Hoảng hồn hai con sán dài
Ngày 15/05/2019, một bệnh nhân nam 40 tuổi, Quốc tịch Thái Lan, hiện đang trú tại Bình Dương đã đến Phòng khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM để khám bệnh với tâm trạng rất lo lắng.
Theo bệnh nhân thỉnh thoảng thấy ở hậu môn có từng đoạn dẹp, màu trắng, dài khoảng 3 đến 4cm ra ngoài theo phân, ngay cả những lúc không đi cầu cũng phát hiện thấy những đốt như vậy trên quần lót nên bệnh nhân rất sợ hãi.
Sau khi, thăm khám và làm thêm các xét nghiệm lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm sán dây trưởng thành và được chỉ định tẩy sán theo quy trình của Viện Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM.
Bệnh nhân được uống thuốc ngay tại bệnh viện. 3h giời sau khi uống thuốc bệnh nhân đi đại tiện lần thứ nhất thu hồi được 3 - 5 đốt sán, 15 phút sau bệnh nhân đi cầu lần thứ 2 ra 2 con sán dây, một con dài khoảng 2,5m và một con dài khoảng 1,5m.
Hay như trường hợp bệnh nhân Lê Viết K (sinh năm 1974, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), trước đó, bệnh nhân K nhập viện với triệu chứng đau bụng bứt rứt, rối loại tiêu hóa. Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân K thường đau bụng hơn một năm nay, nhiều lần điều trị các loại thuốc Tây y ở nhiều nơi nhưng vẫn không giảm.
THình ảnh con sán của bệnh nhân người Thái Lan
Khi vào viện khám, các y bác sĩ khám, kiểm tra bụng bệnh nhân K có những đốt sán tự rụng ra ống tiêu hóa, gần hậu môn. Sau đó, được các bác sĩ dùng bài thuốc sổ đặc trị sán và lấy con sán dây dài cả chục mét.
Theo TS Huỳnh Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương khi người ăn thịt trâu, bò, lợn có nang ấu trùng sán dây chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Thường thì chỉ có một con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần 3 tháng để trưởng thành và sản xuất đốt sán.
Dấu hiệu bệnh sán
TS Quang cho biết dấu hiệu bệnh sán dây trưởng thành chủ yếu gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán (sán dây bò) tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào
TS Quang miêu tả sán dây thường dài từ 2-4 m, có khi tới 8-10 m. Nhìn bên ngoài, sán dây có hình thể như một dải băng và có 3 phần: phần đầu là một hình cầu mang những mồm hút và bộ phận bám, phần cổ thường thắt lại và không có đốt phần thân gồm nhiều đốt và những đốt tùy theo độ trưởng thành có sự phát triển khác nhau.
Thịt bò, thịt trâu, thịt lợn tái có nguy cơ nhiễm sán dây.
Theo nghiên cứu, tại Việt Nam bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12 %; trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò chiếm chủ yếu 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%. Thói quen ăn bò tái, bê tái chanh chính là nguyên nhân dễ dẫn tới bệnh sán dây này.
Sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng ra ngoài hậu môn hoặc theo phân bài tiết ra ngoài. Trong đốt sán có trứng sán, khi đốt rụng ra trứng sẽ giải phóng và nếu người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ gây bệnh ấu trùng sán dây lợn.
Trường hợp người ăn phải trứng sán dây lợn. Trứng sẽ phát triển thành nang trùng sán trong cơ thể (người gạo); rất hiếm gặp bệnh ấu trùng sán dây bò.
Để phòng bệnh sán dây, theo TS Quang cách tốt nhất là vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò hoặc lợn tái hoặc chưa nấu chín, thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh mang bệnh ra môi trường. Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh.