Ban đầu, ông Võ Văn Minh đòi “đổi chai nước chứa con ruồi” lấy 1 tỷ đồng, nếu Công ty Tân Hiệp Phát không đồng ý sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
Sau 3 lần thương lượng, hai bên đã chốt giá 500 triệu đồng. Vụ việc được Tân Hiệp Phát báo công an, nên khi giao nhận tiền thì công an bắt quả tang.
Chiều ngày 5-2-2015, lãnh đạo cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Tiền Giang cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Võ Văn Minh để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Xoay quanh vụ án này, dư luận có 2 quan điểm trái chiều về bản chất của vụ việc.
Bên cạnh quan điểm đồng tình với cơ quan Cảnh sát Điều tra về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Minh vì hành vi của ông Minh có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản, cũng có quan điểm cho rằng đây là giao dịch dân sự trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Để xác định rõ bản chất của vụ việc, cần phải tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến giao dịch dân sự và tội cưỡng đoạt tài sản.
Điều 121 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Một giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi các bên tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức của xã hội.
Đối chiếu vào các quy định nêu trên, sẽ xác định rõ bản chất vụ việc con ruồi trong chai nước ngọt.
Ông Minh phát hiện có con ruồi trong chai nước Number One, ngay sau đó, ông đã liên hệ với Công ty Tân Hiệp Phát để đặt vấn đề “doanh nghiệp phải đưa 1 tỷ đồng”, và đe dọa nếu không chấp nhận thì sẽ tung tin ra ngoài gây bất lợi cho uy tín của doanh nghiệp.
Hành vi đặt vấn đề của ông Minh ngay từ đầu không phải nhằm mục đích đưa ra một giao kết dân sự đơn thuần, mà mục đích là đòi nhận số tiền một tỷ đồng.
Kế tiếp, xét đến việc tự nguyện khi tham gia giao dịch, rõ ràng ở đây Công ty Tân Hiệp Phát đang rơi vào tình thế bị cưỡng bức, buộc phải làm việc với ông Minh để giải quyết vấn đề uy tín thương hiệu.
Vì vậy, không thể có sự tự nguyện trong giao dịch này. Yếu tố còn lại cần xét là nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức của xã hội.
Trong vụ này, việc đe dọa uy tín của một doanh nghiệp để buộc họ phải trao số tiền 500 triệu đồng không thể được coi là nội dung phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
Với những lập luận như vậy, thật khó để khẳng định việc ông Minh đòi 500 triệu đồng là một giao dịch dân sự.
Khi phát hiện chai nước ngọt chưa khui có ruồi bên trong, ông Minh có quyền khiếu nại về chất lượng sản phẩm.
Trong trường hợp cần thiết, nếu doanh nghiệp không có lý giải cụ thể có thể, mời bên thứ ba vào kiểm nghiệm tìm nguyên nhân sự việc.
Theo quy định tại Điều 135 của Bộ luật Hình sự 1999, một người bị coi phạm tội cưỡng đoạt tài sản khi người đó đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, hành vi uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi uy hiếp người bị hại về danh dự, uy tín, tài sản nếu họ không thỏa mãn các yêu cầu về tài sản cho người phạm tội.
Đây là hành vi nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho đối tượng bị đe dọa và xã hội.
Do đó, pháp luật không quan tâm đến việc người phạm tội đã thành công trong việc lấy tiền từ đối tượng bị đe dọa hay chưa, mà chỉ cần có các hành vi đe dọa nêu trên thì đã bị xem là phạm tội.
Với những cấu thành của tội phạm được nêu trên, có thể thấy hành vi của ông Minh có dấu hiệu của tội phạm cưỡng đoạt tài sản.
Tuy nhiên, để xác định việc ông Minh có phạm tội hay không cần phải có kết luận từ cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở hồ sơ cụ thể vụ án và quy định pháp luật.