Rất nhanh, công ty URC đã chủ động liên hệ làm việc với người tiêu dùng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.
URC nói gì?
Theo URC Việt Nam, đơn vị đang sở hữu thương hiệu nước giải khát C2, ngay khi có thông tin người tiêu dùng phản ánh về việc phát hiện “5 con ruồi” trong chai C2, ngày 16-3-2015, đại diện từ URC đã đến Thanh Hóa để gặp gỡ khách hàng (ông Thạch Ngọc Tuấn) nhằm tìm hiểu và giải đáp vụ việc.
Nhà sản xuất này cho hay, do quy trình sản xuất trà xanh C2 là hoàn toàn khép kín và tự động, nên không thể có khả năng bất kỳ một vật lạ nào có thể xâm nhập.
“Quá trình sản xuất sản phẩm thông qua 2 bước lọc: sau khi trích ly trà và sau khi tiệt trùng với lưới lọc siêu nhỏ 25 micromet (1 micromet= 0,001 mm).
Sản phẩm được chiết kín và đóng nắp với đường kính đầu chiết là 2 mm” – thông cáo viết.
Thứ nữa, theo URC sản phẩm sản xuất vào ngày 11-11-2014 và đến ngày 13-3-2015 phát hiện có 5 vật lạ nghi là ruồi tức là sản phẩm đã được sản xuất và lưu hành hơn 4 tháng.
Theo nguyên tắc đã bị phân hủy và sản phẩm phải bị nhiễm vi sinh và bị đổi màu nước.
Tuy nhiên qua hình ảnh quan sát thì 5 cá thể nghi là ruồi bên trong sản phẩm vẫn còn tươi và nguyên vẹn không phân hủy và chưa có dấu hiệu nhiễm vi sinh.
“Chúng tôi có lý do để tin rằng sản phẩm đã có sự tác động từ bên ngoài trước khi đền tay ông Tuấn” – URC cho hay.
Nhiều nghi vấn
Theo biên bản làm việc giữa đại diện URC ông Nguyễn Phước Quý Trường và khách hàng Thạch Ngọc Tuấn ngày 16-3, nhà sản xuất cho rằng “có một số điểm không hợp lý đối với sản phẩm khiếu nại”.
Thứ nhất, hệ thống sản xuất khép kín nên không có khả năng ruồi vào sản phẩm.
Thứ hai, thời gian sản xuất sản phẩm là 11-11-2014 nhưng con ruồi vẫn còn khá nguyên vẹn “về lý thuyết chỉ sau 5-7 ngày ruồi đã bị phân hủy chứ không thể tồn tại tới 4 tháng trong sản phẩm mà vẫn nguyên vẹn”.
Lý giải của đại diện URC Việt Nam rõ ràng chưa thuyết phục được dư luận.
Trên diễn đàn mạng, nhiều ý kiến cho rằng cần truy rõ nguyên nhân vì sao 5 con ruồi có thể “chui” vào trong chai C2 “sau 5-7 ngày ruồi bị phân hủy như giải thích của URC thì cần đến đại lý anh Tuấn mua sản phẩm tìm hiểu rõ họ nhập từ đâu, lưu kho khi nào...” – một bạn đọc viết.
Thứ nữa, URC cho hay chai C2 “đã có sự tác động từ bên ngoài trước khi đến tay ông Tuấn”.
“Nếu sự việc đúng như URC Việt Nam khẳng định thì đây có thể là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu phá hoại, làm mất uy tín doanh nghiệp, cần điều tra xử lý theo pháp luật” – luật sư Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc công ty luật Đại Nam phân tích.
Điều khiến dư luận khó hiểu trong vụ việc này là việc chai C2 chứa ruồi bị “bốc hơi” không để lại dấu vết.
Biên bản làm việc giữa hai bên ngày 16-3 cho hay, do người tiêu dùng đã “lỡ mở nắp và đổ đi mất rồi” nên không có mẫu để tìm hiểu, kiểm định. (?)
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm bị lỗi, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì ngoài việc phản ánh tới nhà sản xuất, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan truyền thông thì cần phải giữ lại để làm căn cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Bên cạnh đó, dư luận cũng cho rằng về vụ việc này thanh tra Sở Y tế Hà Nội cần vào cuộc, kiểm tra chất lượng ATVSTP dây chuyển sản xuất của Cty TNHH URC Việt Nam.
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc này.