Vay trả góp tại điểm bán: Thận trọng!

Nếu không cân nhắc việc trả nợ thì người vay tiền tại điểm bán sẽ phải trả lãi, phí cao ngoài ý muốn.

Cho vay tại điểm bán là hình thức cho vay tiêu dùng ở nhiều cửa hàng kinh doanh mà gần đây các tổ chức tín dụng đang mở rộng. Tuy nhiên, người tiêu dùng dù cần tiền để mua sắm sản phẩm, vật dụng cần thiết như xe máy, điện thoại, máy tính bảng… nhưng cần phải cân nhắc vì các dịch vụ này luôn có lãi suất rất cao.

Vay trả góp tại điểm bán: Thận trọng!
Cho vay tiêu dùng tại điểm bán đang nở rộ nhưng lãi suất lại rất cao Ảnh: Hồng Thúy

Đủ chiêu "dụ" khách

Tại hầu hết các trung tâm điện máy, điện thoại, cửa hàng kinh doanh xe máy trên địa bàn TP HCM hiện nay xuất hiện dày đặc dịch vụ cho vay trả góp, nhân viên tư vấn với số tiền vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Thấy bảng treo cho vay trả góp lãi suất thấp nhất chỉ 1,49% của Công ty Tài chính Việt (SGVF), chúng tôi ghé vào một cửa hàng kinh doanh điện máy trên đường Kinh Dương Vương (quận 6). Nhân viên ở đây tư vấn: "Nếu mua 2 máy lạnh hiệu Panasonic với giá 19 triệu đồng thì khách chỉ cần thanh toán trước khoảng 30% (trên 5,7 triệu đồng). Số tiền còn lại nếu góp trong vòng 6 tháng phải đóng lãi trên 2%/tháng".

Chúng tôi thắc mắc vì sao lãi suất cao hơn so với thông tin trên bảng, nhân viên này yêu cầu chúng tôi đợi người của "ngân hàng" đến tư vấn. Anh ta còn trấn an: "Anh, chị muốn mua hàng thì kiểu gì cũng được vay tiền, cứ yên tâm".

Tiếp tục ghé qua FPT Shop trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6), chúng tôi được nhân viên tại đây giới thiệu dịch vụ vay trả góp từ Công ty Tài chính PPF Việt Nam (thương hiệu Home Credit). "Vay mua điện thoại thì lãi suất 2%/tháng, mua máy tính bảng lãi thấp hơn một chút. Khách hàng không cần phải chứng minh thu nhập, không thế chấp tài sản mà chỉ cần có CMND là được" - cô nhân viên tên Vy nói.

"Chúng tôi liên kết với nhiều tổ chức tín dụng: SGVF, PPF, ANZ, HSBC… để khách hàng vay ngay tại điểm bán hàng. Các mặt hàng thường cho vay là tivi LCD, tủ lạnh, máy giặt, dàn máy hàng hiệu, nội thất cao cấp... Tùy theo các đối tác mà lãi suất khác nhau" - đại diện Trung tâm Điện máy Thiên Hòa cho biết.

Lãi suất quá cao

Tại một cửa hàng kinh doanh xe máy gần góc ngã tư Nguyễn Tri Phương - An Dương Vương (quận 5), với ý định mua xe trả góp, chúng tôi được nhân viên kinh doanh giới thiệu vay tiền từ 1 ngân hàng. Nhân viên này đưa cho chúng tôi miếng giấy ghi chi tiết: Một chiếc xe Air Blade của Honda, giá bán 41,5 triệu đồng, ngân hàng chỉ cho vay theo giá gốc là 38 triệu đồng.

Lẽ ra chúng tôi được vay 70% giá trị xe (khoảng 26 triệu đồng) nhưng "do số điện thoại cố định tại nhà là của Viettel" nên chỉ vay trong khoảng 24 triệu đồng. Nếu góp trong vòng 9 tháng, mỗi tháng chúng tôi phải trả lãi và vốn 3,373 triệu đồng (lãi suất 2,95%/tháng, tương đương trên 35%/ năm). Tuy vậy, chúng tôi chỉ được lấy giấy tờ gốc của xe khi thanh toán hết nợ.

Tìm hiểu trên trang web của SGVF, chúng tôi được biết công ty này có sẵn bảng tính tiền vốn và lãi minh họa cho khách hàng muốn vay trả góp. Thử chọn vay gói 20 triệu đồng, thanh toán trước 30% (nghĩa là vay chỉ 14 triệu đồng), thời hạn 6 tháng thì mỗi tháng, chúng tôi phải trả trên 2,7 triệu đồng cả lãi và vốn. Như vậy, lãi suất trung bình là 2,62%/tháng (trên 30%/năm). Cũng với số tiền đó, nếu vay 12 tháng thì lãi suất lên 2,73%. Điều đáng nói là tùy theo giới tính, độ tuổi và nghề nghiệp mà mức lãi suất người vay phải trả chênh nhau khoảng vài phần trăm nhưng hầu hết có mức cao ngất.

Nói về lãi suất và phí chịu phạt nếu trả trước hạn, ông Friedrich Weiss, Tổng Giám đốc Home Credit, cho rằng các tổ chức tín dụng đều có kế hoạch tài chính dài hạn, cụ thể khi cho khách hàng vay. Chính vì vậy, trước khi vay vốn để mua các sản phẩm như xe máy, hàng điện tử…, khách hàng phải cân nhắc giữa nguồn thu nhập và khả năng trả nợ. Quan trọng nhất là chọn thời hạn vay phù hợp với khả năng thanh toán, nếu không thì sẽ bị đóng phạt khi trả trước hạn.

Càng "nghèo" trả lãi càng cao

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng trên thực tế, các chính sách lãi suất cao đối với người "nghèo" - khách là đối tượng vay tiền không có tài sản thế chấp - mức độ rủi ro cao thì lãi suất càng cao là cách áp dụng lãi suất theo cơ chế thị trường mà các nước đã áp dụng. Chính vì vậy, trước khi vay tiền của các tổ chức tín dụng, người tiêu dùng nên cân nhắc khả năng thanh toán. Đặc biệt, phải tìm hiểu rõ về phương thức, thời gian thanh toán cũng như các hình thức đóng phạt nếu có để tránh gặp những tình cảnh ngoài ý muốn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại