1. Đèn xe và còi xe
Mỗi tài xế cần nằm lòng việc bật đèn chiếu sáng gần ngay cả khi trong hầm đường bộ sáng. Đối với một số phương tiện xe thô sơ khi đi qua cũng cần có đèn chiếu sáng hoặc vật phát sáng để báo hiệu.
Việc sử dụng còi trong hầm đường bộ sẽ khiến âm thanh khuếch đại và trở nên rất ồn. Bởi thế, khi đi trong hầm, tuyệt đối không được sử dụng còi. Trong trường hợp muốn báo hiệu cho các phương tiện khác, tài xế có thể nháy đèn, không được dùng đèn ưu tiên (trừ các phương tiện được ưu tiên theo luật quy định).
Ảnh minh họa.
2. Lái và dừng xe trong hầm đường bộ
Tài xế khi điều khiển xe ôtô trong hầm đường bộ nên nắm vững các quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với ôtô, phương tiện này chỉ được đạt tốc độ tối đa cho phép là 60km/h, tối thiểu là 30km/h.
Riêng xe môtô, xe máy chỉ được chạy với tốc độ tối đa cho phép là 40km/h.
Hầm Hải Vân, một trong những hầm đường bộ lớn nhất cả nước. Ảnh: P.V
Ngoài ra, tài xế cần duy trì khoảng cách tối thiểu giữa các xe trên cùng làn xe là 30m. Không được vượt xe hay lùi xe hoặc quay đầu xe khác khi lưu thông trong hầm đường bộ. Đặc biệt, chỉ được dừng, đỗ xe tại những nơi cho phép.
Trong các trường hợp dừng khẩn cấp thì phải báo hiệu cho các xe khác ở khoảng cách đủ để nhận biết và đảm bảo an toàn.
3. Cách xử lý khi xảy ra cháy nổ trong hầm đường bộ
Các sự cố cháy nổ xảy ra trong hầm đường bộ luôn tồn tại nguy hiểm gấp nhiều lần so với đường lộ giới bên ngoài. Một phần do công tác chữa cháy sẽ phức tạp hơn và điều kiện trong đường hầm cũng dễ dẫn đến nghẹt thở, cháy liên hoàn hơn nếu không được can thiệp kịp thời.
Trước tiên, tắt máy và vẫn để nguyên chìa khóa trên xe, sau đó nhanh chóng tìm kiếm và nhấn nút báo cháy. Nếu đám cháy nằm trong khả năng kiểm soát, hãy sử dụng bình chữa cháy được trang bị trong đường hầm để dập tắt nó.
Nếu không thể dập tắt đám cháy, hãy nhanh chóng tìm lối thoát hiểm và báo sự cố về trung tâm qua số điện thoại được ghi trong lối thoát hiểm. Đồng thời làm theo đúng hướng dẫn thoát hiểm trên hệ thống loa phát thanh. Không nên hoảng loạn dẫn đến những hành động sai lầm làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.
4. Các mức phạt dành cho các vi phạm khi lưu thông trong hầm đường bộ
Nếu như tài xế không tuân thủ những quy định khi điều khiển phương tiện của mình qua hầm đường bộ thì có thể dối diện với những hình phạt từ phía cơ quan pháp luật.
Cụ thể, đối với ôtô: Điểm a, Khoản 4, Điều 8, Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các sai phạm trong hầm đường bộ như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng và giữ giấy phép lái xe 60 ngày (thi lại lý thuyết) khi người điều khiển xe ôtô vi phạm: Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.
Đối với môtô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Theo Điểm d, Khoản 5, Điều 9, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ.