Chiến lược kinh doanh sai lầm
Quốc Cường Gia Lai (QCGL) nhà Cường Đôla được thành lập năm 1994 với tên gọi xí nghiệp tư doanh Quốc Cường, lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu; mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê; xuất nhập khẩu phân bón, với hơn 500 lao động.
Năm 2005, xí nghiệp tư doanh Quốc Cường liên kết với xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh và bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản tại TP. HCM, với 2 dự án điển hình là khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 và Hoàng Anh 2.
Đến ngày 21/3/2007, xí nghiệp tư doanh Quốc Cường chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng. Từ thời điểm này, QCGL được biết đến như một doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong đó bất động sản vẫn là lĩnh vực chủ lực.
Sau khi chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản, QCGL liên tục tăng vốn để đổ vào lĩnh vực đòi hỏi nguồn tiền mặt dồi dào.
Cụ thể, từ 332 tỷ đồng năm 2009 tăng lên 1.215 tỷ đồng trong năm 2010 (tăng gần 3 lần trong vòng 1 năm). Sau đợt chuyển đổi trái phiếu phát hành riêng lẻ cho VinaCapital Vietnam Fixed Income Fund Ltd, vốn điều lệ của QCGL đã tăng lên 1.270 tỷ đồng.
Thậm chí, doanh nghiệp còn tiến hành hợp tác đầu tư với các đối tác chiến lược để triển khai các dự án chung cư, văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn, khu thương mại cao cấp và trung cấp.
Ngoài bất động sản, doanh nghiệp này còn “ôm đồm” nhiều dự án không thuộc sở trường. Điển hình là việc đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy điện. QCGL đang thực hiện 4 dự án thủy điện gồm: Iagrail I, Iagrail 2, Ayuntrung và Plekeo.
Mặc dù đã chủ động thực hiện chậm lại nhưng QCGL vẫn phải triển khai các việc đo vẽ, đền bù và hoàn tất thủ tục giấy phép đầu tư cho 4 công trình thủy điện. Đây là vấn đề nan giải, bởi đây là lĩnh vực đầu tư đặc thù nên phần lớn các dự án thủy điện thường khan hiếm nhân lực trong giai đoạn đầu tư và xây dựng.
Trong khi đó, gặp phải mùa mưa nên việc xây dựng hết sức khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nhập khẩu máy móc, nếu không địa phương sẽ thu hồi dự án. Vì lý do này, QCGL vẫn phải thường xuyên dồn vốn vào các dự án thủy điện dù chấp nhận đi vay.
Nghèo đi trông thấy
Từ một doanh nghiệp mạnh, được xếp vào danh sách chỉ số VN30 - là chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu có vốn hóa và tính thanh khoản tốt nhất thị trường, nhưng nhiều năm liền Quốc Cường Gia Lai liên tục lâm vào vòng xoáy lỗ nặng.
Theo báo cáo tài chính năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã thua lỗ 39,83 tỷ đồng. Tiếp tục, trong quý 1, 2, 3 của năm 2012, Công ty này đã liên tục hứng chịu thua lỗ. Tính chung lũy kế trong cả 9 tháng đầu năm, công ty này đã lỗ 2,64 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai cũng sụt giảm một cách đáng lo ngại. Tính đến ngày 1/8/2013, giá cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai chỉ dao động ở mức 7000 đồng/cổ phiếu.
Thậm chí, ngày 11/4/2012, Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai vào diện cảnh báo.
Sự "nghèo" còn hiện rõ khi mới đây, QCGL cũng đã thoái vốn của 2 công ty con là Nhà Hưng Thịnh (QCGL nắm 90% vốn) và Nhà Quốc Cường (90% vốn). Sau đợt thoái vốn, QCGL chỉ còn nắm vốn ở 5 công ty con và 3 công ty liên kết.
Bà Nguyễn Thị Như Loan và con trai Nguyễn Quốc Cường thời còn "huy hoàng" Cũng chính vì chiến lược kinh doanh sai lầm, công ty nghèo đi trông thấy nên trụ sở của công ty cũng được chuyển về nhà riêng của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.
“Bây giờ đất trung tâm của Quốc Cường Gia Lai có nhiều, nhưng không có tiền xây. Chẳng lẽ vì văn phòng làm việc của công ty lại đi vay để trả lãi là điều không thể. Thôi thì khi nào thị trường tốt lên mình bán được bất động sản, thì Quốc Cường Gia Lai sẽ xây trụ sở và trả nhà lại cho tôi” - Bà Loan than thở.
Cũng theo bà Loan, giờ mỗi ngày, bà đều thấy tiền ra đi. Mỗi tháng công ty phải trả lãi vay tương đương vài căn hộ.
"Mình bất tài thì biết làm sao! Thị trường giờ khó khăn lắm, rất đau đầu. Thôi thì cứ cố gắng, lạy trời cho qua khó khăn này” - Bà Loan nói.
Còn riêng ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai, tính đến cuối tháng 7/2013, chỉ còn giữ 537.500 cổ phiếu QCG, tương đương khoảng…3,8 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu ngày 1/8 là 7.000 đồng/cổ phiếu).
“Ông già Warrent Buffett quả là gừng càng già càng cay! Đối với ông này mình thấy sao mình nghèo quá! Phấn đấu...” - Phó Tổng GĐ Quốc Cường Gia Lai than vãn trên facebook của mình.
Mặt khác, với tỷ lệ sở hữu vốn của Cường đôla ở mức 0,41%, đại gia này chỉ kiếm được vẻn vẹn 3,5 triệu đồng/tháng trong quý I/2013.