I. Ống phóng tên lửa chống tăng tự chế
Các hệ thống ống phóng tên lửa chống tăng tự chế do Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chế tạo, xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn ở Syria và Iraq từ tháng 5/2017 trong trận đọ súng ở Mosul, Iraq và các giao tranh ở tả ngạn sông Euphrate của Syria với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Những phát hiện của CAR, ngoài việc miêu tả chi tiết về các loại vũ khí còn chỉ ra một thực tế là tận dụng ngành sản xuất cơ khí địa phương, nhóm khủng bố IS đã giảm thiểu phụ thuộc vào thị trường vũ khí chợ đen thông qua việc chế tạo vũ khí và sử dụng chúng ở các chiến trường như thế nào.
Thiết kế chi tiết của ống phóng tên lửa chống tăng của IS.
Loại đạn tên lửa được IS sử dụng để chế tạo các tên lửa chống tăng chủ yếu là đạn tên lửa 73mm PG-9, loại đạn này được thiết kế cho súng chống tăng không giật SPG-9 của Liên Xô.
Ngoài PG-9, IS còn sử dụng các tên lửa chống tăng 40mm PG-7 của súng RPG-7 (B41) trong các ống phóng.
Ống phóng tên lửa chống tăng của IS sử dụng đạn PG-9.
Các ống phóng được thiết kế theo nguyên tắc sử dụng một lần tương tự như súng chống tăng M72 LAW của Mỹ, do các ống phóng này có thể được tái nạp đạn nhưng việc này khá phức tạp do phải lắp ghép các đai cố định đạn bên trong ống và giá thành sản xuất một ống phóng mới không quá chênh lệch trong khi lại mất quá nhiều thời gian.
Một vấn đề quan trọng khác trong thiết kế là có vẻ như dựa vào các kinh nghiệm tác chiến đô thị ở Syria và Iraq, IS muốn một ống phóng ngắn hơn có chức năng bắn từ bên trong các căn phòng kín mà không gây tổn thương nghiêm trọng cho chính chúng.
Thực tế chỉ ra rằng với đạn PG-9 và PG-7 thì súng SPG-9 và RPG-7 rất khó sử dụng trong một không gian nhỏ hẹp.
Ống phóng tên lửa chống tăng của IS sử dụng đạn PG-7 của súng chống tăng RPG-7 (tên Việt Nam là B41).
Điều đáng lưu ý ở đây là các ống phóng này của IS, tuy được sản xuất thủ công ở Trung Đông nhưng lại tuân thủ một tiêu chuẩn thiết kế gần như tương đồng với các súng chống tăng dùng một lần M72 LAW của Hoa Kỳ, đặc biệt là hệ thống tay cầm có thể gập gọn và cách mà hướng dẫn được dán bên cạnh ống phóng.
Những kẻ sản xuất ống phóng thậm chí còn chi tiết tới mức đưa ra nhắc nhở ở phần cuối của hướng dẫn "Vui lòng tháo hệ thống bắn khỏi ống sau khi khai hỏa".
Một lưu ý khác về các ống phóng là khi cuộc chiến chống IS của lực lượng an ninh Iraq tiến vào những khu vực chúng kiểm soát sâu nhất ở Mosul, chất lượng sản xuất của các bệ phóng đi xuống, cho đến khi khả năng sản xuất của nhóm khủng bố trở nên không thể.
Và ở hiện tại, TDMP, đơn vị sản xuất vũ khí của lực lượng dân quân PMU/PMF ở Iraq, đang sản xuất một biến thể ống phóng tương tự như những gì lực lượng Iraq đã phải đối mặt trước đây.
II. Ống phóng lựu đầu nòng súng trường và lựu đạn của máy bay không người lái
Ngay khi lực lượng an ninh Iraq tuyên bố kết thúc trận đánh Mosul, đồng nghĩa với việc toàn bộ thành phố đã được bảo đảm an ninh, CAR đã phát hiện ra một loại lựu đạn thường được IS thả từ các máy bay không người lái (UAV) lại hoàn toàn có thể được sử dụng như lựu đạn cầm tay, và thú vị nhất là khả năng phóng từ đầu nòng súng trường tấn công.
Những viên đạn/lựu đạn này được sản xuất thủ công, IS đã sử dụng việc đúc nhựa để tạo ra các cánh lái và khoang chứa lượng thuốc phóng đi kèm với một đầu đạn với kíp nổ.
Lựu đạn được IS thiết kế hỗn hợp ném bằng tay hoặc phóng từ ống phóng với chốt an toàn và đuôi đạn bằng nhựa chứa thuốc phóng và cánh lái.
Điều thú vị là loại đạn này có một chốt an toàn rõ ràng phải được kích hoạt trước khi khai hỏa.
Bằng chứng duy nhất cho thấy đạn được phóng từ nòng súng trường sử dụng đạn rỗng là một video clip vào tháng 3/2017. CAR tin rằng đạn phải thường được dùng như lựu đạn, tức là ném bằng tay.
Ống phóng gắn đầu nòng súng trường tấn công AK của IS.
Đoạn video cho thấy một viên đạn giống hệt lựu đạn được ném từ UAV của IS, ống phóng là một ống kim loại và dường như được tiện các ren để có thể lắp vào đầu nòng các súng trường tấn công kiểu AK.
Cơ chế khai hỏa không rõ ràng trong các cảnh quay, nhưng đạn gần như chắc chắn được phóng khỏi nòng bởi áp suất khí thuốc được tạo ra bằng cách bắn một viên đạn súng trường không có đầu đạn (gia tốc của đạn có thể được tăng cường bằng thuốc phóng ở cuối đạn).
Một trong những UAV ném lựu đạn xuất hiện rất thường xuyên trong các video tuyên truyền của IS ở cả Iraq lẫn Syria, sử dụng cùng đầu đạn đã được miêu tả ở trên.
Điểm đáng chú ý là IS sử dụng hai loại đầu đạn, được cho là từ hai nguồn cung ứng không giới hạn ở Iraq và Syria.
Ở Iraq, do chiến lợi phẩm từ lực lượng an ninh Iraq do Hoa Kỳ trang bị dồi dào nên phần đầu đạn được IS sử dụng trên UAV thường là đạn 40mm NATO (thường được sử dụng trên các súng phóng lựu M79, M203 và M32 MGL) với cơ chế kích hoạt nổ tính bằng vòng quay của đạn, khi nổ có thể văng ra hơn 300 mảnh vụn với vận tốc 1524 mét một giây, với bán kính sát thương là 5 m.
Còn ở Syria, với việc cả lực lượng chính phủ lẫn lực lượng phiến quân đối lập đều được viện trợ các loại vũ khí theo tiêu chuẩn của khối Varsava (cũ), các đầu đạn được sử dụng là đạn phóng lựu 40mm do Đông Âu và Liên Xô sản xuất (dùng cho súng phóng lựu GP-25 và GP-30) với tầm sát thương ít nhất là 5 m.
Khác biệt chủ yếu của đạn của khối Varsava sản xuất với đạn NATO là cơ chế kích nổ kết hợp chạm nổ và "nhảy cóc".
Đầu đạn sau khi chạm đất sẽ kích hoạt thuốc nổ ở đầu viên đạn và đẩy nó nảy lên cao 1 m rồi mới nổ, mảnh lựu đạn sẽ sát thương từ trên cao chụp xuống.
Việc IS đưa ra những thiết kế để tận dụng tối đa nguồn đạn dược mà chúng có sẵn và được bán rộng rãi ở thị trường chợ đen đã chứng minh, chừng nào IS còn tồn tại và ẩn náu ở Trung Đông, thì chúng vẫn có thể gây tác hại khôn lường với các vũ khí tự chế tạo, thủ công nhưng hiệu quả như trên.