Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) lại tiếp tục có đề xuất lần thứ hai xin Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chấp thuận cho hãng cùng một số đối tác là các nhà đầu tư Việt Nam có năng lực và kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không tham gia nhượng quyền, quản lý và khai thác toàn bộ nhà ga T1-Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần hàng không Vietjet, hiện nay, Vietjet đang tích cực xây dựng Đề án "Nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách T1-Nội Bài" để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian sớm nhất.
"Trong quá trình thực hiện, Vietjet cam kết sẽ thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy định, thủ tục của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không; quản lý việc cung cấp đầy đủ dịch vụ đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch và bình đẳng tại nhà ga hành khách T1-Nội Bài", ông Hà khẳng định.
Nhằm phục vụ công tác xây dựng đề án, Vietjet đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho phép nhà đầu tư được tiếp xúc, làm việc, thu thập các thông với cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietjet Air cung cấp)
Trước đó, vào ngày 4/2 vừa qua, Vietjet cũng đã có báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép Công ty được nhượng quyền khai thác toàn bộ nhà ga hành khách T1-Nội Bài trong thời gian 20 năm.
Ngay sau khi Vietjet có đề xuất nhượng quyền khai thác nhà ga T1-Nội Bài lần đầu tiên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã nhanh chóng có động thái khi lập tức đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng xin mua nhà ga hành khách T1-Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài để quản lý điều hành và sử dụng phục vụ cho hành khách, chuyến bay đi/đến (quốc nội) sân bay Nội Bài.
Theo ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines, việc mua nhà ga T1 sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trực tiếp được giao quản lý sử dụng tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga đồng thời quản lý và chịu trách nhiệm khai thác phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong ga để nâng cao chất lượng, dịch vụ, thuận lợi cho hành khách.
Đề cập đến phương thức mua, ông Thanh cho rằng, Tổng công ty được chỉ định mua trực tiếp nhà ga T1 định giá theo các quy định hiện hành.
Vietnam Airlines sẽ huy động vốn của mình, các doanh nghiệp có vốn đóng góp đồng thời với việc huy động vốn của các doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài.
Sau khi Vietjet Air, Vietnam Airlines đề xuất nhượng hoặc mua lại quyền khai thác nhà ga T1-Nội Bài, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất mua Cảng hàng không Phú Quốc thì mới đây, Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines là nhà đầu tư mới nhất chính thức xin tham gia nhượng quyền khai thác nhà ga cũ tại sân bay Đà Nẵng trong 20-50 năm để phục vụ hàng không giá rẻ theo chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không của Bộ Giao thông Vận tải.