Theo South China Morning Post, số virus này được tìm thấy ở nơi sâu nhất của Mariana, nơi vốn đã là nơi sâu nhất trên Trái Đất. Dường như độ sâu cực hạn và áp suất khổng lồ (gấp 1.100 lần áp suất khí quyển) đã góp phần tạo nên thế giới sinh vật kỳ lạ ở đây, bao gồm virus.
Chân dung virus "quái vật" ở nơi sâu thẳm nhất Trái Đất - ảnh: Genome Biology
Công phát hiện những sinh vật kỳ lạ này thuộc về nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Li Xuan từ Viện Sinh Lý thực vật và sinh thái học, Học viện Khoa học Trung Quốc, sử dụng tàu nghiên cứu tiên tiến Zhang Jian. Bộ gene của 15 loại virus và hơn 100 vi sinh vật khác ở nơi "tận cùng" Trái Đất này đã được thu thập từ các lớp trầm tích.
Theo bài công bố trên Genome Biology, cho dù các nhà khoa học không thể hồi sinh một loại virus nào, nhưng những dữ liệu thu thập từ cơ thể chúng đã đủ nói lên sinh vật Trái Đất có thể đa dạng và khác biệt như thế nào, mà nguyên nhân của những thứ kỳ dị lại là điều kiện khắc nghiệt. Không chỉ có áp suất khủng, đáy Rãnh Mariana có nhiệt độ gần như đóng băng, hoàn toàn là bóng tối, nguồn dinh dưỡng cực kỳ hạn hẹp.
Các virus khổng lồ - được đặt tên là mimivirus – chiếm hơn 4% tổng số virus đáy biển, ban đầu bị nhầm với vi khuẩn vì chúng quá to, có con cơ thể đạt chiều ngang 700 nanomet, có cả lông. Chúng thường ký sinh trên các con amip và không có hại với con người.
Đặc biệt nhất, số virus này lại mang một số gene liên quan đến các hoạt động sản xuất và chuyển hóa protein, giống như vi khuẩn hay một số động vật đơn bào khác. Các nhà khoa học cho rằng chúng có thể là bằng chứng độc đáo của "tiến hóa ngược" – có tổ tiên là vi khuẩn, nhưng tiến hóa thành virus.