Cụ thể, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA), đơn vị này sẽ dừng khai thác dòng máy bay ATR từ năm 2016.
Kiến nghị chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn loại máy bay trên đã được VNA và đối tác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, nhằm tăng cường đội bay cho ngành hàng không, VNA và BIDV đã chủ trì thành lập Công ty CP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) với nhiệm vụ chính là mua và cho thuê các máy bay để tăng cường số lượng máy bay thuộc sở hữu của Việt Nam.
Hiện nay, VALC đang vận hành khai thác 2 dự án máy bay cho VNA thuê bao gồm: 5 máy bay ATR72-500 và 10 máy bay A321-200.
Trong đó, dự án đầu tư 5 máy bay ATR72-500 của VALC cho VNA thuê lại là dự án nằm trong Đề án phát triển đội bay của VNA, VALC đến năm 2020.
Năm 2010, VALC đã tiếp nhận thành công và bàn giao toàn bộ máy bay cho VNA thuê. Hợp đồng cho thuê máy bay giữa VNA và VALC có thời hạn gần 12 năm.
Tuy nhiên, VNA cho biết hầu hết các sân bay đã được nâng cấp để đón các máy bay phản lực, việc khai thác dòng máy bay ATR trở nên kém ưu thế.
Do đó, VNA đã có công văn đề nghị VALC xem xét chấm dứt hợp đồng thuê 5 máy bay ATR.
Ngày 18.12.2015, VALC có văn bản trả lời thống nhất chủ trương chấm dứt trước hạn hợp đồng. Tuy nhiên, VNA phải bồi thường các thiệt hại phát sinh do chấm dứt trước hạn và tạo cơ hội kinh doanh mới cho VALC.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, VNA và BIDV cho biết:
"Do các ảnh hưởng của việc chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê đến quyền lợi và uy tín của các bên liên quan. VNA và BIDV với tư cách là hai cổ đông lớn của VALC đã trao đổi và thống nhất phương án chấm dứt trước hạn hợp đồng thuê của VNA".
Hai đơn vị này đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VALC và VNA phối hợp xử lý phương án chấm dứt hợp đồng thuê theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT hướng dẫn VALC thủ tục bán 5 máy bay ATR72-500 để trả nợ thuế trước hạn các tổ chức tín dụng xuất khẩu.
Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, VNA cũng cho biết đơn vị này đã báo cáo và được Bộ GTVT phê duyệt việc dừng khai thác dòng máy bay ATR từ năm 2016 theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, trong Quyết định 4403/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch trên, ở phần định hướng và khai thác đội tàu bay đến năm 2020 có nội dung:
"Chuyển giao đội tàu bay AT7 cho công ty cổ phần bay dịch vụ được thành lập mới trong năm 2016 thuê và khai thác".
Nội dung trên cũng được VNA nhắc đến trong công văn gửi Bộ GTVT báo cáo việc cùng Techcombank "góp vốn" thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần.
Cụ thể, VNA cho hay "việc góp vốn thành lập hãng hàng không trên cơ sở sắp xếp lại VASCO, chuyển giao đội tàu bay ATR72 cho hãng hàng không mới thuê khai thác đã được tổng công ty tính toán trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và đã được Bộ GTVT phê duyệt".
Theo kế hoạch kể trên, hai công ty con của Techcombank sẽ đổ khoảng 147 tỷ đồng tương ứng với 49% vốn điều lệ để cùng VNA thành lập Công ty CP Hàng không VASCO.