Khi công an chưa điều tra ra những bí mật của tên trộm và vụ trộm, thì vẫn có một khả năng đúng như lời ông Nguyễn Xuân Quang (Cục phó Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) nói: Đó là tiền riêng của ông mang theo để giải quyết công việc gia đình.
Nếu điều này là thật, thì "sợi dây kinh nghiệm" vẫn cần được rút ra cho các vị có chức sắc hay mang theo số tiền lớn trong thời gian công tác để "giải quyết công việc gia đình".
Kinh nghiệm thứ nhất: Trộm bây giờ tinh vi và "thông minh" lắm. Những tên trộm cao thủ không "chó cắn áo rách" mà luôn tìm rất đúng những nơi có nhiều tiền để khoắng. Vì vậy, những người cảm thấy mình có nhiều tiền, thì mức độ cảnh giác phải cao hơn người ít tiền 8-9 lần.
Ngay cả trộm chim, chúng cũng biết chọn chim ở đâu cho có giá. Mấy năm trước, kẻ trộm đã vào nhà chàng giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư trẻ nhất nước để trộm 3 con chim và vài cái lồng.
Ma mãnh nhưng chúng không ngờ, chỉ có mấy con chim mà các cơ quan chức năng lại vào cuộc nhanh và quyết liệt đến như thế. Chúng bị tóm khi 3 con chim còn chưa kịp hót bài mới.
Lẽ ra, sau vụ trộm khoắng 63 lượng vàng và tài sản quý (trị giá 3 tỉ đồng) tại nhà giám đốc sở Tài Chính một tỉnh miền núi; vụ ông Võ Kim Cự bắt sống trộm khi còn làm lãnh đạo Hà Tĩnh… thì những người có tiền phải nâng cao cảnh giác đến mức độ… đỏ hoặc cam.
Có điều hay là cuối cùng, những tên trộm ma mãnh này đều bị bắt. Dĩ nhiên tiền thu hồi lại được một số, nhưng có những thứ thuộc về tiếng tăm thì giống như cốc nước đầy đã đổ xuống cát khô, khó mà bốc lại.
Kinh nghiệm thứ 2: Phải rất hạn chế việc mang theo nhiều tiền đi giải quyết việc tư trong khi đang làm việc công, nhất là lịch làm việc công dày đặc như ông Nguyễn Xuân Quang: Trong 20 ngày, ông và đoàn thanh tra đến 30 doanh nghiệp về vấn đề môi trường.
Có của cải, nên tìm cách giữ chặt
Chức sắc là vị trí nhạy cảm "quan trên trông xuống người ta nhìn vào". Nhưng thời buổi này, trên trông xuống chưa chắc đã đáng sợ như người ta nhìn vào. Mạng xã hội suy đoán thuyết âm mưu nhanh hơn cả tia chớp Jamaica Usain Bolt chạy 100m.
Mang tiền cá nhân đi, chỉ sơ suất bị mất trộm một cái, là đã có bao nhiêu đồn thổi xảy ra.
Giống như ông Đoàn Ngọc Hải, chỉ lỡ miệng trong vài giây, là dân vùng U Minh, vùng không U Minh, vùng cư dân mạng đều nổi giận.
Tôi hoàn toàn tin ông Hải không có thù oán gì với dân U Minh, đúng như ông nói: "Tôi có điên đâu mà sỉ nhục người dân U Minh", nhưng rõ ràng ông có cái lỗi thiếu cẩn trọng trong dùng từ.
Người dân bình thường vô ý phát ngôn ra chuyện kỳ quái, chả ai thèm nghe, nhưng một ông bí thư quận ủy mà phát ngôn nghiêm túc "Tôn Ngộ Không bị đè 500 năm ở Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng", thì cả nước rần rần sảng khoái.
Chẳng ai trách cả triệu người Mỹ không biết Trung Quốc có từ bao giờ, nhưng ông Trump thì lập tức gây dậy sóng toàn thế giới khi phát biểu: Ông Tập nói với ông rằng Trung Quốc có tới 8.000 năm lịch sử.
Những ví dụ đó cho thấy, có chức sắc thì làm gì cũng phải cẩn trọng, ý tứ hơn người thường nhiều tí.
Kinh nghiệm thứ 3: Khi mang theo một số tiền lớn, không nên để trong phòng mà nên gửi ở lễ tân khách sạn. Đây là kinh nghiệm tối thiểu.
Nếu thực sự là tiền của gia đình mình thì cứ vô tư gửi lễ tân, có gì phải ngại người ta nhòm ngó.
Kinh nghiệm thứ 4: Mỗi ngày, cái tai chúng ta đều được tra tấn bởi giọng ngọt như mía lùi từ các em xinh tươi đến từ vô số ngân hàng. Các em nỗ lực không mệt mỏi nã điện thoại ép khách mở thẻ ATM, visa, master card.
Dù phẫn uất với sự quấy rối có hệ thống này, thì vẫn phải công nhận việc dùng thẻ quá an toàn và tiện lợi. Thẻ rất gọn và lại đi theo người, "tiền liền khúc ruột".
Những khoản tiền vài trăm triệu đồng thì không thể nhét vào ví, nhưng thẻ thì nhét vài chục cái không sao.
Hãy học cách dùng thêm thẻ, dù những người có tiền thường có rất nhiều thẻ.
Thẻ an toàn, tiện lợi, nhưng chỉ có một khuyến cáo vô cùng nhỏ: Tiền trong thẻ phải là tiền sạch. Bởi nếu không sạch thì sẽ "đi về nơi xa lắm"…