Cao ốc phá quy hoạch
Đô thị mới Linh Đàm tự hào là kiểu mẫu với sự đầu tư khá đồng bộ hạ tầng và được hưởng một không gian mặt nước hiếm có.
Thế nhưng, trong nhiều năm liền, sự gia tăng xây dựng cao ốc ở đây vượt quá quy hoạch ban đầu trong khi hạ tầng không được đầu tư thêm.
Hàng loạt tòa nhà đã hoàn thiện, hàng chục ngàn người dân về ở khiến áp lực ngày càng tăng cao.
Hiện nay, dân số tại khu đô thị đang tăng lên từng ngày. Chỉ tính riêng các dự án cao ốc đang xây dựng thì Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm dự kiến sẽ đón nhận thêm vài chục nghìn cư dân mới.
Khu đô thị Linh Đàm của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) từng một thời được công nhận là đô thị kiểu mẫu với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng, xen giữa là thảm cỏ, vườn hoa, đường nội bộ rợp bóng cây.
Từ năm 2009 quy hoạch này từng bước bị băm nát khi hàng chục tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên xen lẫn với những khu nhà cũ do HUD xây dựng trước đây.
Trong đó, không ít tổ hợp chung cư hiện nay vốn có chức năng nhà văn phòng đã được chuyển đổi thành nhà ở.
Hiện nay, việc phát triển nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ, xây cao tầng,… khiến mật độ cư dân tại khu đô thị Linh Đàm tăng mạnh. Nhiều dự án sau khi sang tên đổi chủ thì được chuyển đổi sang chức năng chung cư, đồng thời chiều cao cũng được nâng lên.
Mới đây, một loạt toà chung cư từ 36 – 41 tầng với hàng nghìn căn hộ. Bên cạnh đó, nhiều dự án chung cư giá rẻ của BIC Việt Nam, dự kiến cũng sẽ hoàn thiện trong thời gian tới.
Ngay cửa ngõ Linh Đàm, khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ cũng gây áp lực lớn về giao thông đô thị. Trước đây, dự án này được quy hoạch cho khoảng 4.800 người ở, sau điều chỉnh quy mô dân số đã tăng lên 10.550 người.
Nguyên nhân của việc dân số khu vực này tăng đột biến do thời kỳ khó khăn của thị trường bất động sản, việc các dự án xin phép điều chỉnh, chia nhỏ các căn hộ có diện tích lớn thành các căn hộ có diện tích nhỏ.
Bên cạnh việc có lợi cho chủ đầu tư và cả người dân có nhu cầu chính đáng về nhà ở phù hợp với thu nhập thì chính việc điều chỉnh này lại bị xem là nguyên nhân dẫn tới phá vỡ quy hoạch, tạo áp lực lớn tới hạ tầng cơ sở tại khu vực.
Quy mô dân số tăng vọt khiến hạ tầng giao thông tại khu đô thị Linh Đàm trở nên quá tải. Khu đô thị kiểu mẫu giờ trở thành nỗi ám ảnh của không ít người dân.
“Nút thắt cổ chai”
Là tuyến giao thông trọng điểm, đường Nguyễn Hữu Thọ, nối Linh Đàm tới cửa ngõ của Hà Nội luôn trong tình trạng ùn tắc vào mỗi giờ cao điểm buổi sáng, chiều tối.
Đây là tuyến giao thông trọng điểm, mỗi ngày có hàng vạn lượt phương tiện từ Mỹ Đình, Thanh Xuân, Hà Đông, đường vành đai 3 qua Linh Đàm đổ ra, từ cửa ngõ phía nam Thủ đô đi vào khiến “nút cổ chai” ách tắc bất cứ lúc nào.
Đặc biệt mỗi khi có tàu hỏa chạy qua, các loại phương tiện ùn ứ kéo dài cả km. Một số người dân ở đây phản ánh, tình trạng ách giao thông thường xuyên xảy ra vào buổi sáng và chiều tối hàng ngày.
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội ban hành hai Quyết định thu hồi đất tại xã Hoàng Liệt (nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) giao Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư để xây dựng khu đô thị Linh Đàm.
“Nút cổ chai” tiếp giáp đường Giải Phóng nằm trong dự án đường quanh hồ Linh Đàm giai đoạn 1.Hàng chục năm qua, việc giải tỏa “nút cổ chai” Linh Đàm vẫn chưa tìm được sự đồng thuận.
Dự án giao thông khác là tuyến đường ven hồ Linh Đàm có mặt cắt ngang rộng 13,5m đấu nối với đường gom của đường Vành đai 3 và đường phân khu vực ở phía Nam đã được quy hoạch vẫn chưa thể thực hiện.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai, cho biết, quy hoạch đã có gần 11 năm. Tuy nhiên, dự án đường giao thông ven hồ đến nay chưa thể thực hiện được là bởi chưa có chủ đầu tư.
Tất cả giao thông khu vực Linh Đàm đang đè nặng lên con đường Nguyễn Hữu Thọ, chính vì thế hiện tượng tắc đường là chuyện tất yếu.