Các doanh nghiệp đầu mối vừa gửi tới liên Bộ Tài chính – Công thương văn bản xin được tăng giá bán lẻ xăng dầu, dù trong tháng 6 vừa qua giá xăng dầu đã tăng 2 lần, và lần gần nhất mới hôm 28/6.
Theo các doanh nghiệp, chiếu theo giá bình quân 30 ngày tính đến 23/6, các đơn vị này đang lỗ 500 đồng/lít xăng, dầu bán ra. Do đang được bù lỗ 300 đồng/lít từ Quỹ Bình ổn giá nên mức lỗ thực là 200 đồng/lít.
Trong khi, theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết tháng 6 vừa qua chỉ còn 55 tỷ đồng.
Tờ Dân Việt dẫn tin từ Tổ điều hành giá xăng dầu hôm 12/7 cho biết, việc các doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ gần đây là có thật. Tuy nhiên, điều chỉnh giá xăng dầu hay không chưa thể nói trước thời điểm này, bởi tăng giá xăng dầu sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chưa kể, các bộ ngành can thiệp bằng công cụ nào cũng cần phải cân nhắc, có thể là giảm thuế, tăng giá hay tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn vẫn chưa thể công bố trước.
Đã từ lâu rồi lại mới thấy các doanh nghiệp chủ động gửi kiến nghị xin tăng giá tới cơ quan quản lý, và công bố rộng rãi với cơ quan báo chí. Còn nhớ, trước đây mỗi khi tăng giá xăng dầu các doanh nghiệp đều tung tin là giá thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp lỗ, nên tới sẽ xin tăng. Còn khi giá thế giới giảm thì họ im lặng, chỉ khi cơ quan quản lý quyết định giảm “vì báo chí nói nhiều quá” thì doanh nghiệp mới giảm.
Lần xin tăng giá này xem ra các doanh nghiệp hơi “manh động”, khi họ chủ động xin kiến nghị và để lộ thông tin ra báo chí. Vì theo ghi nhận của những lần điều chỉnh giá gần đây, đặc biệt như hai lần gần nhất trong tháng 6 vừa qua, đều không phải do doanh nghiệp xin, mà do liên Bộ tính toán và đưa ra mức tăng tối đa, còn doanh nghiệp căn cứ vào đó điều chỉnh mức tăng của doanh nghiệp mình.
Khi mà cơ quan quản lý đang giành thế chủ động về mình thì sao các doanh nghiệp phải xin làm gì, vừa mất hình ảnh doanh nghiệp thân thiện, nhà nước lập ra kinh doanh vì nền kinh tế, vì nhân dân, sức chịu đựng giỏi… trong mắt người dân, mà chưa chắc đã được tăng giá.
Và theo như tiết lộ của Tổ điều hành giá xăng dầu đã dẫn ở trên thì có thể chưa được tăng giá thật, doanh nghiệp còn phải tiếp tục đợi, nhưng hậu quả thì chắc chắn là doanh nghiệp đã bắt đầu nếm rồi. Khi vừa hay tin doanh nghiệp xin tăng người dân đã bĩu môi, đúng là độc quyền, mới tý đã lại đòi tăng, tiền kiếm không ra sao cái gì cũng tăng vèo vèo, cuộc chạy đua giữa rùa và thỏ - lương tăng một đồng mà giá cả đã tăng dăm bảy đồng…
Cái chiêu bài chuẩn bị tâm lý người dân cho việc tăng giá xăng dầu bằng việc lên báo chí kêu than rằng lỗ, rằng giá thế giới cao, trong nước thấp… xem ra đã cũ quá rồi, mà sao các doanh nghiệp vẫn dùng lại. Vừa tự mình làm mất hình ảnh mình, vừa đẩy liên Bộ Công thương – Tài chính vào thế khó, chẳng nhẽ lại cứ như các lần trước doanh nghiệp đòi là cho tăng, nếu vậy thì chỉ 1 tháng rưỡi đã tăng tới 3 lần, như vậy thì biết báo cáo làm sao, chỉ số giá tiêu dùng sẽ lại ngất ngưởng, rồi lại đổ lỗi cho Chính phủ điều hành. Kể ra cũng thật là khó cho tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, không biết từ ngày làm vị trí mới tới giờ ông đã quen với nhịp độ thường xuyên, liên tục của xăng dầu, than, điện đòi tăng giá chưa.
Thật khó cho ông quá, không tăng thì doanh nghiệp, đại lý đóng cửa quyết không bán, mà tăng thì biết xử lý sao với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để nó không được quá cao? Mà mấy vị doanh nghiệp thì manh động quá, mới cho tăng chưa được 15 ngày đã lại đòi tăng tiếp, mà đòi thì có thể đòi riêng, đòi âm thầm, sao lại còn tung tin ra báo chí là đang đòi, giờ mà nói không tăng thì doanh nghiệp không để yên, mà nói tăng thì dân tình cũng không cho yên. Thật khó quá đi, tân Bộ trưởng của chúng ta phải làm gì đây?