Kinh hoàng ''Văn hóa'' Karoshi tại Nhật Bản: Dân văn phòng làm việc kiệt sức tới chết, dù trầm cảm cũng không dám nghỉ phép vì sợ tụt xuống ''đáy'' của xã hội

Nguyễn Phượng |

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 2.800 yêu cầu bồi thường liên quan đến vấn nạn karoshi, tăng 43% so với 10 năm trước.

Ba mươi năm trước, khi nhà xã hội học Junko Kitanaka lần đầu nhắc tới thuật ngữ "Karoshi", thế giới vẫn coi đó như một hiện tượng văn hóa xa lạ. Karoshi trong tiếng Nhật có nghĩa là "chết vì làm việc quá sức".

Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản chật vật ứng phó với vấn nạn karoshi nhưng dường như vẫn chưa được cải thiện. Theo số liệu của chính phủ, trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 2.800 yêu cầu bồi thường liên quan đến karoshi, tăng 43% so với 10 năm trước.

Những nạn nhân Karoshi ở Nhật Bản

Chia sẻ với PV thường trú của VTV tại Nhật Bản, ông Itsuo Sekigawa vẫn chưa thể nguôi ngoai sau cái chết của người con trai duy nhất của mình dù nhiều năm đã trôi qua. Ông thậm chí vẫn không dám bước ngang qua phòng riêng của con. Con trai ông - anh Satoshi Sekigawa - tốt nghiệp đại học và ngay sau đó được nhận vào làm ở một tập đoàn lớn. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm sau đó, anh tự tử.

Ông Itsuo Sekigawa cho biết, về nhà lúc 21 giờ đối với con trai ông là còn sớm, nếu chưa xong việc Satoshi sẽ làm việc tới nửa đêm. Thời gian làm việc lên tới 12 tiếng mỗi ngày trong một khoảng thời gian dài, áp lực công việc quá lớn khiến anh Satoshi quyết định tìm tới cái chết.

Kinh hoàng Văn hóa Karoshi tại Nhật Bản: Dân văn phòng làm việc kiệt sức tới chết, dù trầm cảm cũng không dám nghỉ phép vì sợ tụt xuống đáy của xã hội - Ảnh 1.

Miwa Sado. Ảnh: ANN News.

Một nạn nhân Karoshi khác đó là nữ phóng viên Miwa Sado của Đài truyền hình NHK Nhật Bản được phát hiện đã tử vong trên giường vào tháng 7/2013, lúc đó trên tay cô vẫn còn đang cầm chiếc điện thoại di động. Nguyên nhân tử vong là do suy tim vì làm việc quá sức. Là một phóng viên chuyên đưa tin chính trị, cô đã làm thêm tới 159 giờ, gấp 5 lần thời gian trung bình trong khoảng thời gian bầu cử tại Nhật Bản.

Năm 2015, làn sóng phản đối kịch liệt văn hóa Karoshi diễn ra mạnh mẽ sau khi nữ nhân viên 24 tuổi của công ty quảng cáo hàng đầu Nhật Bản Dentsu tự tử.

Kinh hoàng Văn hóa Karoshi tại Nhật Bản: Dân văn phòng làm việc kiệt sức tới chết, dù trầm cảm cũng không dám nghỉ phép vì sợ tụt xuống đáy của xã hội - Ảnh 2.

Cha mẹ của Matsuri Takahashi trong buổi họp báo

Theo đó, Matsuri Takahashi bắt đầu làm việc tại Dentsu hồi tháng 4/2015 và phải làm thêm 100 giờ mỗi tháng. Cô nhảy lầu vào ngày Giáng sinh, để lại thư tuyệt mệnh cho mẹ: "Vì sao mọi thứ phải khó khăn đến vậy?".

Japan Times đưa tin, trước khi nhảy lầu tự tử, Takahashi có dấu hiệu trầm cảm. Gia đình cô cũng tố cô đã bị quấy rối qua điện thoại khi ông chủ nói với cô rằng nếu cô thấy đang phải làm việc quá nhiều thì là do hiệu suất làm việc của cô quá thấp.

Đến tháng 1/2016, ông Tadashi Ishii - chủ tịch công ty Dentsu đã quyết định từ chức để nhận trách nhiệm.

Một năm chỉ dám nghỉ 2 ngày phép

Hideyuki, một kỹ sư 33 tuổi đang làm việc cho một công ty công nghệ ở Tokyo, có thể đếm trên một bàn tay số ngày anh nghỉ phép trong năm qua. "Một ngày vào tháng 4 cho lễ nhập học tiểu học của con gái tôi, hai lần nghỉ 1/2 ngày vào tháng 11, cho ngày phụ huynh và cho buổi biểu diễn độc tấu. Như vậy là nhiều hơn thường lệ", anh nói.

Trên thực tế, không phải anh không thể nghỉ nhiều hơn bởi anh có tới 20 ngày phép/năm. Tuy nhiên, giống với những người lao động khác, Hideyuki vẫn lựa chọn đi làm để không bị cấp trên cho vào ''danh sách đen''.

"Tôi không muốn giám đốc nói bất kỳ điều gì xấu về tôi vì tôi đã nghỉ một ngày. Sẽ dễ dàng hơn là cứ làm việc, hơn là để người ta nói xấu về mình hoặc mình bị quở trách.

Có khoảng 30 nhân viên trong công ty chúng tôi. Một đồng nghiệp đã nghỉ phép dài hạn vì bệnh tâm thần và chúng tôi thiếu người. Vì vậy, nếu một người nghỉ một ngày, nó sẽ là gánh nặng lên các người khác. Các chủ hãng không nghỉ ngày nào và thường xuyên làm việc muộn. Những người khác, không ai nghỉ phép, tôi không thể là người duy nhất đi nghỉ", anh nói.

Còn anh Syota Nakahara, 32 tuổi đã từng là một kỹ sư cho biết, anh đã bị trầm cảm do căng thẳng từ công việc trong suốt nhiều năm liền. Khoảng thời gian đỉnh điểm là trong 2 năm liên tục, ngày nào anh cũng đi làm từ 8h - 3h hôm sau, tức làm việc gần 18 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện làm việc quá khắc nghiệt như vậy, anh vẫn không dám từ bỏ vì không có việc, tức không có tiền và sẽ tụt xuống đáy của xã hội.

Nguồn gốc của hiện tượng Karoshi

Truyền thống làm việc ngoài giờ tại Nhật bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước khi mức lương của người lao động tại quốc gia này tương đối thấp và họ muốn tối đa hóa thu nhập của mình.

Đến thập niên 80, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, văn hóa làm việc nhiều giờ trong tuần vẫn được duy trì. Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - tài chính, vào cuối những năm 90, các công ty bắt đầu tái cơ cấu nên sức ép vô cùng lớn, các nhân viên ở lại làm việc ngoài giờ để không bị sa thải. Thậm chí, nhiều người lao động cố tỏ ra vui vẻ với việc làm thêm giờ vì sợ bị đánh giá về tinh thần, thái độ làm việc và dần dần trở thành một nét "văn hóa làm việc" Karoshi.

Kinh hoàng Văn hóa Karoshi tại Nhật Bản: Dân văn phòng làm việc kiệt sức tới chết, dù trầm cảm cũng không dám nghỉ phép vì sợ tụt xuống đáy của xã hội - Ảnh 4.

Nhật Bản chật vật ứng phó với vấn nạn karoshi - "chết do làm việc quá sức". Ảnh: mainichi.jp

Theo thống kê trước đây, mỗi năm tại Nhật Bản có tới gần 2.000 ca tử vong có liên quan đến công việc, chủ yếu do đột quỵ, đau tim, trầm cảm và tự tử. Cứ 5 người lao động có 1 người nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.

Năm 2021, hơn 6.000 công chức Nhật Bản đã làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng. Báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy trong số hơn 8.900 công ty tăng ca nhiều từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, có đến gần 3.000 công ty đã phá vỡ giới hạn làm thêm. 

Cần phải nói thêm rằng, 80 giờ được coi là "lằn ranh karoshi" tại Nhật Bản, bởi vượt qua ngưỡng này, tính mạng của bất cứ nhân viên nào đều có thể gặp nguy hiểm, Asahi Shimbun đưa tin.

Những nỗ lực cải thiện từ Chính phủ Nhật Bản

Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản vẫn không ngừng nỗ lực để cải thiện hiện tượng Karoshi kéo dài trong nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn như chính sách ngày "Thứ Sáu vui vẻ", theo đó người lao động sẽ được về sớm trong ngày làm việc cuối cùng trong tuần. 

Ngoài ra, Chính phủ còn đặt ra mức trần một tháng không làm thêm quá 45 tiếng, một năm không quá 360 giờ đồng hồ. Chỉ những người có thu nhập hàng năm trên 10 triệu Yen (gần 100 USD) mới được miễn trừ khỏi giới hạn này.

Các quy định này đã được đưa vào trong Luật Cải cách lao động và được cơ quan lập pháp quốc gia Nhật Bản thông qua năm 2018, có hiệu lực từ tháng 4/2020.

Kinh hoàng Văn hóa Karoshi tại Nhật Bản: Dân văn phòng làm việc kiệt sức tới chết, dù trầm cảm cũng không dám nghỉ phép vì sợ tụt xuống đáy của xã hội - Ảnh 6.

Người đàn ông ngủ gục trên tàu điện ngầm sau khi tan ca. Ảnh: ROCKET NEWS24

Nhiều công ty của Nhật Bản hỗ trợ nhân viên làm việc ở bất cứ nơi nào thuận tiện như những phòng hát karaoke hay trong những bốt làm việc di động đặt rải rác trong thành phố. Một vài công ty còn mở các khu lều trại ở công viên hay các khu vực ngoại ô cho nhân viên làm việc. Theo đánh giá của người lao động đây là những biện pháp khá tích cực, việc linh hoạt thay đổi không gian đã giúp họ giảm căng thẳng trong công việc.

Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn Karoshi vẫn còn là thách thức bởi thói quen làm việc của Nhật Bản đã ăn sâu trong xã hội. Những cuộc khảo sát cho thấy trong khi phần lớn người lao động đều thừa nhận làm việc quá sức là một vấn nạn cần giải quyết nhưng họ lại sẵn sàng chấp nhận làm thêm nhiều giờ liên tục nếu công việc yêu cầu. Sự mâu thuẫn này xuất phát từ nền văn hóa coi trọng sự cống hiến ở Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại