp Đà Nẵng định hình chân dung tương lai của mình – chân dung khác biệt và đẳng cấp. Từ khu du lịch, nghỉ dưỡng Bà Nà, Lễ hội pháo hoa hay InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đều rất đặc biệt".
Sự lột xác và phát triển mạnh mẽ nhất của điểm đến phải kể tới Phú Quốc. Tại Đảo Ngọc, Sun Group kiến tạo gần 50 công trình đẳng cấp, giúp Nam đảo "lột xác" trở thành điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực. Thống kê từ Sở Du lịch tỉnh, từ khi Sun Group khai trương công trình đầu tiên là JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort năm 2016, đến năm 2019 trước dịch, lượng khách đến Phú Quốc tăng từ 1,45 triệu lên 5,1 triệu, tương đương 252%.
Vừa phấn khích lao xuống đường trượt nước tại công viên nước hiện đại bậc nhất Đông Nam Á – Aquatopia Water Park ở đảo Hòn Thơm, anh Trịnh Duy Lâm (du khách từ thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết sau lần đầu đến Phú Quốc năm 2019, anh đã "phải lòng" hòn đảo này. Nơi đây có không khí thoáng đãng, đậm chất tự nhiên, ôn hoà và đồ ăn thức uống thì tuyệt vời. "Đặc biệt, chỉ sau vài năm mà quang cảnh đã thay đổi nhiều. Nhiều khu vui chơi giải trí, nhà ở cao cấp được dựng lên khiến anh đã trở lại 6 lần mà vẫn chưa khám phá hết".
Tại Phú Quốc, Sun Group không chỉ ghi dấu ấn với tuyến cáp treo 3 dây vượt biển dài nhất thế giới (7.899 m), công viên Sun World Phu Quoc hiện đại đầy ắp trải nghiệm, mà còn khiến đảo Ngọc lột xác ngoạn mục với quần thể thị trấn Hoàng Hôn cùng nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng – điểm hẹn của nhiều tỷ phú thế giới và tới đây là Cầu Hôn, show diễn đa phương tiện Kiss The Stars...
Tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới – World Travel Awards 2022 giữa tháng 11, Phú Quốc vinh dự được xướng tên là "Hòn đảo có thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới". Đây là lần đầu tiên Việt Nam có hòn đảo được World Travel Awards (WTA) - giải thưởng ví như "Oscar ngành du lịch thế giới" - vinh danh. Giải thưởng cũng khẳng định sức hấp dẫn đặc biệt của Phú Quốc - không chỉ là điểm đến có vẻ đẹp hoang sơ mà còn đa dạng trải nghiệm.
Chia sẻ những nhận định về Phú Quốc, ông Graham Cooke Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập tổ chức World Travel Awards cho rằng: "Phú Quốc là một điểm đến mới nổi đáng kinh ngạc ở Châu Á, chúng tôi tin rằng nơi đây sẽ trở thành tâm điểm du lịch toàn cầu. Chúng tôi dự đoán các đề cử và giải thưởng sẽ tiếp tục phát triển cho điểm đến quan trọng này khi ngày càng có nhiều thương hiệu và sản phẩm được thu hút để phát triển tại hòn đảo".
Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về lý do Sun Group dành rất nhiều kinh phí để ủng hộ, đóng góp cho đất nước và các địa phương phòng chống dịch Covid-19 ở thời điểm mà doanh nghiệp du lịch đã gần như kiệt sức vì dịch bệnh, ông Đặng Minh Trường – Chủ tịch HĐQT Sun Group đã trả lời, đó là triết lý về "lòng yêu nước".
"Trong suốt chặng đường lớn mạnh của tập đoàn, Sun Group vẫn luôn đặt trách nhiệm đồng hành với sự phát triển của đất nước lên trên hết. Bởi vậy, với chúng tôi, được chung tay cùng đất nước trong cuộc chiến chống đại dịch là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào" – ông Trường chia sẻ.
Tháng 8/2020, khi Đà Nẵng đang ở giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh, bệnh viện dã chiến Tiên Sơn do Tập đoàn Sun Group tài trợ và thi công đã lập kỳ tích khi hoàn thành chỉ trong 3,5 ngày, tạo nên "lá chắn Tiên Sơn" vững vàng đồng hành cùng người dân Đà Nẵng vượt qua bão tố.
Sau bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, Sun Group chung tay góp sức, hỗ trợ các địa phương nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, triển khai hàng loạt bệnh viện dã chiến ở các địa phương như: BVDC tại Hải Dương, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại Bắc Giang, Bắc Ninh; ủng hộ quỹ vắc-xin; ủng hộ tiền mặt, tặng máy xét nghiệm PCR và bộ Kit Test Covid-19, cũng như hỗ trợ nhu yếu phẩm cho lực lượng biên phòng và công tác phòng dịch tại tỉnh biên giới…
Mới đây nhất, xung đột Nga - Ukraine khiến hàng nghìn kiều bào gặp khó khăn phải bỏ lại cơ nghiệp nơi đất khách quê người để trở về quê hương. Tập đoàn Sun Group đã nhanh chóng quyết định chung tay cùng Chính phủ trong quyết tâm bảo hộ công dân. Nhiều chuyến bay miễn phí mang theo những nghĩa tình của người Sun Group đã đưa kiều bào về nước an toàn trong niềm hạnh phúc vô bờ được trở về Tổ quốc.
Đó là một trong những minh chứng tiêu biểu cho "trách nhiệm và niềm tự hào" của những doanh nghiệp tư nhân. Theo thống kê, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khi Chính phủ phát động đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp một lượng tiền lớn, lên đến khoảng 10.000 tỷ đồng. Còn theo thống kê của tạp chí Forbes Việt Nam, kinh tế tư nhân đang dẫn dắt và đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động ủng hộ Chính phủ và các địa phương chống dịch.
Đánh giá về vai trò của khối kinh tế tư nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ: "Khi nói đến kinh tế thị trường, mình đang muốn xây dựng thành một thị trường hiện đại, hội nhập thì không thể không có kinh tế tư nhân, hay nói cách khác là không có kinh tế tư nhân thì không có kinh tế thị trường, không có cạnh tranh thì không có thị trường".