Sau tuyên bố Mỹ là nền kinh tế vĩ đại nhất "trong lịch sử thế giới", tổng thống Trump đã thông báo về thành tích "ngoạn mục" khi nước Mỹ chứng kiến con số kỉ lục 4.8 triệu việc làm mới được sinh ra trong tháng 6/2020, và tuyên bố thị trường việc làm "đã hồi phục nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn chúng ta dự đoán".
Trong nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã dự đoán một cách rất tự tin về một "Quý III tuyệt vời" và không quên nhấn mạnh sự liên quan của các chỉ số kinh tế với cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.
Điều tốt là những chỉ số [Quý III] sẽ được công bố ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử. Vì vậy, mọi cử tri đều sẽ biết được những con số này.
Thực trạng kinh tế Mỹ không phải màu hồng
Bất chấp quá trình phục hồi kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19 được ghi nhận bắt đầu từ cuối tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp tháng 6 vẫn ở mức 11.1%. Đây là tỷ lệ cao nhất của nước Mỹ kể từ Đại suy thoái (1929-1933).
Những người theo dõi thị trường lao động Mỹ cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp này đang không phản ảnh trung thực bức tranh thất nghiệp tại nước này. Không có sự hồi phục "với tốc độ phi thường" như ông Trump thường nói, các chỉ số cho thấy sự phục hồi của thị trường việc làm đối mặt với nguy cơ đình trệ hoàn toàn khi có ngày nước Mỹ đã ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 lên tới hơn 60.000 ca và hàng chục bang đang tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Từ tỉ lệ thất nghiệp 11.1 % có thể suy ra hiện nước Mỹ có 17.8 triệu người không có công ăn việc làm. Còn theo ông Jason Furman, học giả tại Viện Kinh tế quốc tế Petersen, tỷ lệ thất nghiệp "thực tế" phải là 13%.
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, một số lượng người nhiều bất thường - khoảng 2 triệu người vào tháng 6 - đã tuyên bố họ có việc làm nhưng "không đi làm". Furman lập luận rằng những người này thực sự nên được xếp vào nhóm người thất nghiệp. Các nhà thống kê cũng nên làm điều tương tự với 4.6 triệu người Mỹ tự nhận mình không làm việc và cũng không chủ động tìm việc làm.
Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, khi tất cả 9.8 triệu người lao động đang tự nguyện tạm thời nghỉ việc đều đi làm trở lại, thì tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức 7% do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Con số này cao gấp đôi mức thấp nhất 50 năm qua (3.5%), đạt được vào đầu năm 2020 và cao hơn thời điểm Trump nhậm chức hồi năm 2017.
Ông Furman cảnh báo, "Nước Mỹ sẽ tiếp tục chứng kiến trong thời gian tới một tỉ lệ thất nghiệp cao thường xảy ra trong các cuộc suy thoái."
(Ảnh: Bloomberg)
Những chỉ dấu đáng ngại
Các dấu hiệu đáng lo ngại khác của nền kinh tế là một chỉ số thường được gọi là U-6. Chỉ số này bao gồm số lượng những người "có quan hệ mật thiết" với lực lượng lao động, được xác định là những người sẵn sàng đi làm nhưng chưa khởi động quá trình tìm việc trong 4 tuần qua.
Chỉ số này cũng bao gồm những người buộc phải làm việc bán thời gian vì lý do kinh tế. Tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi, chiếm 18% lực lượng lao động kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.
Cựu chuyên viên về thị trường lao động tại Ngân hàng Anh, Danny Blanchflower, đánh giá rằng "Thực tế, tháng 6 hiện là tháng có chỉ số việc làm thấp thứ ba trong lịch sử [của Mỹ]. Hai tháng trước đó cũng là hai tháng có chỉ số việc làm kém nhất".
"Câu hỏi then chốt cần đặt ra là: Nếu thị trường việc làm [Mỹ] nhộn nhịp trở lại, người lao động có nhận được thu nhập tốt không? Nếu bạn đã từng làm việc 40 giờ/ tuần, bạn có quay lại làm việc 20 giờ không? Khoản thu nhập chênh lệch có được trả không? Vấn đề lớn tiếp theo sẽ là tình trạng thiếu việc làm và mất thu nhập," Blanchflower nói.
Sau đó là vấn đề quyền lợi liên quan tới những người thất nghiệp. Mặc dù thống kê hiện tại nước Mỹ có 17.8 triệu thất nghiệp nhưng quy mô chương trình hỗ trợ thất nghiệp của chính phủ Mỹ đang ở mức gấp đôi hiện tại, khi chương trình này đang cung cấp tiền cho 32.9 triệu người, tương đương 10% tổng dân số Mỹ. Điều này xuất phát từ việc thay đổi quy định tạm thời cho phép những người không tìm việc cũng thuộc diện nhận trợ cấp.
Mỹ cung cấp một khoản trợ cấp trị giá 600 USD/tuần cho mỗi người thất nghiệp. Chương trình này hào phóng đến mức 2/3 số người nhận trợ cấp được nhận nhiều tiền hơn số tiền họ kiếm được, trong khi 1/5 số người đang nhận được trợ cấp gấp đôi số tiền lương trước đó của họ.
Nhưng chương trình trợ cấp này sẽ dừng lại kể từ cuối tháng này, và Bộ trưởng lao động Mỹ Eugene Scalia đã loại trừ khả năng gia hạn.
Chuyên gia Gregory Daco tin rằng thực trạng không tốt của nền kinh tế Mỹ đang mang lại bất lợi cho ông Trump và mở ra cơ hội cho ứng viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay (Ảnh: Bloomberg)
Thị trường việc làm Mỹ sẽ tiếp tục biến động
Theo ông James Knightley, chuyên gia kinh tế cao cấp của hãng ING, điều này có nghĩa là thị trường lao động Mỹ sắp tới sẽ còn nhiều biến động nữa và ông nói rằng việc ngừng hỗ trợ "sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể tới câu chuyện tăng trưởng của Mỹ".
Ông Knightley nói thêm, "Các ngân hàng trung ương hầu như không đóng vai trò gì. Do vậy, mọi việc thực sự là tùy thuộc vào chính phủ, nhưng chính phủ Mỹ dường như đang cố gắng thu nhỏ mọi thứ lại. Tôi không chắc liệu chúng ta có đang rơi vào tình trạng phong tỏa lần hai không. 3- 4 tuần tới sẽ là thời gian quyết định, nếu mọi người không còn tiền mặt để sử dụng nữa và chúng ta sẽ lại chứng kiến tình trạng bất ổn. Tôi không chắc rằng chúng ta đã đang trong quá trình phục hồi chưa. Tôi e rằng chúng tôi đang có sự hiểu nhầm hiện trạng nền kinh tế."
Sự lo ngại này không phải không có căn cứ khi các chỉ số khác cho thấy sự phục hồi kinh tế Mỹ bị đình trệ hoặc không phục hồi.
Khi các số liệu thống kê chính thức bị biến đổi trong đại dịch Covid-19, người ta lại phân tích các chỉ số tham khảo khác. Một trong những chỉ số đó là dữ liệu của hãng Homebase, một công cụ lập lịch và theo dõi thời gian đang được hơn 100.000 doanh nghiệp nhỏ Mỹ sử dụng.
So sánh số giờ làm việc của tháng 6 với mức trước đại dịch bùng phát cho thấy số giờ làm việc là chỉ số duy nhất phản ánh cho sự gia tăng hoạt động tuyển dụng trong tháng 5. Các số liệu chính thức cuối cùng cho biết 2.7 triệu việc làm được bổ sung khi các nhà kinh tế dự báo thêm 8 triệu việc làm sẽ bị mất đi.
Trên toàn nước Mỹ, số giờ làm việc giữa tháng 6 thấp hơn 23% so với tháng 1, cải thiện từ mức giảm 58% của đầu tháng 4. Nhưng dữ liệu gần đây nhất cho thấy dữ liệu này cũng đang suy giảm khi số giờ làm việc đang giảm 25%. Ở các tiểu bang mở cửa sớm như Arizona và Texas, tình hình thậm chí còn tệ hơn.
Hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics đã tự thiết lập một công cụ theo dõi phục hồi và theo Gregory Daco, kinh tế gia trưởng của hãng tại Mỹ, tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra "giai đoạn thứ hai cải thiện hơn".
Mặc dù New York là tâm dịch của cuộc khủng hoảng trong thời gian đầu dịch nhưng giờ đây bang này đang ở giai đoạn phục hồi. Các bang Florida, Texas, Arizona và California đang vật lộn làn sóng nhiễm bệnh lần thứ 2, nên tình hình việc làm và hoạt động kinh tế đều trì trệ. Ba bang Texas, California và Florida chiếm gần 1/3 hoạt động kinh tế của toàn nước Mỹ.
Ông Daco dự đoán tỷ lệ thất nghiệp vẫn có thể lên tới 9% vào cuối năm nay.
"Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ trong tình trạng tồi tệ như thế này trong năm bầu cử tổng thống. Vì vậy các mô hình dự báo dựa trên các chỉ số kinh tế đều chỉ ra kết quả thất bại cho tổng thống Donald Trump," ông Daco nói thêm.
"Ngày nay, sức khỏe nền kinh tế Mỹ không còn đóng vai trò quan trọng như đã từng có cách đây 1 thập kỉ nữa, nhưng số lượng cử tri đi bỏ phiếu là cực kỳ quan trọng. Trong vấn đề này, tổng thống Trump đang không có lợi thế. Ngay cả khi tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cho đảng Dân chủ ở mức bình thường thì ứng viên Joe Biden cũng dễ dàng giành chiến thắng. Còn nếu tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cao như hồi bầu cử của tổng thống Obama, thì chúng ta sẽ chứng kiến một chiến thắng vang dội cho phe Dân chủ."
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus