Trong một văn bản gửi tới 4 bộ, gồm NN-PTNT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Ngoại giao mới đây, Bộ Công Thương "bật đèn xanh" chấp thuận cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức nhập 30.000 tấn đường từ Lào về tinh luyện để xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc này vấp phải sự phản đối của hàng chục doanh nghiệp mía đường nội địa.
Bộ Công Thương cho rằng, phương án này tạo điều kiện cho HAGL tiêu thụ đường sản xuất tại Lào nhằm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào.
Khi công thư của Bộ Công thương được đưa ra, nhiều ý kiến phản hồi đồng tình, ủng hộ bầu Đức nhập đường Lào về Việt Nam. Bên cạnh đó, có không ít người đã thẳng thắn vạch ra những tồn tại, yếu kém của ngành sản xuất mía đường trong nước.
“Trong khi các doanh nghiệp sản suất than trời về chất lượng đường trong nước thì Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vẫn dậm chân tại chỗ, thử hỏi vì sao đường trong nước tồn đọng mà lượng đường nhập lậu vẫn ào ạt về? Nếu VSSA còn dùng dằng tình trạng này thì các nhà máy đường sẽ chết yểu không sớm thì muộn. Ta bảo hộ cái tốt chứ không đem cái yếu kém, lạc hậu ra mà bảo hộ”, độc giả có nick name Nguyen Tuan chia sẻ.
“Ngành mía đường Việt Nam mình quá lạc hậu rồi. Ai đời nước ngoài sản xuất nhập khẩu mà giá vẫn rẻ hơn trong nước mà vẫn cứ không chịu thay đổi. Toàn muốn người dân chịu giá cao. Giờ không tái cơ cấu đầu tư công nghệ mới thì khi người ta tiến xa hơn vài chục năm thì mình mới đầu tư thì khi ra được thành phẩm thì thị trường đã tràn ngập hàng nhập rồi”, bạn Hoàng cho hay.
“Tôi là một người nội trợ. Đường nào ngon, bổ rẻ tôi mua. Đường nào giá cao, không phù hợp tôi chê không mua. Cạnh tranh lành mạnh. Nếu không biết áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để giảm giá thành thì đóng cửa đi. Đừng bắt những người dân nghèo phải cưu mang mãi và mua đường giá cao hoài”, độc giả An Bình nói.
“Giá đường mía của Việt Nam cao không phải là chuyện cải tiến của các nhà máy đường. Đồng ý là quy hoạch sản xuất mía đường ở Việt Nam còn quá lạc hậu nhưng giá thành sản xuất không cao.
Tôi là người làm mía và tôi thấy một sự thật là vì lợi nhuận mà mía đường đem lại cho nhà máy đường khá lớn, họ không nỡ giảm giá không những vậy mà liên tục ép giá thu mua mía dùng nhiều thủ đoạn để lấy hết đầu sào sản xuất của người nông dân.
Nếu đầu ra của mía đường được hoạch toán rõ ràng thì sao có chuyện người nông dân phải đốt mía trong khi các ông cán bộ nhà máy đường ngày càng nhiều nhà lầu, nhiều xe hơi.
Đầu mùa thu nhà máy đường thu mua rầm rộ giá thành phải chăng người nông dân lo bán lấy bán để chặt hết xuống rồi thì nhà máy đường đóng cửa không mua. Sau đó mua với giá rất thấp hơn nữa ép chữ đường xuống rồi còn phải lọc tận gốc cây mía... Người nông dân chỉ còn biết khóc thôi”, anh Nguyễn Hữu bức xúc nói.
"Tự vệ" bằng cách ngăn sông cấm chợ là tồi. Có những giải pháp đơn giản cũng có thể cải thiện được giá thành, trong cải tiến công nghệ để tận thu sâu hơn về phía gốc mía là một điều hoàn toàn nằm trong tầm tay. Thua Thái Lan, rồi nay thua cả bạn Lào, đó là điều rất không bình thường. Hãy cố tìm lối thoát sao có tình, có lý...”, độc giả Hoàng Hà gay gắt.
Đồng quan điểm này, chia sẻ trên Nhịp cầu đầu tư, ông Lê Văn Dĩnh, Phó Chủ tịch Công ty Đường Bourbon Tây Ninh (SBT), nhìn nhận: Việc nhập đường của HAG, trước mắt sẽ có lợi ở một số mặt.
Các nhà máy đường ở Việt Nam chỉ hoạt động được một mùa (khoảng tháng 11 đến tháng 6 hằng năm), còn lại nhà máy bị bỏ phí công suất. Nếu có thêm hàng, nhà máy tinh luyện của Đường Biên Hòa sẽ đỡ phí công suất. Hiện nay, cơ cấu sản xuất và gia công của Đường Biên Hòa là 50 - 50. Xa hơn, việc này còn tạo ra thêm công ăn việc làm và nhà nước cũng thu được thêm thuế.
Ngành đường trong nước đã được bảo hộ trong thời gian dài, nhưng năng lực cạnh tranh hầu như vẫn còn rất yếu. Ông Dĩnh cho rằng việc nên làm lúc này của các doanh nghiệp đường là tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện tại, việc nhập khẩu đường của bầu Đức chỉ còn chờ thêm ý kiến của các bộ: NN-PTNT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Ngoại giao.