Các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chững lại khi cuộc chiến thương mại với Mỹ gây thiệt hại nặng nề hơn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo Reuters, các hoạt động tại Trung Quốc tiếp tục giảm mặc dù chính phủ đã có một loạt biện pháp kích thích tăng trưởng trong năm qua, đặt ra câu hỏi về việc có thể cần các biện pháp kích thích mạnh hơn.
Sau thời gian cải thiện ngắn trong tháng 6, kinh tế Trung Quốc lại tiếp tục phát đi tín hiệu xấu với sản lượng công nghiệp tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất kể từ 2002 và doanh số bán lẻ cũng sụt giảm trong tháng 7.
Theo báo cáo vừa được công bố, sản lượng công nghiệp tháng 7 tăng trưởng 4,8% so với 1 năm trước, doanh số bán lẻ tăng trưởng 7,6% trong khi tốc độ tăng đầu tư tài sản cố định giảm xuống còn 5,7% trong 7 tháng đầu năm. Mặc dù có một số yếu tố mùa vụ tác động tiêu cực đến số liệu, tất cả những con số này đều thấp hơn mức dự báo được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó.
"Nền kinh tế của Trung Quốc cần các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn bởi cơn bão đang khá mạnh, dữ liệu hôm nay yếu hơn nhiều so với mức có thể chấp nhận" - Larry Hu từ Macquaria Group ở Hong Kong nói. "Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tăng cường kích thích để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và bất động sản. Tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra vào cuối năm nay."
Dữ liệu này cũng trùng khớp với nhu cầu tín dụng yếu ớt trong tháng 7, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang vật lộn để ổn định trở lại. Động thái hoãn áp thuế mới đây của Tổng thống Trump khiến thị trường vui lên, nhưng các công ty xuất khẩu vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều bất ổn.
Sản lượng thép thô giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, trong khi sản xuất xe cơ giới tiếp tục giảm hai con số. Bộ Công nghiệp Trung Quốc cho biết hồi tháng trước rằng nước này sẽ cần những nỗ lực vượt gian khổ để đạt được mục tiêu tăng trưởng công nghiệp năm 2019 (5,5% đến 6,0%), với lý do bảo hộ thương mại.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rơi xuống mức thấp trong gần 30 năm, 6,2% trong quý II, và niềm tin không ổn định ảnh hưởng nặng đến đầu tư.
Doanh số bán lẻ cũng đang chỉ ra sự thận trọng ngày càng tăng của người tiêu dùng, rõ ràng nhất là doanh số bán ô tô giảm và chi tiêu liên quan như đồ gia dụng và đồ nội thất giảm.
Lo lắng về việc làm cũng có thể là một yếu tố tác động đến kinh tế Trung Quốc. Thất nghiệp tăng 5,3%, so với 5,1% trong tháng 6 (mặc dù nhiều người theo dõi thị trường tin rằng nó có thể cao hơn nhiều).
"Chúng tôi duy trì quan điểm rằng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa chạm đáy và hy vọng Bắc Kinh sẽ duy trì lập trường chính sách nới lỏng", các nhà kinh tế học của Nomura cho biết. Nomura dự kiến tăng trưởng sẽ chậm lại tới 6.0% trong quý ba và bốn.
Trung Quốc đã công bố các khoản chi tiêu hàng trăm tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế doanh nghiệp trong năm ngoái, và liên tục cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng (RRR) để giải phóng thêm tiền cho vay và giảm chi phí vay. Các nguồn tin nói với Reuters gần đây rằng hành động mạnh mẽ hơn như cắt giảm lãi suất là biện pháp cuối cùng, nhưng nó có thể thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng rủi ro nợ và tài chính.