Kinh sợ văn hóa "làm việc đến chết", ngày càng nhiều Gen Y Trung Quốc chọn buông xuôi, nằm thở và mặc kệ đời

J.D |

Trào lưu buông xuôi tất cả, không muốn chạy theo đồng tiền và bị cuốn vào vòng xoáy áp lực tại Trung Quốc.

8h sáng tại Thượng Hải. Dân văn phòng công sở ùa đến các ga tàu điện, mang theo chiếc cặp nặng trĩu cùng ly cafe uống vội. Trong khi đó Zhiyuan Zhang, 28 tuổi, vẫn đang cuộn tròn trên giường ngủ.

"8h sáng là giờ đi nằm," - Zhang cho biết. "Tôi không có việc làm, nghĩa là tôi có thể nằm bất kỳ lúc nào. Thật tuyệt."

Zhang là một Gen Y (millennial) tại Trung Quốc gia nhập làn sóng xã hội đang lên có tên "tang ping" - tạm dịch là "nằm thẳng cẳng". Đó là một tư tưởng, lối sống và lựa chọn cá nhân mà một số người Trẻ Trung Quốc đang hướng đến. Họ từ bỏ cuộc đua làm việc - học tập gay gắt ngày kia, và chọn chống lại văn hóa làm việc khắc nghiệt 9-9-6 một cách lặng lẽ.

Kinh sợ văn hóa làm việc đến chết, ngày càng nhiều Gen Y Trung Quốc chọn buông xuôi, nằm thở và mặc kệ đời - Ảnh 1.

Áp lực nghẹt thở

Ý tưởng "nằm thẳng cẳng" này được biết đến như một cách phản ứng lại cái gọi là "neijuan" - có thể hiểu là "mắc kẹt trong một vòng lặp không ngừng", thường được dùng để chỉ cuộc sống cạnh tranh quá gay gắt ở mọi tầng lớp xã hội Trung Quốc.

Trang CGTN của Trung Quốc từng đăng tấm hình cực kỳ viral về một sinh viên tại ĐH Thanh Hoa - một trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc. Sinh viên ấy đang sử dụng laptop để học trong khi vẫn còn đang đạp xe. Áp lực điểm số khiến cậu phải tiết kiệm từng giây phút, và việc dành thời gian để đạp xe cho tử tế là một sự lãng phí.

Kinh sợ văn hóa làm việc đến chết, ngày càng nhiều Gen Y Trung Quốc chọn buông xuôi, nằm thở và mặc kệ đời - Ảnh 2.

Tấm ảnh viral khủng khiếp tại Trung Quốc về "neijuan"

"Câu hỏi mà giới trung lưu Trung Quốc luôn đau đáu là làm sao để vừa vẫn giàu, vừa đảm bảo rằng con của mình cũng phải làm được như thế, thậm chí là tốt hơn," - Yan Fei, giáo sư xã hội học tại ĐH Thanh Hoa nhận xét.

"Neijuan" song hành cùng văn hóa làm việc "9-9-6" nổi tiếng của Trung Quốc - nghĩa là người lao động làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/ tuần. Văn hóa này được nâng tầm nhờ tỷ phú Jack Ma - người sáng lập ra tập đoàn khổng lồ Alibaba.

Nhìn chung, một ngày làm việc 12 tiếng không chỉ phổ biến mà còn là điều "được trông đợi" đối với các nhân viên công sở, bất chấp luật lao động Trung Quốc quy định không được làm quá 8 tiếng mỗi ngày. Hệ quả, nó gây ra rất nhiều vụ làm việc quá sức. Có người thậm chí còn chết trên bàn làm việc, rồi chuyện kiệt sức hoặc trầm cảm cũng không phải hiếm nữa.

Kinh sợ văn hóa làm việc đến chết, ngày càng nhiều Gen Y Trung Quốc chọn buông xuôi, nằm thở và mặc kệ đời - Ảnh 3.

Đầu năm 2021, công ty thương mại điện tử Pinduoduo gây chấn động dư luận sau cái chết của 2 nhân viên - được cho là vì làm việc quá sức. Trong đó, 1 nhân viên đổ gục và chết ngay tại văn phòng vào lúc 1h30 phút sáng. 2 tuần sau, một nhân viên khác chết vì tự tử, để rồi một nhân viên khác đăng video tố cáo rằng công ty này bắt ép nhân viên phải làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày.

Nằm thẳng cẳng và mặc kệ đời - một cách tiêu cực

Theo The Washington Post, giới trẻ Trung Quốc có rất nhiều kiểu "nằm thở". Nó bao gồm việc từ chối kết hôn, không lập gia đình, không làm thêm, và không làm việc bàn giấy.

Trong một bài đăng đã bị xóa trên Tieba (MXH Trung Quốc) hồi tháng 4/2021, đã có phong trào cổ vũ chuyện "nằm thở", cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Phong trào này tạo nên xu hướng ở nhiều mạng xã hội khác nữa, để rồi hình thành một cộng đồng ủng hộ khổng lồ.

Kinh sợ văn hóa làm việc đến chết, ngày càng nhiều Gen Y Trung Quốc chọn buông xuôi, nằm thở và mặc kệ đời - Ảnh 4.

Nằm thẳng cẳng và mặc kệ đời - giới trẻ Trung Quốc đam mê điều đó

Zhang là một "cú đêm". Ban đầu, anh nói rằng mình cũng không muốn tham gia phong trào này, nhưng rồi những áp lực từ sự kỳ vọng của xã hội đã khiến anh trở thành người tích cực làm theo nó.

"Kể từ khi chuyển đến Thượng Hải cách đây 5 năm, tôi đã gửi hơn 2000 đơn xin việc, tham gia hàng trăm cuộc phỏng vấn," - Zhang chia sẻ. "Tôi tìm được việc ở một công ty kế toán sau 2 năm miệt mài tìm kiếm, nhưng nghỉ chỉ sau 4 tháng. Cuộc sống như thế thực sự không phù hợp với tôi."

Những gì Zhang làm đã khiến cha mẹ anh thất vọng. Họ có một cửa hiệu nhỏ ở quê, và dành rất nhiều kỳ vọng cho con trai sau khi anh tốt nghiệp ĐH Giao thông Thượng Hải - một trường đại học danh giá top đầu đất nước với tiêu chuẩn nhập học khắt khe tương đương với 8 trường khối Ivy League của Mỹ.

Nhưng cũng chính trải nghiệm tại đây đã khiến Zhang hình thành suy nghĩ rằng "nằm thở" mới là điều phù hợp với mình. Anh đề cập đến các bạn cùng lớp là "phú nhị đại" - hay thế hệ 2 của một gia đình giàu có, những người có việc chỉ vài tuần sau khi tốt nghiệp hoặc tự mở công ty với sự hậu thuẫn của gia đình.

Kinh sợ văn hóa làm việc đến chết, ngày càng nhiều Gen Y Trung Quốc chọn buông xuôi, nằm thở và mặc kệ đời - Ảnh 5.

"Con cái của doanh nhân hoặc quan chức như thể xuất phát ở vạch đích vậy. Những người như tôi thua cuộc là điều chẳng thể tránh khỏi. Vậy thì còn cố gắng làm gì?"

Hiện tại Zhang nhận được tiền tiêu từ cha mẹ - khoảng 800 đô mỗi tháng. Họ cũng trả tiền thuê nhà cho anh. Thời gian rảnh, anh làm một vài công việc tự do để trang trải thêm, như làm part-time cho cửa hàng tiện lợi gần nhà. Nhưng nhìn chung thì ngày nào cũng vậy, anh sẽ ngồi chơi game cả đêm rồi ngủ bù vào ban ngày, khi xã hội đang quay cuồng làm việc.

Nằm xuống rồi lại đứng lên

Trên thực tế, không phải ai cũng quá tiêu cực như Zhang. "Bản thân việc "nằm thở" không có nghĩa thực sự nằm cả ngày thất nghiệp. Nó có nghĩa là bạn làm việc ở mức độ phù hợp với bản thân, và quan trọng là làm điều mình thích," - theo Yubo Li (31 tuổi), hiện đang làm designer tự do tại Thượng Hải.

Mỗi ngày, Li chỉ làm việc khoảng 5h đồng hồ, và chỉ làm để kiếm đủ tiền cho một cuộc sống đơn giản. Anh không thúc ép bản thân phải làm việc thêm giờ làm gì.

Kinh sợ văn hóa làm việc đến chết, ngày càng nhiều Gen Y Trung Quốc chọn buông xuôi, nằm thở và mặc kệ đời - Ảnh 6.

"Tôi chối bỏ chuyện phải làm việc đến chết chỉ để thăng tiến," - Li cho hay.

"Tất nhiên tôi biết nếu gia nhập một công ty thiết kế, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, chi trả được cho nhiều thứ hơn và được ở căn hộ đẹp hơn. Nhưng tôi sẽ chỉ được ngủ 3 tiếng mỗi ngày, chẳng có thời gian tận hưởng cuộc sống. Lúc này thì vị mì gói vẫn ngon, giường cũng đủ ấm êm. Tôi chưa thấy lý do gì để phải cố gắng hơn cả."

Với một số người khác, như Shihui Lin (26 tuổi) tại Bắc Kinh, "nằm thở" chỉ mang tính chất tạm thời. Lin đã bỏ việc tại ngân hàng khi cảm thấy mình sắp sửa chạm đến giới hạn sụp đổ. Cô muốn "nằm thở" vài tháng, trước khi "đứng dậy" thêm một lần nữa.

"Tôi khi đó đã đánh mất chính mình. Sau khi không ngủ suốt 5 ngày cho một dự án lớn, tôi hiểu rằng 'Nếu không nghỉ việc bây giờ, tôi sẽ chết mất,'" - Lin nói thêm. Cô cũng chuẩn bị cho việc mất thu nhập để có thời gian phục hồi lại tinh thần của mình.

"Cuộc sống của tôi sẽ vô nghĩa cái công việc kiểu 9-9-6 đó. Nó trở thành thứ chiếm thời gian 24/7 suốt 3 năm trời. Giờ tôi muốn học cách sống thực sự."

Đặc quyền dành cho những người đủ may mắn?

Một số người trẻ cho rằng việc "nằm thở" là một đặc quyền cho tầng lớp trung lưu, với mức thu nhập trên trung bình mới có thể tận hưởng.

"Việc nằm một chỗ với tôi thật nực cười," - Yixiang Zhou (27 tuổi), đang làm việc tại một công ty luật ở Quảng Châu cho biết.

Kinh sợ văn hóa làm việc đến chết, ngày càng nhiều Gen Y Trung Quốc chọn buông xuôi, nằm thở và mặc kệ đời - Ảnh 7.

"Tôi không có quyền đó vì bố mẹ đã già rồi. Sẽ đến một ngày họ không thể làm việc được nữa. Lúc đó ai nuôi họ? Ai sẽ lo viện phí nếu tôi lãng phí tuổi trẻ của tôi như thế?"

Trong khi đó, sinh viên 21 tuổi Li-li Fang thì nghĩ câu chuyện này là một kiểu thái độ không hề tốt của giới trẻ.

"Theo góc nhìn của tôi, 'nằm thở' chỉ có thể do 2 kiểu người làm được: những người đủ giàu có để rong chơi cả đời, hoặc những kẻ thua cuộc thích nghèo mãi mãi," - cô thẳng thắn nói. "Đừng bao biện sự lười biếng bằng những lời đường mật, như thể đó là ý tưởng đáng trân trọng khi cố gắng chống lại xã hội. Kiếm việc đi, đừng ăn mòn tiền của nhà nữa. Hãy để bản thân mình trở nên hữu dụng."

Cũng có lo ngại rằng trào lưu thờ ơ này có thể gây ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh nở tại Trung Quốc, khi ngày càng nhiều người trẻ phụ thuộc vào nó rồi trì hoãn tìm việc, lập gia đình rồi sinh con. Năm 2021, Trung Quốc thậm chí đã thúc đẩy chính sách "3 con", nhưng sợ rằng có thay đổi cỡ nào cũng khó lòng can thiệp được làn sóng "nằm thở" của giới trẻ.

Nhưng Zhang, giống như nhiều "tín đồ" khác của "nằm thở", vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nó, chẳng bận tâm đến công việc hay gia đình.

"Tôi sẽ như thế vì nó là cuộc sống của tôi. Nếu mọi người nghĩ tôi là thằng thất bại thì cứ vậy đi."

Nguồn: Business Insider

https://kenh14.vn/kinh-so-van-hoa-lam-viec-den-chet-ngay-cang-nhieu-gen-y-trung-quoc-chon-buong-xuoi-nam-tho-va-mac-ke-doi-20220211193348355.chn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại