Kinh tế Nga vẫn đứng vững
Nền kinh tế Nga ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau hai năm xung đột. Kinh tế Nga cũng suy giảm vào năm 2022, nhưng chỉ hơn 2%. Vào năm 2023, nước này chứng kiến mức tăng trưởng 3%, theo ước tính của IMF.
Không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy người dân Nga phải thắt lưng buộc bụng trong tình cảnh xung đột. Cùng với phúc lợi lớn, thị trường lao động thắt chặt đã hỗ trợ tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Chi tiêu tiêu dùng đã tăng 6% vào năm ngoái.
Hơn nữa, giá dầu cao giúp lấp đầy ngân sách của Nga. Tỷ lệ nợ trên GDP giảm khoảng 20%. Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Nga được giới hạn ở mức chỉ hơn 1% GDP.
Tỷ lệ lạm phát chính thức đã giảm gần một nửa, từ 11,5% vào mùa thu năm ngoái xuống còn 6,6% vào tháng 1 năm nay. Vào tháng 2, ngân hàng trung ương vẫn duy trì lập trường cứng rắn nhằm ngăn chặn lạm phát quay trở lại khi giữ lãi suất ở mức 16%.
Điều gì khiến kinh tế Nga vẫn kiên cường?
Kinh tế Nga có quy mô khá lớn trong khi cơ sở hạ tầng không bị ảnh hưởng nhiều bởi xung đột. Ngân sách quốc phòng tăng giúp thúc đẩy tăng trưởng. Điều quan trọng là, Nga đã chuẩn bị ứng phó với tác động của cuộc xung đột bằng cách dùng tiền thu được từ dầu khí để tích lũy dự trữ và thực hiện các bước để chống lại lệnh trừng phạt kinh tế.
Tim Ash, một chuyên gia về Nga tại tổ chức tư vấn Chatham House, cho biết khả năng phục hồi của Nga là không có gì đáng ngạc nhiên. “Các biện pháp trừng phạt không gây thiệt hại cho một số vùng đệm tài chính và dự trữ mà Nga đã chuẩn bị trước cuộc xung đột”.
Beata Javorcik cho rằng sẽ không thực tế nếu mong đợi làn sóng trừng phạt đầu tiên sẽ khiến kinh tế Nga suy thoái. Hàng hóa sản xuất trong nước đang thay thế hàng nhập khẩu từ phương Tây, trong khi Nga cũng có thể nhập hàng trực tiếp từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ và gián tiếp từ các nước đóng vai trò trung gian cho các sản phẩm phương Tây.
Javorcik nói: “Các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả nhưng không có tiến triển gì nhiều”.
Theo The Guardian