Liên quan đến những "lùm xùm" xung quanh chất lượng sữa dê Danlait có nguồn gốc từ Pháp do công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối, trong mấy ngày qua, dư luận lại nóng lên khi chị Cao Ngân Hà (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) - người đầu tiên đưa ra vụ việc, tiếp tục công bố thêm kết quả kiểm nghiệm mẫu sữa dê Danlait được thực hiện tại Viện Pasteur TP. HCM.
Kết quả cho thấy hàm lượng đạm (protein) của sữa dê Danlait chỉ đạt mức 4.13% so với 17.6% ghi trên bao bì.
Không những thế, hàm lượng Natri trên mẫu là 1606,2 mg/100g (công ty Mạnh Cầm công bố tỷ lệ này là từ 180 - 200 mg/100g); hàm lượng Kali là 3553,7 mg/100g (bông bố của Mạnh Cầm là từ 500 - 620mg/100g).
Với kết quả này, hàm lượng Natri cao gấp 4 lần, Kali cao gấp 2,9 lần chỉ tiêu giới hạn của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex).
Trao đổi với PV, ông Đỗ Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, bức ảnh chụp quả kiểm nghiệm trên đã bị xóa mờ thông tin số phiếu, tên và địa chỉ khách hàng gửi mẫu.
"Phiếu kết quả đấy chỉ thực hiện trên một hộp sữa cho khách hàng đưa tới, còn trước đó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trong 6.000 hộp sữa đang tạm giữ sang Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm, đấy mới là đại diện cho lô hàng, và kết quả sữa đảm bảo tiêu chuẩn”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, phương pháp kiểm nghiệm mà Viện Pasteur TP. HCM sử dụng là phương pháp thử nghiệm TCVN 3705 - 90, đây là phương pháp thử nghiệm protein trong thủy sản, không phải theo phương pháp thử nghiệm cho sản phẩm sữa. Mà trong kỹ thuật, khi thực hiện theo phương pháp khác thì kết quả khác nhau.
“Với phương pháp kiểm nghiệm không đúng nêu trên và mẫu của khách hàng mang đến thì kết quả kiểm nghiệm không đánh giá đúng chất lượng của lô sản phẩm. Trong phiếu cũng ghi rõ là chỉ có giá trị trên hộp khách hàng mang tới. Điều tôi muốn nói là, mẫu khách hàng mang tới đó tính khách quan ở đâu, còn dân mình không phải ai cũng tin cả”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trung, mọi người đều có quyền đưa sản phẩm đi kiểm tra, nhưng cơ quan quản lý nhà nước đã lấy mẫu đi kiểm tra rồi, mà mẫu đó là đại diện cho cả lô hàng chứ không phải mẫu lẻ, kết quả chất lượng sản phẩm chắc chắn không vấn đề gì.
Ông Trung còn dẫn chứng thực tế, từ trước tới nay ông chưa nhận được phản ánh nào của khách hàng về chất lượng sản phẩm sữa dê Danlait.
“Mọi người không chuyên môn thấy kết quả đó thì nghĩ rằng phải tham khảo, phải nghi ngờ, phải thế này thế kia. Nhưng chúng tôi không bao giờ như thế, mọi người có quyền đi làm dịch vụ mà”, ông Trung khẳng định.
Về việc hàm lượng Kali doanh nghiệp công bố là 500 - 620 mg/100g, nhưng kết quả kiểm tra hàm lượng này là 890 mg/100g, ông Trung khẳng định, đấy là “lỗi đánh máy của nhân viên”, việc đó ông cũng đã từng gặp vài lần, trong hồ sơ lưu giữ tại Cục cũng công bố là 890 mg/100g.
Về việc hàm lượng Kali doanh nghiệp công bố là 500-620 mg/100g, nhưng kết quả kiểm tra hàm lượng này là 890/100g, ông Trung khẳng định, đấy là “lỗi đánh máy của nhân viên”...
Và việc này ông Trung đã yêu cầu doanh nghiệp phải chỉnh sửa lại.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết, hiện các vấn đề liên quan đến vụ sữa dê Danlait vẫn đang được xử lý và khi nào có kết quả chính thức sẽ công bố.
"Không chấp nhận được"
Trong khi đó, trao đổi với PV, chị Cao Ngân Hà cho rằng, việc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nói kết quả được người dân đưa đi kiểm nghiệm không có giá trị là thể hiện sự thiếu trách nhiệm, công tâm.
Về phương pháp kiểm nghiệm tỷ lệ protein, theo chị Hà, các đơn vị có nhiều phương pháp để kiểm nghiệm, đấy là họ tự lựa chọn phương pháp.
“Chúng tôi đưa đi kiểm nghiệm cũng không nói là nó có giá trị pháp lý, nhưng chúng tôi đưa ra là để mọi người cùng them khảo. Tôi cho con tôi ăn, tôi có quyền chứ. Chẳng nhẽ người ta cho gì tôi cũng ăn và không được ý kiến gì”, chị Hà nói thêm.
Về việc các bên viện dẫn hàm lượng Natri và Kali in trên bao bì thấp hơn kiểm định là do đánh máy nhầm, chị Hà nhận xét: “Bảo in sai, giờ cứ làm sai, làm lỗi là đổ tội in nhầm, nếu tôi không nhầm thì đã hơn 3 lần đổ lỗi in nhầm rồi. Trẻ con mà như trò đùa vậy, nhầm toàn cái chết người. Cho tôi vào ngồi tù rồi bảo cho ngồi nhầm sao.
Chị Hà cũng ví von: "Trước đó là in nhầm thành phần thành chất tẩy rửa, mà nhầm từ bên Pháp nhầm sang, rồi bảo văn thư đánh máy sai; rồi in nhầm thực phẩm bổ sung thành sữa, mà đấy là cái rất quan trọng, vì nếu biết chỉ là thực phẩm bổ sung thì tôi sẽ không dùng cho con tôi ăn thay sữa mẹ.
Nếu chúng tôi đưa ra thông tin có sai sót, họ kiện chúng tôi, thế lúc đó chúng tôi ra tòa bảo là chúng tôi nói nhầm, thế liệu có xử lý chúng tôi không?”.
Chị Hà cũng cho biết, để đảm bảo khách quan, trong thời gian tới nhóm phụ huynh dự định sẽ tiến hành mời các cơ quan chức năng, đại diện công ty Mạnh Cầm tới để cùng chứng kiến việc, đưa một số mẫu sữa dê Danlait sang nước ngoài để kiểm nghiệm.
“Không phải người dùng chống phá công ty, mà ở đây, công ty đang có nhiều dấu hiệu mập mờ, việc này làm ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em nước mình, nên phải tự bảo vệ mình, chứ không biết bấu víu vào đâu cả, cơ quan chức năng thì bạn cũng biết rồi”, chị Hà nói.