Kinh tế TQ hồi phục thần kỳ sau đại dịch Covid-19: Vị thế dẫn đầu thế giới mở rộng hơn nữa

An An |

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với việc nước này sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kinh tế TQ hồi phục

Theo New York Times (NYT-Mỹ), trong khi hầu hết các nước trên thế giới vẫn đang phải vật lộn để đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc một lần nữa chứng minh cho thế giới thấy rằng miễn là có thể kiểm soát hiệu quả virus, nền kinh tế có thể phục hồi nhanh chóng.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Hai công bố, so với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,9% trong quý III từ tháng 7 đến tháng 9. Hiệu suất mạnh mẽ này đã cho phép Trung Quốc gần như quay trở lại tốc độ tăng trưởng khoảng 6% được báo cáo trước khi bùng phát .

Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã nhanh chóng thoát khỏi đáy của sự suy giảm kinh tế vào mùa xuân. Khi nền kinh tế của các nước như Mỹ giảm tới 1/3 do các biện pháp phong tỏa thì Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù Mỹ và các quốc gia khác cũng dự kiến ​​sẽ báo cáo mức tăng trưởng nhanh chóng trong quý III nhưng họ vẫn đang bị tụt lại phía sau hoặc chỉ bắt kịp với mức trước dịch.

Trong những tháng tới, vị thế dẫn đầu của Trung Quốc có thể được mở rộng hơn nữa. Trung Quốc hiện nay hầu như không có ca mắc mới tại địa phương, trong khi Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh gia tăng khác.

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với việc nước này sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế toàn cầu - chiếm ít nhất 30% tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay và vài năm tới.

Kinh tế TQ hồi phục thần kỳ sau đại dịch Covid-19: Vị thế dẫn đầu thế giới mở rộng hơn nữa - Ảnh 1.

Nhà hàng đông khách tại Vũ Hán sau đại dịch Covid--19. Ảnh: NYT

Ông Lâm Nghị Phu, Cố vấn Quốc vụ viện kiêm Viện trưởng danh dự Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết: Các công ty Trung Quốc chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong xuất khẩu thế giới, sản xuất hàng điện tử tiêu dùng, thiết bị phòng hộ cá nhân và các sản phẩm khác có nhu cầu cao trong thời kỳ đại dịch. Đồng thời, Trung Quốc đang tăng cường mua thêm quặng sắt từ Brazil, nhiều ngô và thịt lợn từ Mỹ và dầu cọ từ Malaysia. Điều này, ở một mức độ nhất định, đã xoay ngược sự rớt giá hàng hóa vào mùa xuân và giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với một số ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, sự phục hồi của Trung Quốc vẫn không hữu ích đối với phần còn lại của thế giới như trước đây, vì tăng trưởng nhập khẩu của nước này thấp hơn nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu. Mô hình thương mại này đã tạo ra việc làm ở Trung Quốc nhưng lại kìm hãm sự tăng trưởng ở các khu vực khác.

Trong vài tháng qua, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng phụ thuộc vào các khoản đầu tư khổng lồ vào đường cao tốc, đường sắt cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Trong những tuần gần đây, tiêu thụ nội địa của Trung Quốc cũng bắt đầu phục hồi .

Những người giàu có và những người sống ở các tỉnh ven biển hướng đến xuất khẩu là những người tiêu dùng đầu tiên bắt đầu tiêu tiền trở lại. Nhưng ngay cả ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện, hoạt động kinh tế đang phục hồi.

Lôi Diễm Thu, một cư dân Vũ Hán, ngoài 30 tuổi, cho biết: "Bạn phải xếp hàng để vào được nhiều nhà hàng ở Vũ Hán và đối với những nhà hàng nổi tiếng trên mạng ở Vũ Hán, thời gian chờ đợi là hai hoặc ba giờ".

George Zhong, sống tại Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây nước này cho biết, trong hai tháng qua, anh đã đến 3 tỉnh khác nhau và tích cực mua sắm tại nhà. "Tôi tiêu tiền chẳng kém năm ngoái là bao", anh nói.

Kinh tế TQ hồi phục thần kỳ sau đại dịch Covid-19: Vị thế dẫn đầu thế giới mở rộng hơn nữa - Ảnh 2.

Người tiêu dùng đã tiêu tiền trở lại ở thị trường Tam Á. Ảnh: Reuters

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong ba tháng qua thấp hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế là 5,2% đến 5,5%. Nhưng hiệu suất vẫn đủ mạnh để thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông tăng mạnh vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai.

Sự phục hồi kinh tế sâu rộng của đất nước cũng có thể được nhìn thấy từ số liệu thống kê kinh tế tháng 9 được công bố vào thứ Hai. Doanh thu bán lẻ tháng trước tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước và sản xuất công nghiệp tăng 6,9%.

Mô hình chưa hấp dẫn các nước khác

Tuy nhiên, NYT nhận định, mô hình khôi phục tăng trưởng của Trung Quốc có thể hiệu quả, nhưng có thể không hấp dẫn đối với các nước khác.

Trung Quốc quyết tâm kiểm soát sự lây lan cục bộ của virus xuống mức 0 hoặc gần bằng 0. Do đó, dân số được theo dõi hoàn toàn bằng điện thoại di động. Ngay cả khi đối phó với đợt bùng phát nhỏ nhất, các cộng đồng và thành phố sẽ bị phong tỏa trong vài tuần và tiến hành xét nghiệm quy mô lớn với chi phí tốn kém.

Sự phục hồi của Trung Quốc cũng đi kèm với một số vấn đề, đặc biệt là tổng nợ tăng vọt trong năm nay, tương đương với 15% đến 25% tổng sản lượng của nền kinh tế. Phần lớn số nợ tăng thêm là do chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước vay để trả cho cơ sở hạ tầng mới, hoặc các hộ gia đình và công ty thế chấp để trả cho các căn hộ và tòa nhà mới.

Chính phủ Trung Quốc nhận thức được nguy cơ nợ có thể chồng chất nhanh chóng nhưng việc kiềm chế tín dụng mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bất động sản, vốn chiếm 1/4 tổng nền kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế TQ hồi phục thần kỳ sau đại dịch Covid-19: Vị thế dẫn đầu thế giới mở rộng hơn nữa - Ảnh 3.

Phần Lan mua vật tư y tế từ Trung Quốc. Ảnh: AP

Một rủi ro khác đối với sự phục hồi của Trung Quốc là sự phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Xuất khẩu tăng vọt trong ba tháng qua, cùng với giá nhập khẩu hàng hóa giảm, đã đóng góp một phần lớn vào tăng trưởng kinh tế, một trong những tỷ trọng lớn nhất so với bất kỳ quý nào trong một thập kỷ. Xuất khẩu vẫn chiếm hơn 17% nền kinh tế Trung Quốc, cao hơn gấp đôi tỷ trọng mà họ tạo ra trong nền kinh tế Mỹ.

Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng hàng hóa xuất khẩu của nước này ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, bao gồm các động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế nước ngoài, những thay đổi về nhu cầu toàn cầu cũng có thể đe dọa xuất khẩu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngày càng nhấn mạnh khả năng tự lực, một chiến lược kêu gọi mở rộng ngành dịch vụ và công nghiệp sản xuất, đồng thời cho phép người dân tăng tiêu dùng.

"Chúng tôi muốn người tiêu dùng trở thành trụ cột", ông Cừu Bảo Hưng, cựu Thứ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn kiêm Cố vấn Quốc vụ viện, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. "Bằng cách tập trung vào lưu thông trong nước, chúng tôi đang thực sự nâng cao khả năng phục hồi của chính mình”.

Nhưng trao quyền cho người tiêu dùng từ lâu đã là một thách thức ở Trung Quốc. Nhìn chung, hầu hết người Trung Quốc đang tiết kiệm cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nghỉ hưu. Suy thoái kinh tế và đại dịch đã đồng nghĩa với việc mất việc làm, làm phức tạp thêm vấn đề, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp và cư dân nông thôn.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, cách tiếp cận của Bắc Kinh để giúp đỡ người dân Trung Quốc bình thường là cung cấp cho các công ty các khoản giảm thuế và các khoản vay lớn từ các ngân hàng quốc doanh để các công ty không phải sa thải nhân viên. Nhưng một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh nên phân phát phiếu giảm giá hoặc séc để giúp đỡ những người dân thu nhập thấp một cách trực tiếp hơn.

Mùa xuân năm nay, hàng triệu công nhân nhập cư Trung Quốc đã phải chịu cảnh thất nghiệp trong ít nhất một hoặc hai tháng do sự chậm trễ trong việc khởi động lại các nhà máy sau khi dịch bệnh bùng phát. Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc nhận thấy, họ phải dành tiền tiết kiệm để ăn uống hoặc tìm công việc thứ hai để bù đắp cho sự sụt giảm tiền lương.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế trong chính phủ Trung Quốc tỏ ra thận trọng với việc đưa tiền trực tiếp cho người tiêu dùng. Họ nói rằng ưu tiên hàng đầu của chính phủ là tăng trưởng dựa trên đầu tư, cũng như các biện pháp để cải thiện năng suất và chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như đào hệ thống xử lý nước thải mới hoặc lắp đặt thang máy trong 3 triệu tòa nhà chung cư cũ thiếu thang máy .

Diêu Cảnh Nguyên, cựu chuyên gia kinh tế của Cục Thống kê Quốc gia cho biết: "Chúng tôi đã thấy rất nhiều đề xuất để tăng tiêu dùng, nhưng mấu chốt trước tiên là phải làm cho người dân giàu có".

Các chính phủ phương Tây đã cố gắng cung cấp các khoản trợ cấp thất nghiệp lớn, trợ cấp một lần, và thậm chí trợ cấp cho các nhà hàng. Mục đích của các khoản thanh toán này là để giúp các gia đình duy trì mức sống tối thiểu trong thời kỳ dịch bệnh - điều này đã thúc đẩy nhu cầu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một quan chức cho biết hôm thứ Hai rằng việc mở rộng thặng dư thương mại - tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tăng nhập khẩu - chiếm 0,6 điểm phần trăm trong 4,9% tăng trưởng kinh tế. Phần còn lại là tiêu dùng và đầu tư từ Trung Quốc.

"Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước", Lưu Ái Hoa, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Nhưng Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng trong thời kỳ đại dịch, những người nhận trợ cấp của chính phủ từ các quốc gia khác vẫn tiếp tục mua sản phẩm từ Trung Quốc, “chúng ta sẽ chứng kiến sự trỗi dậy từ xung đột thương mại, không chỉ giữa Mỹ. -Trung Quốc mà là trên phạm vi toàn cầu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại