Ông Trần Văn Trung, người có gần 20 năm kinh nghiệm buôn bán nho tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) khẳng định, riêng với nho, nếu chỉ dựa vào cách phân biệt có hạt hay không có hạt để biết hàng Việt hay hàng Tàu thì các bà nội trợ đang bị nhầm to, bị hớ nặng.
Theo ông Trung, nho Ninh Thuận có hai loại được bán phổ biến nhất: nho xanh và nho đỏ.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của nho đỏ Ninh Thuận chính là chùm nho khít, dày đặc quả. Cầm chùm nho Ninh Thuận sẽ cảm thấy độ chắc chắn, quả dày khít, không thể nhìn thấy cuống bên trong.
Quả nho đỏ Ninh Thuận hình cầu, to khoảng bằng đầu ngón tay cái, vỏ nho mỏng. Khi ăn, nho Ninh Thuận hơi có vị chua nhưng lại rất giòn, có từ 2-3 hạt/quả. Giá thường ở mức 60.000-90.000 đồng/kg tuỳ loại.
Riêng nho đỏ Trung Quốc, khi mua chúng ta sẽ thấy quả nho có quả to gấp đôi quả nho Ninh Thuận, có màu đỏ nhạt, vị ngọt gắt.
Quả nho trên cùng một chùm có sợ rời rạc, không dính khít với nhau, cầm chùm nho có thể dễ dàng nhìn thấy được cuống nho bên trong (khác hoàn toàn với nho Ninh Thuận).
Chùm nho rất to, thường có trọng lượng từ 0,5-0,7kg/chùm. Khi ăn sẽ thấy bên trong quả có hạt, nhưng chỉ từ 1-2 hạt/quả.
Còn với nho xanh Ninh Thuận thì vỏ dày với màu xanh vàng nhạt, có hạt, thịt quả trong, hơi mềm, vị ngọt đậm đà, riêng quả nho khi vẫn chưa chín đúng độ thì sẽ có vị hơi chua nhẹ.
Trọng lượng từ 200-500g/chùm. Chùm nho cũng khít quả, dùng tay ấn vào thấy săn chắc, không bị nhão.
Nho xanh Trung Quốc, quả cũng to bằng đầu ngón tay cái, song quả cũng rời rạc, không dày khít chùm như nho xanh Ninh Thuận.
Khi ăn, nho xanh Trung Quốc có vị ngọt gắt, không chua. Tuy nhiên, thịt nho bên trong lại mềm.
"Các bà nội trợ khi đi chợ chọn nho nên dựa vào những đặc điểm trên, đừng chỉ dựa vào đặc điểm có hạt hay không có hạt.
Bởi, mặt hàng nho Trung Quốc hiện nay, cụ thể là ở loại nho xanh thì có cả hai loại có hạt và không có hạt.
Thế nên, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm có hạt là nho Ninh Thuận, không có hạt sẽ là nho Trung Quốc thì các bà nội trợ chắc chắn sẽ mua nhầm sang nho Trung Quốc", ông Trung chia sẻ.
Nho xanh Trung Quốc có cả loại có hạt và không có hạt.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Kỹ thuật viên Trạm Kiểm dịch Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết, có hai loại nho chính thường được nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh là nho đỏ và nho xanh.
"Riêng với loại nho xanh, chúng ta nhập cả mặt hàng nho xanh có hạt và nho xanh không có hạt", bà Vân Anh cho hay.
Tương tự, với mặt hàng cam, bà Lê Thị Yến, một đầu mối chuyên đổ buôn cam ở chợ Long Biên cho biết, cam Trung Quốc ở chợ có hai loại, 1 loại là cam bóc vỏ, loại còn lại là cam lòng vàng.
Với loại cam bóc bỏ thì rất dễ phân biệt. Song, loại cam lòng vàng thì khó phân biệt hơn bởi hình dáng bên ngoài loại cam này rất giống với loại cam Vinh và cam Cao Phong.
"Mọi người đi mua cam về ăn thường phân biệt theo cách, cam Việt Nam có hạt, còn cam Trung Quốc thì không có hạt. Tuy nhiên, kinh nghiệm đó hoàn toàn sai vì cam lòng vàng Trung Quốc cũng có hai loại: có hạt và không có hạt", bà Yến cho hay.
Theo bà Yến, để tránh không mua nhầm, cam Tàu bổ ra có thể thấy tép cam bên trong múi hơi nhạt màu, không vàng đậm như cam Cao Phong, cuống cam vẫn có lá tươi rói. Còn cam Cao Phong không có cuống, bổ ra thấy lòng cam vàng, tép cam giòn.
Trước đó, chị Bùi Thị Thu Thuỷ ở Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) đinh ninh rằng, nếu là nho đỏ Ninh Thuận thì quả nho dày kín chùm, thịt nho giòn, còn nho đỏ Trung Quốc chùm quả thưa hơn, ăn nho có vị ngọt ngắt rất dễ nhận biết.
"Riêng với nho xanh, tôi chỉ cần ăn thử cái là biết ngay vì nho xanh Ninh Thuận có hạt, còn nho xanh Trung Quốc không có hạt", chị Thuỷ tự tin nói.
Còn chị Nguyễn Thị Hoài ở Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, khi mua cam, chị chắc mẩm Trung Quốc có loại cam lòng vàng giống hệt cam Vinh với cam Cao Phong. Nhìn hình dáng bên ngoài khó mà phân biệt được.
"Tuy nhiên, tôi có nghe người khác mách nước rằng, cam Trung Quốc không có hạt, còn cam Vinh, cam Cao Phong hạt khá nhiều", chị nói.
Chị Hoài cũng cho biết, nhờ vào kinh nghiệm phân biệt có hạt hay không có hạt mà mỗi lần chị đi chợ mua nho, cam, chị luôn tự tin mình sẽ không bị mua nhầm sang hàng Tàu.
Thế nhưng, nếu dựa vào hiểu biết của tiểu thương có kinh nghiệm lâu năm buôn bán mặt hàng này như trên thì mẹo trên của các bà nội trợ Việt xem ra đã phản tác dụng.