Phiên giao dịch quốc tế đêm 10/7, thông tin cung dầu thô tại Mỹ giảm mạnh tới 9,9 triệu thùng đã khiến giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 8 trên sàn hàng hóa New York tăng 2,99 USD, lên mức 106,52 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 15 tháng qua. Tuy không duy trì được lâu, song tới cuối phiên giá dầu thô vẫn đứng ở mức cao – 106,40 USD/thùng.
Tại sàn giao dịch hàng hóa London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 8 cũng tăng được 70 cent, tương ứng với mức 0,6%, lên 108,51 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 4 cho tới nay.
Giá xăng giao tháng 8 trên sàn hàng hóa New York đã tăng mạnh 9 cent, tương ứng với mức 3%, lên 3,02 USD mỗi gallon.
Tính từ đợt điều chỉnh giá bán lẻ trong nước gần đây nhất, ngày 28/6, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore – thị trường nhập khẩu chính của DN kinh doanh xăng dầu Việt Nam- liên tục tăng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, 70% nguồn xăng dầu trong nước là nhập khẩu, nên giá trong nước chịu tác động rất lớn từ giá thế giới. Nếu giá thế giới tăng liên tục thì không tránh khỏi việc giá trong nước phải điều chỉnh. Còn sử dụng công cụ nào: giảm thuế, tăng giá hay tăng mức sử dụng quỹ bình ổn thì chưa thể chắc chắn.
Tuy nhiên, theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thì, dù giá thế giới có tăng và DN có quyền đề xuất tăng giá bán lẻ thì cũng phải tuân theo Nghị định 84 tính giá cơ sở 30 ngày. "DN đề xuất tăng muốn tăng cũng không được, vì Nhà nước vẫn can thiệp bằng biện pháp nhất định và vẫn phải tuân theo Nghị định 84, không chỉ bằng Quỹ BOG và các biện pháp khác"- ông Thỏa nói.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, giá xăng dầu trong nước hoàn toàn phụ thuộc giá thế giới, nên "khi số dư Quỹ BOG xăng dầu hiện còn rất ít trên 55 tỷ đồng, trong khi tình hình chính trị thế giới bất ổn, giá dầu thô lên cao, thì cũng không có cách nào khác là phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu".
"Trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn độc quyền là chủ yếu, DN sẽ lợi dụng biên độ này tăng và thiệt hại cho người tiêu dùng. Mục tiêu của DN là lợi nhuận, mà kiếm lợi nhuận thông qua giá là dễ nhất. Còn cơ chế điều hành xăng dầu như hiện nay thì chắc chắn việc tháo gỡ khó khăn trong điều hành xăng dầu không bao giờ thực hiện được"- ông Long quả quyết.
Trước đó, vào cuối tháng 6, Bộ Công Thương đã trình bản dự thảo lần 4 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 84. Theo đó, dự thảo chốt phương án thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày với trường hợp tăng giá. Các phương án điều chỉnh giá bán lẻ, khi yếu tố cấu thành giá cơ sở tăng hay giảm đều thiên về doanh nghiệp, do doanh nghiệp "tự quyết”.
Cụ thể, thời gian giữa hai lần tăng giá liên tiếp tối thiểu và giảm giá liên tiếp tối đa là 10 ngày. DN đầu mối phải giảm giá bán lẻ khi giá cơ sở giảm dưới 6% so với giá hiện hành. Nếu mức biến động trên 6%, DN tiếp tục giảm giá sau khi cơ quan thẩm quyền áp dụng các biện pháp như tăng thuế, trích quỹ bình ổn.
Tuy nhiên, dự thảo lần 4 của Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên chi tiết, giá cơ sở được tính theo giá bình quân của số ngày dự trữ lưu thông, 30 ngày như Nghị định 84.
Về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cách tính giá cơ sở 30 ngày là không còn phù hợp, chỉ nên tính giá 10 ngày để giá xăng dầu trong nước sát với thế giới.
Thêm nữa, các DN hiện nay đang mua bán theo phương thức 5-1-5. Khi thanh toán: lấy giá 5 ngày trước + 5 ngày sau chia bình quân. Nên 10 ngày tính giá là phù hợp. "Tần suất điều chỉnh giá giữa 2 lần là 10 ngày là hợp lý, sát thị trường hơn" – ông Thỏa bình luận.