'Vốn điều lệ 500 tỷ đồng, VAMC giải quyết nợ xấu bằng cách nào?'

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, số vốn điều lệ 500 tỷ đồng thì công ty quản lý tài sản quốc gia khó có thể giải quyết món nợ xấu 500.000 tỷ đồng.

Trao đổi về vấn đề thực trạng nợ xấu ở Việt Nam trong khuôn khổ buổi lễ công bố Báo cáo thương niên kinh tế Việt Nam 2013 do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào sáng 27/5, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, thực tế nợ xấu ở tất cả các nước đều luôn luôn không xác định được rõ.

"Các ngân hàng thương mại ở các nước đều muốn giấu con số nợ xấu thật không bao giờ tự nguyện nói thật hết tất cả. Ở Việt Nam cũng vậy, vì thế muốn giải quyết nợ xấu phải có một bộ máy giám sát hết sức rõ ràng. Thứ hai là các ngân hàng chưa có kinh nghiệm xử lý nợ xấu vì vậy vẫn rất cần vai trò của công ty giải quyết nợ xấu, vai trò của cơ quan nhà nước", TS Doanh nói.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Đánh giá về khả năng giải quyết nợ xấu của Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) được ra đời theo Nghị định 53 của Chính phủ và hoạt động từ ngày 9/7/2013 nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, TS Lê Đăng Doanh bày tỏ sự quan ngại về khó khăn khi vốn của VAMC quá ít so với món nợ xấu với con số rất lớn hiện nay.

"Món nợ của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 1,3 triệu tỷ vẫn nằm đó. Hệ thống ngân hàng, nợ xấu như vậy, nhưng công ty quản lý tài sản quốc gia với số vốn chỉ 500 tỷ đồng liệu có giải quyết được cục nợ 500.000 tỷ đồng không (?) và trong thời gian bao lâu. Việc đó, nó cũng liên quan đến rất nhiều cơ chế phức tạp, mua bán, sổ sách nào rồi ra làm sao... 

Hiện nay, đã có cơ chế phát hành trái phiếu đặc biệt cùng với đó Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại trái phiếu đó, làm sạch sổ sách nhưng sau 5 năm nếu các ngân hàng đó không giải quyết được thì lúc đó khoản nợ đó lại tăng lên. Vì thế, thủ thuật làm sạch sổ sách này rất hấp dẫn nhưng chỉ trong ngắn hạn chứ không phải dài hạn", TS Doanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhận định về việc thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC), TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là bước ban đầu để giải quyết khối nợ xấu khổng lồ hiện nay.

"Công ty quản lý tài sản quốc gia chỉ là một bước ban đầu, để giải quyết khối nợ xấu khổng lồ hiện nay và chúng ta cần biện pháp hỗ trợ nhiều hơn nữa cho dự án này. 

Phải hình thành thị trường mua bán nợ, khơi thông nguồn lực, ai sẽ là người mua lại nợ xấu và mua ở những người đang có khoản nợ xấu. Một điều quan trọng nữa là phải hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế, cho doanh nghiệp để tự họ có thể hồi sinh và việc đó không phụ thuộc thuần tuý vào công ty mua bán nợ này", TS Thành bày tỏ.

PGS.TS Võ Ðại Lược, Tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tỏ ra chưa tin tưởng vào giải pháp xử lý nợ xấu hiện nay vì theo kinh nghiệm thế giới, chi phí có thể lên đến 50% GDP nhưng Việt Nam chưa tính đến hậu quả này. 

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị báo cáo cần tập trung nhấn mạnh tính cấp thiết cần xử lý nợ xấu đặt trong mối quan hệ với doanh nghiệp Nhà nước. 

"Phải chấp nhận xiết nợ, bán tài sản nợ, tạo khung pháp lý để thay đổi, kích hoạt thị trường mua bán nợ. Cái giá phải trả có thể lên đến 50% GDP và chấp nhận phá sản hàng loạt ngân hàng",TS Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Còn Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cũng nhấn mạnh, để giải quyết nợ xấu cần phải có tiền thật và tiền ở đây là từ ngân sách hoặc là phải in tiền.

"Hoặc là tiền ngân sách hoặc là phải in tiền chứ chúng ta không có còn đường thứ 3 nào khác. Nếu mà ngân sách không có tiền thì việc in tiền thì rủi ro như thế nào thì phải được đánh giá cho đúng", TS Nghĩa nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại