Mới đây, Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (TP. Hòa Bình) phải trả cước dịch vụ viễn thông cho Cty Vinaphone cao bất thường và đã gửi những thắc mắc đến bản báo. Điều này cho thấy hệ thống tính cước của Vinaphone có nhiều “vấn đề” – như một khuyến cáo cần lý giải với gần 30 triệu thuê bao điện thoại của Vinaphone.
Dùng điện thoại suốt ngày đêm?
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (số nhà 48 Bờ Vi,TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) dùng dịch vụ điện thoại của Vinaphone – hình thức thanh toán cước trả sau. Chị Hiền nhận được thông báo thanh toán cước viễn thông của 2 kỳ cước tháng 11.2013 và tháng 1.2014 với số tiền 1.535.522 đồng. Giật mình về số tiền phải thanh toán cho Vinaphone tăng cao bất thường, chị Hiền đã gửi đơn khiếu nại về việc thanh toán cước viễn thông, đồng thời đề nghị báo xác minh, bảo vệ quyền lợi cho chị.
Trong đơn chị Hiền viết: “Qua kiểm tra tôi thấy 1 tháng có 30 ngày, 1 ngày có 24 giờ thì giờ nào, ngày nào tôi cũng vào mạng từ 00 giờ đến 23 giờ, đồng nghĩa với việc tôi sử dụng điện thoại, truy cập mạng liên tục, suốt ngày đêm?”
Chị Hiền bức xúc: “Tôi là phụ nữ đã lớn tuổi, có 2 con đang ở độ tuổi ăn học, tôi phải đi làm xa nhà hơn 60 km. Một ngày tôi dành 4 tiếng đi đường, buổi trưa ăn cơm tại cơ quan, 19 giờ tôi có mặt tại nhà lo công việc gia đình và dạy các con học. Thử hỏi tôi vào mạng lúc nào mà hệ thống cước của Vinaphone kê chi tiết cước lại phản ánh thời gian vào mạng của tôi kín trong 1 ngày, kín trong 1 tháng?”.
Trước những thắc mắc của chị Hiền, ngày 24.2 Trung tâm viễn thông thành phố Hòa Bình có văn bản giải thích rằng: “…Về cước GPRS khách hàng sử dụng máy có phần mềm Smartphone, sau mỗi lần truy cập giữ liệu khách hàng không tắt 3G, vì vậy cước truy cập GPRS sử dụng gói M0 được tính với giá là 75đồng/50Kb, khách hàng đã sử dụng kịch trần gói M0 là 500.000đồng/tháng…”. Trước những lời giải thích “bùi tai” này, chị Hiền đã thanh toán cước theo yêu cầu của Vinaphone.
Một truy cập dữ liệu bị tính cước nhiều lần
Trao đổi thông tin về vụ việc này, ông Đoàn Xuân Hợp (phó trưởng phòng kinh doanh Cty Vinaphone) khẳng định: “Vinaphone không tính sai cước cho khách hàng”.
Chị Hiền đã “bùi tai” và nộp tiền cước viễn thông cho Vinaphone. Tuy nhiên, cần đặt dấu hỏi về hệ thống tính cước của Vinaphone. Cụ thể: Cùng 1 ngày, cùng 1 thời điểm gọi (trùng giờ, trùng phút, trùng giây) mà hồ sơ tính cước của Vinaphone lại tính cho chị Hiền 2,3 lần tiền cước truy cập dữ liệu? Xin dẫn chứng một trường hợp trong hàng trăm trường hợp trong hồ sơ tính cước cho chị Hiền: Ngày 11.12.2013, vào lúc 10 giờ 17 phút 40 giây, hồ sơ tính cước thể hiện chị Hiền truy cập giữ liệu hết 2174 Kb, tiền cước hết 3.000,008 đồng; lặp lại lần 2, cũng ngày, giờ, phút, giây nói trên hệ thống tính cước ghi thêm thời gian truy cập là 40Kb với tiền cước là 68,182 đồng; và lặp lại lần 3 – cũng ngày, giờ, phút, giây ấy, hệ thống tính cước ghi thêm thời gian truy cập là 142Kb, với số tiền cước là 204,246 đồng (?)
Nghiêm trọng hơn là hệ thống tính cước “làm việc” kiểu nêu trên (một lần truy cập dữ liệu có 3 lần bị tính cước) không ngừng nghỉ, lặp đi, lặp lại suốt cả tháng 12.2013 sang cả tháng 1.2014, làm cho giá cước viễn thông tính cho chị Hiền đội lên quá cao. Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực cước viễn thông thì Vinaphone phải nghiêm túc xem xét lại “lỗi” trong hệ thống tính cước, thông báo cước của mình. Không những thế, cần phải chỉ ra được tại sao các bản ghi cước "lặp" đi “lặp” lại như vậy, liệu đó có phải các phiên truy cập khác nhau hay là cùng một phiên truy cập?
Hiện nay, Vinaphone có khoảng 30 triệu thuê bao điện thoại, điều này khiến khách hàng nghi ngờ về tính chính xác của các hóa đơn cước hàng tháng. Như vậy thì làm cách nào khách hàng có thể biết được số tiền cước mà họ phải đóng hằng tháng là đúng và đủ. Và nữa, đối với khách hàng dùng dịch vụ viễn thông trả trước, Vinaphone có thể khẳng định là hệ thống trừ cước trả trước có chính xác hay không? Hệ thống tính cước có thể có lỗi về kỹ thuật, nhưng kỹ thuật do con người tạo ra, vì vậy không thể không xem xét đến sự ”gian lận”, hay nói cách khác là yếu tố chủ quan… của con người?