Yamaha Việt Nam, Vinaxuki cũng nợ lớn

Hàng loạt DN như: Công ty TNHH Yamaha Motor VN, Chi nhánh Công ty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki… có tên trong danh sách DN nợ thuế chuyên thu quá hạn quá 90 ngày của Cục Hải quan HN.

Theo đó, một số DN nằm trong top nợ thuế lớn là: Công ty TNHH Yamaha Motor Vietnam có tổng nợ hơn 12,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần ô tô TMT nợ khoảng 10,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần ENZO Việt 12,9 tỷ đồng; Công ty TNHH gia công thương mại và dịch vụ VINADA 14,6 tỷ…

Đáng chú ý, DN nợ thuế lớn nhất tại Cục Hải quan Hà Nội phải kể đến Chi nhánh Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Tiểu thủ Công nghiệp miền Trung với tổng nợ lên tới 136,7 tỷ đồng.

Tính đến tháng 9/2013, có hơn 2.000 tờ khai hải quan của các DN mở tại Cục Hải quan Hà Nội vẫn nợ các khoản thuế. Đây là các khoản nợ thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền phạt chậm.

Nợ để xin giảm?

Nằm trong danh sách nợ được Cục Hải quan Hà Nội công bố, đáng chú ý có Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki.

Trước đó, Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị được giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1/1/2014, cho các dòng xe chiến lược do đơn vị này sản xuất.

Yamaha Việt Nam, Vinaxuki cũng nợ lớn
Vinaxuki cũng có tên trong danh sách các DN nợ thuế chuyên thu quá hạn quá 90 ngày của Cục Hải quan Hà Nội

Cụ thể, Vinaxuki đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số chính sách giúp công ty tăng quy mô sản xuất các dòng ôtô chiến lược gồm các loại xe 8 chỗ cho thị trường nông thôn, kinh doanh vận tải taxi,… và đẩy mạnh quá trình nội địa hóa các dòng sản phẩm của công ty.

Ngoài ra, Vinaxuki đề nghị được vay khoản vốn 250 tỷ đồng, với thời hạn tối thiểu 7 năm theo chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia, từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Cùng với đó, Vinaxuki xin được vay vốn dài hạn hoặc hoãn nộp thuế từ tháng 10/2013 (tổng trị giá tương đương 750 tỷ đồng) để tập trung vốn vào đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, trang bị dây chuyền đúc nhôm thân vỏ động cơ và nhập khẩu thiết bị gia công.

Động thái này của Vinaxuki được cho là đang nối gót CTCP Trường Hải sau khi công ty này xin giãn thuế nhập khẩu hơn 1.200 tỷ đồng và công bố mức lãi khủng.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2013, CTCP Trường Hải đã có đơn xin gia hạn nộp thuế nhập khẩu. Cụ thể, CTCP Ôtô Trường Hải mong Chính phủ cho phép 4 công ty thành viên do Trường Hải là chủ đầu tư được gia hạn nộp thuế nhập khẩu trong 1 năm với số tiền khoảng 1.214 tỷ đồng kể từ ngày 1/7/2013 đến ngày 30/6/2014. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã chấp thuận đề nghị này.

Lý do được Trường Hải đưa ra để xin giãn thuế là vì lượng hàng tồn kho lên đến 3.300 tỷ đồng và hiện đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.600 tỷ đồng. Tình hình sản xuất được mô tả là đang cầm chừng, cho lao động nghỉ luân phiên nhưng vẫn duy trì lực lượng lao động, trong khi triển vọng thị trường phía trước thì cũng không sáng sủa gì.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Trường Hải gây bất ngờ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 với mức lãi ấn tượng 267 tỷ đồng quý 2/2013.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 267 tỷ đồng, tăng gần 400% so với quý 2/2012 và kết quả này còn cao hơn cả mức lãi ròng 242 tỷ đồng của cả năm 2012. Lũy kế 6 tháng, ô tô Trường Hải đang lãi ròng 362 tỷ đồng.

Mặt khác, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo về chương trình chi trả cổ tức năm 2012 bằng tiền mặt của CTCP ô tôTrường Hải.

Theo đó, ngày 12/9, Trường Hải sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và việc chi trả sẽ được thực hiện vào ngày 26/9.

Với vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, như vậy phần ngân sách chi trả cổ tức 2012 của Trường Hải sẽ là 325 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại