Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) từng chia sẻ: "Buổi trưa tôi ăn cơm với các anh em công nhân cán bộ, chiều làm mẩu bánh mì với chút rau cỏ là xong.
Cá, bò, lợn, dê tôi nuôi lấy để giúp các anh em đỡ đói. Nhưng tôi chỉ mong có tiền để làm ra cái xe do chính tay người Việt Nam sản xuất".
Qua những lời đó hẳn ai cũng thấy được sự tâm huyết của ông Huyên trên con đường hiện thực hóa giấc mơ "ô tô Made in Việt Nam".
Ông từng nói, nếu muốn giàu, muốn có lợi nhuận cao thì phải đầu tư vào lắp ráp ô tô nhưng chính ông lại chọn con đường "chông gai" là nghiên cứu và sản xuất ô tô chứa đựng nhiều rủi ro.
Bán nhà máy vì ngập trong nợ nần
Mới đây, Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Kiên ký đã gửi tới một số ngân hàng, cơ quan an ninh kinh tế và các chủ nợ của doanh nghiệp này,... ghi rõ việc bán nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ cho ngân hàng và các tổ chức cá nhân.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Vinaxuki nhận được các thông báo nợ của các nhân hàng và các tổ chức.
Hiện tất cả tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho tất cả các ngân hàng và tổ chức, cá nhân bao gồm quyền sử dụng đất, nhà xưởng và máy móc thiết bị,...
Những tài sản trên đang trong thời gian chuyển nhượng, bán để trả nợ theo cam kết của hội đồng quản trị Vinaxuki.
Theo tìm hiểu, hiện tại, tổng nợ của Vinaxuki đã lên tới 1.618 tỷ đồng. Trong đó nợ vay tại BIDV là 763 tỷ đồng, tại VIB là 53 tỷ đồng.
Các khoản nợ tại Vietinbank (159 tỷ đồng) và tại Vietcombank (643 tỷ đồng) đã được các ngân hàng này bán cho VAMC.
Trước đó, ông Bùi Ngọc Huyên đã gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi để xin vay vốn phát triển sản xuất ô tô Made in Việt Nam.
Đặc biệt, ông Huyên còn "cầu cứu" đến Thủ tướng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho công ty vay gần 1.000 tỷ đồng để chuyển trả cho các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, mọi phương án của Vinanxuki đều bị từ chối.
Các ngân hàng đều "ngoảnh mặt" và cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinaxuki còn khó khăn, phương án sản xuất kinh doanh, trả nợ chưa khả thi nên việc tiếp tục cho Vinaxuki vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh là không thể.
Quyết định này từ phía ngân hàng là điều dễ hiểu bởi các ngân hàng cho vay cũng phải tính sự khả thi của dự án.Vinaxuki có thừa sự tâm huyết nhưng lại không chứng minh được điều đó.
Nói về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Huyên than thở cho biết đã hơn 3,5 năm nay ngân hàng không cho Vinaxuki vay vì phía ngân hàng cũng phải đi vay và phải cho vay ngắn hạn, nếu như cho vay đầu tư công nghệ hiện tại thì rủi ro lớn.
"Năm 2014, thị trường ô tô tăng trưởng đến 43%, ngân hàng nói rằng thừa rất nhiều tiền, nhưng lại không cho chúng tôi vay vốn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lắp ráp với nhập xe nguyên chiếc, họ được vay thoải mái có khi lên tới 500-700 tỷ đồng", ông Huyên nói.
Ô tô Made in Việt Nam - Mãi là giấc mơ!
Chia sẻ tại một tọa đàm của Bộ Công Thương mới đây, ông Bùi Ngọc Huyên nói: "Trước đây không ai nghĩ Việt Nam có thể làm được ô tô.
Ô tô lắp ráp dễ làm và lãi nhiều, trong khi vốn đầu tư không lớn. Chúng tôi đã từng lắp ráp và có lãi lớn.
Tuy nhiên, từ năm 2009, khi Thủ tướng yêu cầu kích cầu, tăng cường sản xuất trong nước tạo đà cho ngành công nghiệp ô tô nội địa tăng trưởng".
Ông Huyên cho rằng, việc tăng cường sản xuất ô tô là đúng đắn khi Việt Nam có quỹ dân số hơn 90 triệu người, nhu cầu dùng ô tô lớn. Về tương lai ngành công nghiệp ô tô có thể tăng trưởng cao.
"Chúng tôi có 930 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, xe tự chế. Tổng tài sản cũng đạt 3.200 tỷ đồng. Tôi đã bán 5000m2 đất để nuôi công nhân rồi.
Chúng tôi thực sự làm là vì nhà nước, vì ngành ô tô Việt Nam mặc dù chúng tôi có thể lắp ráp và lãi hơn thế nhiều lần", ông Huyên chia sẻ.
Có lẽ Vinaxuki đã quá "phiêu" với giấc mơ ô tô Việt dẫn đến phải nhận quả đắng phải bán cả nhà máy để trả nợ.
Tuy nhiên, ông Huyên khẳng định sẽ không từ bỏ giấc mơ sản xuất ô tô Việt Nam: "Tài sản của Vinaxuki hiện giờ kiểm toán có giá trị 3.200 tỷ, nếu bán một nửa cổ phần tôi sẽ có đủ tiền để trả hết nợ ngân hàng.
Phần tiền còn lại, tôi sẽ tập trung đầu tư để nhà máy có thể hoạt động trở lại".
Theo lộ trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam sẽ về 0%.
Khi đó ô tô từ các cường quốc như: Thái Lan, Indonexia...giá rẻ sẽ tràn qua Việt Nam.
Đó là còn chưa kể, về lâu dài khi các FTA được kí kết thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhiều khả năng bị "xóa sổ" hay nói cách khác là sẻ rẽ hẳn sang hướng nhập khẩu là chủ yếu.
Mặc dù phải lần lượt bán đất, bán nhà máy, thế chấp tài sản...để nuôi giấc mơ sản xuất ô tô Việt Nam, tinh thần đó thật hiếm có và đáng khen cho Vinaxuki.
Tuy nhiên, với cơ chế và chính sách như hiện tại nếu như không có thay đổi ...thì ô tô "Made in Việt Nam" mãi chỉ là một giấc mơ trưa!