Có một nguyên nhân căn bản đằng sau những sự hỗn loạn đã tác động xấu đến thị trường toàn cầu kể từ đầu tháng này: Trung Quốc. Khi mà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Á chững lại, phần còn lại của thế giới nhận ra rằng họ cũng đang phải chịu tác động nghiêm trọng từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc.
Giới đầu tư lo sợ rằng mọi chuyện rồi sẽ chỉ tồi tệ hơn bởi xét đến nhiều diễn biến xấu giữa căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ. Những diễn biến mới nhất bao gồm: Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo các biện pháp thuế trả đũa chống Trung Quốc vào tháng 9/2019, đồng nhân dân tệ được cho phép giảm giá sâu hơn xuống dưới ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD và Washington gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Tại Australia, tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự chững lại của kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc vốn là nước mua nhiều hàng xuất khẩu của Australia nhất tính từ năm 2009, chiếm tổng số khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia. Nhờ vào Trung Quốc, Australia đã có tăng trưởng kinh tế không ngừng nghỉ trong suốt hơn 27 năm.
Thế nhưng từ đầu tháng 8/2019 cho đến tuần trước, thị trường chứng khoán Australia giảm 6%, đồng USD rớt xuống mức thấp chưa từng thấy trong một thập kỷ. Lãi suất dài hạn rớt xuống dưới mức 1% bởi thị trường dự báo nhiều hơn về khả năng kinh tế suy giảm.
Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc đóng góp khoảng 16% vào GDP toàn cầu, chỉ thấp hơn chút so với tỷ lệ 24% của của Mỹ. Nếu ai đó nghĩ rằng tác động từ việc kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ chỉ ở mức hạn chế, chắc chắn nhiều người sẽ không đồng ý.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hẳn có chung quan điểm này. Theo tính toán của IMF, trong năm ngoái, Trung Quốc là nước mua lớn nhất hàng xuất khẩu của 34 nước. Năm 2007, trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc là nước mua hàng xuất khẩu lớn nhất của khoảng 13 nước.
Mỹ là nước mua hàng xuất khẩu lớn nhất của 36 nước ở thời điểm cuối năm ngoái. Sau khi kinh tế toàn cầu khó khăn vào năm 2008 và kinh tế Mỹ đi xuống, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một lớn dần. Trong giai đoạn trên, Trung Quốc đã thay Mỹ trở thành nước mua hàng đầu các loại hàng hóa xuất khẩu của Nhật, Brazil và Nam Phi.
Và không chỉ dừng lại ở đây, Trung Quốc dần dần giữ vị thế nhóm 3 nước mua nhiều hàng nhập khẩu nhất từ hơn 70 quốc gia trên thế giới. Trung Quốc là khách hàng quan trọng của khoảng hơn 1/3 trong nhóm 200 nền kinh tế của thế giới. Như vậy việc kinh tế Trung Quốc suy giảm chắc chắn sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng trên toàn cầu.