Theo Sicence Alert, các nhà khoa học đã nghiên cứu vùng sông Lena và sông Kolyma ở Đông Bắc Siberia và phát hiện khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy dọc theo các mép nước, nó giải phóng lượng nitrous oxide gấp 10 - 100 lần mức thông thường khi băng vĩnh cửu ở những nơi khác tan chảy.
Siberia - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Nitrous oxide, công thức hóa học N2O, còn được gọi là khí cười, là một trong những khí nhà kính thúc đẩy tình trạng nóng lên của hành tinh chúng ta.
Loại băng vĩnh cửu đáng sợ đó được đặt tên Yedoma, một loại băng vĩnh cửu đặc trưng của vùng Siberia.
"Hàm lượng băng cao của Yedoma khiến nó dễ bị tan đột ngột và sụp đổ, cho phép huy động nhanh chóng trữ lượng carbon và ni-tơ trong đất sau khi tan băng" - nhóm tác giả dẫn đầu bởi nhà khoa học môi trường Maija Marushchak từ Đại học Đông Phần Lan, giải thích.
Khí cười vốn được tạo ra bởi các vi sinh vật trong đất, mặc dù không nhiều như carbon dioxide và mê-tan trong khí quyển, nhưng nó tác động đáng kể hơn nhiều về mặt nhiệt độ: Mạnh gấp 300 lần carbon dioxide nếu xét đến phương diện tác nhân làm nóng hành tinh trong vòng 100 năm.
Khi Yedoma tan chảy, nó cũng khiến quần thể vi sinh vật sản xuất N2O tăng lên trong khi quần thể tiêu thụ N2O bị thu hẹp, làm thay đổi chu trình ni-tơ.
Hiện tượng này vốn có lỗi của con người chúng ta. Trước đây, lớp băng Yedoma vốn được giấu bên dưới băng vĩnh cửu thông thường. Chính sự nóng lên toàn cầu mà con người là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy đã khiến Yedoma dần lộ ra và khiến sự kiện ngày càng tồi tệ hơn.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.