Kinh tế thế giới có thể 'mất một Nhật Bản' vì Covid-19

Thành Long |

Dịch Covid-19 sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào đợt suy thoái mạnh nhất kể từ những năm 1930, khiến thế giới thiệt hại hơn 5.000 tỷ USD trong 2 năm tới.

Các ngân hàng trên Phố Wall cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế thế giới mất hơn 5.000 tỷ USD trong 2 năm tới, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Nhật Bản. Theo đó, thế giới sẽ rơi vào đợt suy thoái mạnh nhất kể từ những năm 1930.

Đợt suy thoái lần này được dự báo chỉ xảy ra trong ngắn hạn nhưng các nền kinh tế sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi lại. Ngay cả với những biện pháp kích thích tiền tệ và tài chính chưa từng có hiện nay, GDP toàn cầu sẽ khó trở lại đà tăng trưởng như trước khủng hoảng ít nhất cho tới năm 2022.

Điều này cũng tương tự hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để lại. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của kinh tế sau đợt suy thoái này có thể chậm hơn những gì giới chuyên gia kinh tế dự đoán.

Các nhà hoạch định chính sách trở thành người gánh vác trọng trách lớn lao, vừa phải tung ra các gói kích thích đủ lớn để kích thích kinh tế phục hồi, vừa phải tránh tái mở cửa nền kinh tế quá sớm, khiến dịch bệnh quay trở lại.

Kinh tế thế giới có thể mất một Nhật Bản vì Covid-19 - Ảnh 1.

Dự báo thiệt hại do Covid-19 gây ra với các khối kinh tế trong năm 2020 - 2021. Ảnh: Bloomberg.

Catherine Mann, chuyên gia kinh tế trưởng tại Citigroup, dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 5.000 tỷ USD. Còn con số nhóm chuyên gia tại JPMorgan đưa ra lên tới 5.500 tỷ USD tính đến cuối năm 2021, tương đương gần 8% GDP toàn cầu.

Trong đó, các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức thiệt hại tương đương với những cuộc khủng hoảng năm 1974 – 1975 và 2008 – 2009.

Morgan Stanley cho rằng phải đợi đến quý III/2021, GDP của các nền kinh tế phát triển mới có thể trở về mức trước khi dịch Covid-19 xảy ra dù bất chấp những chính sách kích thích tích cực. Trong khi đó, Deutsche Bank cho biết riêng kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ thiệt hại 1.000 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 8/4 cho biết đại dịch Covid-19 có thể khiến dòng chảy thương mại quốc tế đổ vỡ tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào trong thời hậu chiến. Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp thất thu, thậm chí nhiều công ty buộc phải đóng cửa, hàng triệu người lao động sẽ mất việc làm.

Tổ chức Lao động Quốc tế tuần này dự báo hơn 1 tỷ người lao động đang phải đối mặt với nguy cơ rất cao bị giảm lương hoặc sa thải. Thực tế cho thấy những đợt bùng phát dịch bệnh trước có xu hướng kéo giảm tiền lương cũng như dòng vốn đầu tư trong nhiều thập kỷ sau đó.

“Mọi thứ chỉ là tạm thời nhưng lại đang gây sức ép lên mọi khía cạnh của nền kinh tế”, ông Steve Schwarzman, CEO của Blackstone Group, nói với Bloomberg Television.

Chính phủ các nước cần phải phối hợp với nhau. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cảnh báo sự phân rẽ giữa các quốc gia trong nỗ lực chống dịch Covid-19 có thể dẫn tới làn sóng dịch bệnh thứ 2.

Với kịch bản tồi tệ nhất này, GDP Mỹ vào cuối năm 2020 sẽ giảm 12% so với mức trước khi dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải mất một thời gian dài để phục hồi, theo Amlan Roy, giám đốc nghiên cứu chính sách vĩ mô toàn cầu tại State Street Global Advisors.

“Nếu các nền kinh tế mới nổi không thể kiểm soát được dịch bệnh tới cuối tháng 6, đợt suy thoái mà chúng ta sắp chứng kiến tới đây sẽ kéo dài trong nhiều năm, giống như những cuộc khủng hoảng trước đây ở châu Á và châu Mỹ Latin. Hậu quả của nó sẽ kéo dài 5 – 10 năm nếu thế giới không chung tay hành động”, ông Roy nói.

Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại Berenberg, cho rằng chính phủ các quốc gia có thể phải mạnh tay hạn chế đi lại vào cuối năm 2020 hoặc 2021 để ngăn dịch bệnh tái diễn. Cùng với đó, họ phải chi tiêu nhiều hơn những gì đang có để hỗ trợ đà phục hồi và tránh tình trạng phục hồi theo hình W.

Kinh tế thế giới có thể mất một Nhật Bản vì Covid-19 - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại