Những xác sống đi lại lang thang có lẽ chỉ xảy ra trên phim kinh dị. Tuy nhiên một số loài sinh vật kí sinh trong tự nhiên có khả năng kiểm soát trí não của vật chủ. Chúng khiến vật chủ hành động mù quáng nhằm mang đến lợi ích cho bản thân những kẻ kí sinh.
Loài ong Ampulex compressa chuyên săn lùng gián để điều khiển. Khi những con ong cái đến mùa đẻ trứng, chúng sẽ tìm đến gián để sai khiến.
Đầu tiên con ong cái sẽ tiêm một loại chất độc khiến con gián bị tê liệt, không thể tự điều khiển cử động của các chân. Sau đó nó dắt con gián về hang rồi đẻ trứng vào bụng con gián. Khi lũ ong con nở ra, chúng sẽ ăn con gián từ trong ra ngoài.
Loài ong chuyên chăn dắt gián
Những con giun dẹp Dicrocoelium dendriticum sống trong gan bò có vòng đời khá kỳ dị. Ban đầu, trứng của chúng sẽ theo chất thải của bò ra ngoài môi trường. Lũ sên khi ăn đám chất thải sẽ nuốt trứng giun vào trong.
Không thể tiêu hóa, nó sinh ra một lớp nhầy bảo vệ quanh trứng giun rồi thải ra ngoài. Tiếp theo, kiến sẽ ăn đống chất nhầy này. Khi đó, lũ giun sẽ chui lên não kiến và nắm quyền điều khiển những con kiến xấu số này.
Chúng khiến lũ kiến leo lên ngọn cỏ và chờ chết khi lũ bò ăn cỏ đi qua. Cuối cùng, lũ giun lại có thể quay lại gan của bò.
Hình qua kính hiển vi của giun dẹp
Một loài giun khác có tên Euhaplorchis californiensis bắt đầu cuộc sống trong những con ốc sên biển. Khi trứng giun nở, chúng tìm đến vật chủ tiếp theo là những con cá. Một khi tìm được con cá xấu số, chúng đi từ mang lên đến não.
Tại đây, nó sinh ra những hóa chất buộc con cá bơi lội không kiểm soát. Hành vi này thu hút lũ chim săn mồi và khi bị ăn thịt, lũ giun sẽ chui vào bụng chim. Nơi đây nó kết đôi và sinh sản. Trứng giun được chim thải ra ngoài và lũ sên biển sẽ ăn hết. Vòng đời mới của giun lại bắt đầu.
Con cá bị nhiễm giun kiểm soát não
Loài giun tóc Paragordius varius thường sinh sống trong những con côn trùng như dế. Tuy nhiên nó cần nước để sinh sản. Vì vậy, nó điều khiển những con dế hướng về phía ánh sáng.
Mặt nước khi phản chiếu ánh sáng vào buổi đêm và thu hút sẽ lũ dế. Con dế lao mình xuống nước và chết đuối. Khi đó lũ giun sẽ chui ra và sinh sản, tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân tiếp theo.
Con dế chết đuối do bị điều khiển
Trong tự nhiên, chuột đánh hơi được mùi mèo và sẽ chạy trốn. Tuy nhiên, khi con chuột bị kí sinh bởi Toxoplasma gondii, nó mất đi sự cảnh giác với mèo. Không những thế, nó còn khiến con chuột lầm tưởng mèo là bạn tình hấp dẫn.
Sinh vật đơn bào Toxoplasma gondii đầy nguy hiểm
Nó sẽ lao về phía mèo không suy nghĩ, kết quả là sinh vật kí sinh Toxoplasma gondii lại có cơ hội sinh sản trong bụng mèo. Đáng chú ý là có khoảng 30% dân số thế giới cũng có T.gondii trong não của mình. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ ảnh hưởng của loài T.gondii với con người.