"Tìm và thuê được một căn nhà hoặc phòng trọ ưng ý, vừa túi tiền thực sự là điều không hề dễ dàng. Nhất là đối với những người chỉ dành 1 khoản nhỏ tiền lương hàng tháng để chi trả cho khoản này như mình". Quốc Cường (1992, Sài Gòn) với kinh nghiệm thuê nhà gần 10 năm chia sẻ. Cũng theo Cường, đã có những lần thuê nhà khiến anh chàng phải nhớ suốt đời.
Mặt khác, việc chuyển nhà - thuê nhà cũng chỉ diễn ra vài lần, không phải ai cũng có nhiều kinh nghiệm hoặc dành những sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này. Chỉ những người đặt cao tiêu chuẩn về 1 căn nhà thuê: Vừa phù hợp với tiêu chuẩn sống riêng, vừa đáp ứng được mặt chi phí thì lại là chuyện khác. Quốc Cường cho biết anh chàng rất đặt nặng vấn đề nhà ở. Vậy nên, cứ mỗi lần tìm nhà để thuê, Cường đã dành rất nhiều công sức để tìm kiếm thông tin, cũng như đảm bảo quy trình thuê thật chắc chắn. Tuy vậy, việc xảy ra rủi ro trong quá trình thuê nhà là không thể không có, không trục trặc chuyện tiền nong thì cũng liên quan đến việc giấy tờ.
Chính vì đã có những bài học để đời trong chuyện thuê nhà, Cường chia sẻ câu chuyện của mình!
Những bài học để đời của chuyện thuê nhà
Cứ mỗi lần cần phải chuyển nhà, mình lại nghĩ "Sao mà vất vả thế? Ước gì không phải chuyển nữa có được không?". Bởi mỗi lần tìm nhà mới, rồi dọn đồ đi rất mất thời gian, công sức và cả tiền bạc nữa. Mình từng ở chung vài năm, sau khi công việc ổn định mang lại nguồn thu tốt hơn, thì mình dọn ra ở riêng. Vì ở chung rất phức tạp, tính mình lại cầu toàn, nhà thuê lại còn cách xa công ty. Ngày trước vì muốn tiết kiệm chút tiền, mà ngậm ngùi thuê nhà ở xa cho rẻ.
Trong suốt 10 năm đi thuê nhà, cũng có những lúc mình gặp trường hợp chủ nhà kỳ quặc. Họ lấy ảnh mạng rồi đăng lên để tìm người thuê. Lúc qua xem phòng thì mới ngớ ra chẳng phải. Tốn thời gian mà lại hụt hẫng. Nhưng đó chưa là gì, có lần mình còn bị lừa qua môi giới nhà cửa. Lục tìm các bài cho thuê nhà trên mạng xã hội, thấy thông tin cũng cụ thể, liên hệ là có người nhận dẫn đi xem phòng ngay. Ngày đó còn khờ dại, nên nghe thế còn bảo dịch vụ ở đây tốt quá.
Tin người nên mình nghe theo, lúc xem phòng xong thấy ưng thì người ta kêu đặt cọc. Mình nghĩ sớm muộn gì cũng chuyển nhà thôi, nên cọc trước cho chắc, nhỡ đâu mất phòng. Khi chuẩn bị dọn đến ở, mình gọi điện thì không ai bắt máy. Hỏi thăm ra mới biết đấy chẳng phải chủ nhà. Lúc đó mình cũng hãi lắm, vì số tiền đó đâu có nhỏ so với đứa sinh viên như mình. Nhưng cũng chẳng biết tìm ai để đòi lại tiền, nên ngậm ngùi cho qua rồi dặn bản thân đừng bất cẩn như vậy nữa.
Còn có lần, trước khi ký hợp đồng thì không hỏi rõ các điều kiện cho thuê. Thành ra khi đó, cứ cuối tháng mình lại phải trả thêm các chi phí phụ như dọn dẹp vệ sinh, phí bảo vệ, phí xe,... Tranh luận với chủ nhà thì họ bảo do mình không đọc kỹ, nếu bây giờ muốn phá hợp đồng thì phải chịu mất tiền cọc. Mình quyết tâm ở 2 tháng rồi cũng dọn đi, vì tính thêm các chi phí phụ cũng khiến giá nhà thuê bị đội lên rất nhiều. Hơn nữa, mình cũng không thích thuê của những chủ nhà như thế.
Dắt túi kinh nghiệm thuê nhà
Sau những lần thuê nhà gặp nhiều bất lợi như thế, mình cũng dần rút ra nhiều góc nhìn hơn về chuyện đi thuê. Không phải chủ nhà cứ đăng cái gì lên là mình tin cái đó, hay không phải cứ có hợp đồng là an toàn.
Tìm kiếm nhiều thông tin
Việc xem qua ảnh mạng rồi đến xem phòng là điều đương nhiên. Nhưng để tránh việc đi xem nhà xong lại khiến bạn thất vọng, hãy tìm kiếm thông tin về căn nhà bạn dự định thuê ấy càng nhiều càng tốt. Hầu hết những bức ảnh được chủ nhà đăng tải đều không giống với thực tế. Để tránh mất thời gian, bạn hãy đi tìm hiểu về chủ nhà nếu có thông tin, hoặc lên kế hoạch đi xem 3-4 căn nhà cùng lúc.
Tính toán thật kỹ số tiền phải trả hàng tháng
Từ bài học xương máu thuê nhà lần đó, trước khi đặt bút ký hợp đồng, mình luôn phải xác nhận thật kỹ cùng chủ nhà về số tiền mình phải đóng hàng tháng đã được liệt kê hết chưa.
Thường thì để hấp dẫn được nhiều người đến thuê nhà, chủ nhà thường sẽ bỏ qua các chi phí phát sinh khác. Vậy nên, hãy làm việc thật kỹ cùng chủ nhà về các chi phí như: Diện, nước, internet, giữ xe, vệ sinh, bảo vệ, phí sửa chữa, bảo hành,... tùy vào quy định của mỗi nơi bạn thuê. Từ đó, bạn sẽ áng chừng được con số gần nhất để chi trả hàng tháng và kiểm soát được số tiền chi tiêu cho việc thuê nhà.
Đánh giá mức độ an ninh của khu vực mình thuê
Đừng chủ quan với việc xem xét khu vực xung quanh căn nhà mà bạn dự tính thuê. Hồi còn sinh viên, mình chỉ có hơn 1 triệu đồng/tháng để chi trả cho việc thuê nhà trọ. Mà đối với những chỗ như thế, an ninh chắc chắn sẽ không được đảm bảo, và bạn phải tự chịu trách nhiệm với tài sản của mình.
Mình đã từng mất 2 chiếc laptop (của mình và bạn cùng phòng) khi ở chung dãy trọ, khiếu nại không ai giải quyết. Quá trình xử lý thông tin khi báo an ninh phường cũng cực kỳ phức tạp. Mỗi lần chuyển nhà sang chỗ khác, mình đều lượn lờ xung quanh khu nhà thuê đó để xem có tiện ích gì, an ninh ra sao,... Rồi tạt quán nước đầu đường, ngồi trò chuyện cùng người dân khu đó để nghe ngóng thêm chút thông tin. Sau khi xác định mức độ an toàn, mình mới tiếp tục bước tiếp theo.
Đừng cọc quá nhiều cho lần đi xem trọ
Qua lần mất tiền oan đó, mình cũng đã ngộ ra được vài điều. Thường thì khi xem nhà, nếu như mình ưng ý căn nhà đó, chắc chắn mình sẽ cọc tiền luôn. Tuy vậy, số tiền mình bỏ ra đặt cọc sẽ thương lượng với chủ nhà trước, số còn lại mình sẽ trả đủ sau khi dọn vào căn nhà để ở.
Kiểm tra cơ sở vật chất trước khi dọn dẹp nhà cửa
Khi hoàn tất thủ tục thuê nhà và tiến hành dọn đồ vào ở, hãy kiểm tra từng ngóc ngách trong căn nhà thuê trước khi sắp đồ của mình vào. Mình thường kiểm tra cửa phòng, rèm cửa, bếp, bóng đèn, nhà vệ sinh,... nếu có dấu hiệu sắp hư thì báo lại với chủ nhà để họ sửa lại. Tránh trường hợp mất tiền oan vì những hư hỏng do người thuê trước gây ra.
Kiểm tra các điều khoản trong hợp đồng
Mình đặc biệt lưu ý đến điều khoản tăng giá nhà. Một số chủ nhà không cho mục này vào hợp đồng cho thuê, nên cứ sau 2-3 tháng lại lấy lý do nào đó như lạm phát, giá nhà tăng, để cộng thêm tiền thuê nhà. Điều này chắc chắn sẽ làm bạn và túi tiền khó chịu, vì sự không rõ ràng. Vậy nên, hãy đảm bảo trong hợp đồng thuê nhà của bạn có ghi chú thời gian tăng giá nhà.
Tuyệt đối đừng bao giờ xem nhẹ hợp đồng thuê nhà. Những cái gì liên quan đến tiền bạc, chi phí, hãy thảo luận cùng chủ nhà để đi đến sự thống nhất.
Đặc biệt với những người xa quê lên thành phố lớn sinh sống và làm việc, như Hà Nội hoặc Sài Gòn, việc thuê nhà trong thời gian dài là không thể tránh khỏi. Vậy nên, nếu không muốn xảy ra nhiều tình huống oái oăm, thuê được vài ba tháng lại phải chuyển, bạn hãy dành ra chút thời gian để xem xét thật kỹ căn nhà mình định thuê trước khi ký hợp đồng.