Kinh ngạc xạ thủ bắn tỉa 88 tuổi, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô

Quang Anh |

Nhà báo và nhà văn Georgy Zotov trên trang blog cá nhân Facebook đăng các bài viết về một anh hùng Liên Xô không được tuyên dương trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại: Xạ thủ bắn tỉa nổi tiếng Nicholas Morozov, tiêu diệt các tay súng phát xít Đức khi…ông 88 tuổi.

Cụ ông – xạ thủ bắn tỉa. Người lính già nhất trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ... 88 tuổi!

Mùa xuân năm 1942, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn bộ binh, triển khai phòng ngự trên khu vực chiến trường Volkhov tiếp nhận một xạ thủ bắn tỉa mới. Anh kinh ngạc tưởng đây là một trò đùa của ai đó khi thấy trước mặt mình là một ông già yếu ớt trong bộ đồ dân sự, chòm râu màu xám bạc và cầm khẩu súng trường Mosinka .

Kinh ngạc, thiếu tá tiểu đoàn trưởng hỏi: Cụ bao nhiêu tuổi?

Cụ ông – xạ thủ bắn tỉa thản nhiên trả lời: Đến tháng Sáu này tròn 88, đừng lo thiếu tá, không ai gọi tôi nhập ngũ cả, tôi tình nguyện. Cho phép được tham gia và chỉ cho tôi trận địa, nơi tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ. Không cần phải chăm lo quá, tôi sẽ chiến đấu như tất cả mọi người.

Thân phận của cụ xạ thủ bắn tỉa hoàn toàn không đơn giản. Ông là thành viên danh dự Học viện Khoa học Liên Xô, giám đốc thường trực trọn đời của Viện Khoa học Tự nhiên Lesgafta (kể từ năm 1918).

Ông là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô Nikolai Alexandrovich Morozov nổi tiếng trên toàn thế giới. Viện sĩ Morozov đưa yêu cầu ông phải được đưa ra chiến trường ngày 22 tháng 6 năm 1941 - ngay trong những giờ đầu tiên khi phát xít Đức tiến hành cuộc tấn công và Liên Xô tuyên bố chiến tranh.

Năm 1939, ông tốt nghiệp các khóa học Osoaviahima (huấn luyện dân quân tự vệ) và kể từ đó liên tục tập bắn tỉa. Mặc dù cặp kính thường trực trên mắt, Morozov có kỹ năng bắn tỉa hoàn hảo, ông thường xuyên chứng minh trình độ xạ kích của mình trong rất nhiều lần đến đăng ký và làm phiền văn phòng nhập ngũ.

Viện sĩ cho rằng, khi Tổ quốc lâm nguy và quê hương bị dày xéo dưới gót giày phát xít Đức, tất cả phải đóng góp để giành chiến thắng. Quân đội phát xít thường xuyên bắn phá thành phố Leningrad và ông muốn báo thù cho những phụ nữ và trẻ em bị chúng giết hại.

Với uy tín rất cao và sự kiên trì gần như hàng ngày, cuối cùng lãnh đạo thành phố cũng không chịu được. Bản chỉ lệnh cho hội đồng tuyển quân nêu rõ: đồng chí Viện sĩ được phép tham gia chiến đấu trên chiến trường gần Leningrad, nhưng do tuổi cao, hoạt động này được coi như một chuyến công tác và chỉ được phép trong một tháng duy nhất.

Xuất hiện trong chiến hào, viện sĩ Morozov khiến tất cả sĩ quan và chiến sĩ Hồng Quân choáng váng, ông đi dưới chiến hào không cần gậy, nhanh nhẹn cúi mình ẩn nấp khi bị không kích và pháo kích và sử dụng súng bắn tỉa thành thạo như một người lính đầy kinh nghiệm. Nhưng độ tuổi cho thấy, xạ thủ bắn tỉa này hoàn toàn không đơn giản

Hai ngày liên tục, Morozov cẩn thận trinh sát địa bàn và lựa chọn vị trí bắn. Cuối cùng, ông chọn một trận địa gần chiến hào, có tầm quan sát rộng và tự chuẩn bị cho mình vị trí bắn.

Trong thời tiết giá lạnh, viện sĩ Morozov với khẩu Mosinka nằm phục đến 2 giờ đồng hồ, cho đến khi ông tìm được một mục tiêu hợp lý, một sĩ quan Đức. Ngắm rất cẩn thận, Morozov hạ viên sĩ quan này chỉ bằng 1 phát đạn.

Đây là một tình huống ngoài sức tưởng tượng, một viện sĩ Viên hàn lâm nổi tiếng thế giới, lại là một xạ thủ bắn tỉa đáng sợ. Câu chuyện giống như việc Albert Einstein tham gia chiến đấu chống phát xít.

Morozov là con trai của một chủ đồn điền ở Yaroslavl với một nữ nông nô (!), nhà quý tộc gia truyền Nikolai Morozov là một thanh niên khá sôi nổi và quyết đoán từ khi còn trẻ.

Ngay sau trung học phổ thông (ông bị đuổi vì học kém), ông gia nhập tổ chức hoạt động bí mật (Ý chí Nhân dân - Narodnaya Volya) và là một trong số những người lên kế hoạch ám sát Sa hoàng Alexander II ngày 1 tháng 3 năm 1881.

Morozov bị kết án chung thân và ngồi tù 25 năm, ông được thả ra do lệnh ân xá sau cuộc cách mạng năm 1905. Một điều đáng ngạc nhiên là, sau những chấn song sắt của nhà tù Sa hoàng khốc liệt, ông thực sự quan tâm đến khoa học.

Morozov tự học và sử dụng thành thạo 11 ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Latinh, tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp, tiếng Slavonic cũ, tiếng Ukraina và tiếng Ba Lan). Ông nghiên cứu vật lý, hóa học, thiên văn học, đặc biệt quan tâm sâu đến toán học, triết học và kinh tế chính trị.

Trong nhà tù, Morozov bị nhiễm bệnh lao và cận kề với cái chết, nhưng ông đã chiến thắng tử thần bằng bài tập thể dục đặc biệt do chính ông nghĩ ra, ông khỏi bệnh. Thoát khỏi tù đày, Morozov lao đầu vào khoa học - ông công bố tới 26 (!) công trình khoa học, nhiều công trình được dịch ra tiếng nước ngoài và các nhà khoa học thế giới rất kính phục.

Năm 1910, nhà khoa học thực hiện một chuyến bay thử nghiệm trên máy bay tự chế, khiến các nhà chức trách kinh hoàng – sở mật thám cho rằng: cựu cách mạng có thể ném bom tự chế vào Sa hoàng Nicholas II.

Cuộc vây bắt và lục soát căn hộ của ông được tiến hành nhưng những bằng chứng về "lật đổ" không tìm thấy. Mặc dù vậy, viện sĩ tương lai cũng liên tiếp bị bắt hai lần - năm 1911 và 1912. Tổng cộng, ông ngồi tù gần 30 năm.

Sau cuộc cách mạng tháng 10.1917, Morozov không ngần ngại công khai chỉ trích Lê nin, tuyên bố ông không đồng tình với quan điểm Bolshevik về xây dựng chủ nghĩa xã hội: tư sản và vô sản phải hợp tác, không thể tồn tại mà không có nhau, ngành công nghiệp không nên bị công hữu hóa, nên chuyển hóa quá trình quốc hữu hóa nền công nghiệp nhẹ nhàng.

Sự kính trọng đối với nhà khoa học Morozov lớn đến mức người Bolshevik im lặng trước những chỉ trích của ông. Nếu chỉ xét về khối lượng những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý và hóa học đầu những năm hai mươi thế kỷ 20, không có một nhà khoa học nào trên toàn thế giới sánh bằng Morozov về uy tín và kết quả.

Dưới thời Stalin năm 1932, ngay cả sau khi những người Bolsevik đóng của Hiệp hội nghiên cứu thế giới Nga ( địa vật lý và thiên văn học) và trấn áp tất cả những người tham gia vì chống công cuộc công hữu hóa, chủ tịch Hiệp hội, nhà khoa học Morozov cũng không bị động đến. Ông quay trở về khu bất động sản cũ Borok của mình và tiếp tục làm việc trong một đài quan sát thiên văn đặc biệt xây dựng dành cho ông.

Một người ở cấp độ cao trong mọi chế độ, ngôi sao sáng khoa học thế giới, tác giả của những công trình khoa học phi thường, đặt nền móng cho một trung tâm khoa học quốc gia, trở thành trở thành chiến sĩ tình nguyện trên chiến trường, một người lính bình thường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ông sống đơn giản trong hầm trú ẩn, không hề kêu ca trước bất cứ một nguy hiểm hoặc gian khổ nào - mặc dù ông đã vượt ngưỡng tuổi xưa nay hiếm. Danh tiếng của cụ xạ thủ bắn tỉa khiến binh sĩ Hồng quân kinh ngạc - từ những đơn vị khác, binh sĩ tìm mọi cách đến gặp cụ xạ thủ tuyệt vời, những tin đồn huyền thoại về cụ xạ thủ bắn tỉa lan ra khắp mặt trận.

Viện sĩ thực sự tức giận – sự kinh ngạc biến ông thành một ngôi sao. Ông gặp các chỉ huy cao cấp, đề nghị không cho người khác đến đơn vị, ông có nhiệm vụ và ông cần chiến đấu.

Trên chiến trường, nhà khoa học Morozov thực sự là một tay súng bắn tỉa đáng nể . Tỉ mỉ đến từng chi tiết và chậm rãi, ông thực hiện nhiều phép toán, nghiên cứu quỹ đạo đầu đạn, đặc biệt trong điều kiện ẩm ướt (cả một công trình vật lý ứng dụng).

Xạ thủ Nikolay Morozov hạ nhiều quân nhân Đức, đại đa số là sĩ quan. Phát điên lên vì một tay súng bắn tỉa, phát xít Đức triển khai săn lùng xạ thủ đáng sợ này và thường xuyên sử dụng pháo bắn phá nhưng nơi trú ẩn có thể có xạ thủ bắn tỉa.

Cuối cùng, cơ quan lãnh đạo cũng hoảng sợ, vì nếu có chuyện gì xảy ra với nhà khoa học hàng đầu Liên Xô, hình phạt từ Đại bản doanh chắc chắn sẽ không nhẹ. Bất chấp sự phản kháng quyết liệt của nhà khoa học, Hồng quân tổ chức cưỡng bức Morozov về hậu phương và kêu gọi ông tập trung vào khoa học.

Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên xô nhiều tháng trời gây khó khăn cho các cơ quan tuyển quân, liên tục đòi cho ông ra chiến trường chiến đấu như một người lính, nhưng không thành công.

Năm 1944, căn cứ vào những thành tích và lòng dũng cảm trên chiến trường, ông được nhận huy chương “Bảo vệ Leningrad” và huân chương Lê nin.

Ngày 09.05.1945, trong một bức thư gửi Stalin ông viết: “ Tôi vô cùng hạnh phúc vì đã sống đến ngày Chiến thắng chủ nghĩa Phát xít, kẻ thù đã mang lại bao đau thương cho Tổ quốc và Nhân loại”.

Ngày 10.06.1945 Viên sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô nhận thêm một huân chương Lê nin. Trong bài phát biểu ông tuyên bố, ông rất tiếc vì không làm được nhiều với tư cách là một người lính trên chiến trường. Nhà khoa học qua đời ở độ tuổi 92, ngày 30.07.1946.

Cho đến ngày này, viện sĩ hàn lâm khoa học Liên Xô Nikolai Aleksandrovich Morozov là người lính già nhất của Hồng quân trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại