Vào Việt Nam không giúp McDonald’s giải quyết khó khăn?

Business Week cho rằng cửa hàng mới tại TP. HCM sẽ không thể giúp hãng McDonald’s giải quyết các khó khăn trên toàn khu vực.

Ngày 8/2, cửa hàng đầu tiên của McDonald’s ở Việt Nam tại TP.HCM sẽ chính thức mở cửa phục vụ trong không khí tưng bừng đầu năm mới vẫn còn đọng lại sau dịp Tết Nguyên đán. Nhưng nhìn rộng hơn, sự sôi động đó đang đối lập với khung cảnh ảm đạm mà hãng đồ ăn nhanh Mỹ vẫn đang loay hoay trong mớ bòng bong những khó khăn tại khắp các thị trường châu Á khác.

Trang tin Business Week ngày 6/2 cho biết một ngày sau khi khánh thành, cửa hàng đầu tiên của McDonald’s ở Việt Nam (tại số 2-6 Bis Điện Biên Phủ, Q.1, TP. HCM) sẽ mở cửa chào đón các thực khách vào ngày 8/2 gồm 350 chỗ ngồi. Chi nhánh này còn cung cấp cả dịch vụ mua hàng không cần đỗ xe (drive-thru) và mở cửa 24h – một trong những yếu tố đang khiến dân Úc lo ngại sẽ làm gia tăng các loại tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Nguyễn Bảo Hoàng - người đưa McDonald’s tới Việt Nam thông qua công ty Good Day Hospitality - trên tờ Bloomberg mới đây, cửa hàng có tổng diện tích hơn 1.300 m2 trên khuôn viên gần 3.000m2 này sẽ làm nóng thêm cuộc chiến đồ ăn nhanh tại nước ta.

Theo đó, hãng đang ấp ủ ý định “phủ sóng” thêm 100 cửa hàng nữa trong vòng một thập kỷ tới. Hay gần nhất, cửa hàng thứ hai tại thành phố mang tên Bác sẽ được mở ở góc đường Phạm Ngũ Lão và Trần Hưng Đạo, Q1. Điều đó chắc chắn sẽ khiến Starbucks, mà đặc biệt là 2 đối thủ trực tiếp của McDonald’s là Burger King và KFC, thúc đẩy hơn nữa các chiến lược kinh doanh nhằm chống đỡ sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ. Hiện tại, Burger King có 29 cửa hàng tại Việt Nam, kể từ sau thời điểm khai trương năm 2011. Trong khi đó, KFC đã có mặt tại đây từ năm 1997.

Cửa hàng McDonald’s đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Zing
Cửa hàng McDonald’s đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Zing

Đây sẽ là một thách thức không nhỏ của hãng đồ ăn nhanh Mỹ vốn đang gặp khó khăn trên toàn cầu và bị tẩy chay ngay tại nhiều vùng trên thị trường quê nhà. Nhưng Hoa Kỳ cũng chỉ chiếm khoảng 32% doanh thu bán hàng trong năm qua. 68% còn lại, McDonald’s kiếm được từ các thị trường nước ngoài, mà trong đó, châu Á chính là một trong các thị trường quan trọng.

Tuy nhiên, trong năm qua, hai quốc gia đóng góp lớn vào doanh thu bán hàng của hãng là Trung Quốc và Nhật Bản đã chứng kiến sự tụt dốc nghiêm trọng của McDonald’s. Cụ thể, theo đánh giá của Business Week, ở cả hai quốc gia này, người tiêu dùng đang mất đi sự thèm muốn các sản phẩm của McDonald’s.

Riêng tại Trung Quốc, hãng đồ ăn nhanh Mỹ đã phải trải qua sự suy giảm trong doanh thu bán hàng lên tới 3,6% trong năm qua. Dù trong tháng cuối cùng của năm 2013, McDonald’s đã công bố kế hoạch sẽ thuê thêm 75.000 công nhân để tập trung cho chiến lược “hồi sinh” trong năm Giáp Ngọ, nhưng tình hình cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại quốc gia hơn 1 tỷ dân này đang khiến người tiêu dùng e ngại hơn khi tìm tới các sản phẩm liên quan tới gà - nguồn thực phẩm đặc trưng của McDonald’s.

Trong khi tại Nhật Bản, kể từ thời điểm năm 2008 với các đợt tăng giá sản phẩm (như hamburger tăng hơn 20% lên 120 yen (1,18 USD) và phô mai tăng 25% lên 150 yen (1,48 USD)), các khách hàng đã trở nên không còn mặn mà với McDonald’s. Nhưng đó cũng không phải là nguyên nhân chính. Sự cẩu thả trong phục vụ cũng như hàng loạt các bê bối vệ sinh, an toàn thực phẩm trong suốt thời gian qua (không chỉ tại Nhật) đã khiến các thực khách tại xứ sở mặt trời mọc xa dần các quán ăn nhanh.

Điều đó thể hiện rõ qua các con số khi doanh thu bán hàng của hãng trong tháng 12/2013 giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp chứng kiến sự xuống sức trong kinh doanh của “đại gia” đồ ăn nhanh này. Tính trong cả năm 2013, McDonald’s tại Nhật đã để doanh thu tụt giảm 11,6%, khiến lợi nhuận giảm tới 60% so với năm 2012, chỉ còn 5,14 tỷ yen. Cổ phiếu của hãng tại Nhật cũng vì thế mà giảm 9% trong 6 tháng qua.

Tính toàn châu Á, theo Bloomberg, doanh thu bán hàng của McDonald’s đã giảm 2,1% trong tháng 12. Quan trọng hơn, đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp mức giảm trên 2% được duy trì. Những con số phản ánh thực tế ảm đạm này sẽ là một điều tồi tệ với tương lai của hãng đồ ăn nhanh Mỹ tại châu Á và cả Việt Nam. Bởi theo nhận định của Business Week, nhiều người dân châu Á đang mệt mỏi với con đường phát triển của McDonald’s.

Business Week còn cho rằng cửa hàng mới tại TP. HCM sẽ không thể giúp hãng giải quyết các khó khăn trên toàn khu vực, nhất là khi khẩu vị tinh tế của người Việt và nhiều người dân châu Á khác vốn tự hào về nghệ thuật ẩm thực truyền thống có nhiều điểm tương đồng.

Việt Nam là nước đầu tiên mà McDonald’s đặt chân đến trong vòng 15 năm trở lại đây (sau khi “tấn công” thị trường Pakistan), là nước Đông Nam Á mới nhất sau Brunei (1992), và là nước thứ 38 tại châu Á mà tập đoàn này có mặt.

Tại châu Á, chỉ có 7 nước mà hãng đồ ăn nhanh của Mỹ chưa xuất hiện là: Bangladesh, Bhutan, Campuchia , Lào, Myanmar, Nepal, và Triều Tiên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại