Vàng giả Trung Quốc: Đổ xô đi bán, không ai dám mua

Bảo Hân |

Thông tin về loại vàng giả tinh vi dùng đèn khò đốt cũng khó phân biệt được khiến người dân bất an. Một số người “ôm” hết số vàng tiết kiệm đi bán, song có nơi cũng từ chối không dám mua bởi chủ tiệm vàng cũng sợ mua phải vàng giả.

Mua bán vàng ngưng trệ

Chị Lê Thị Thúy H. ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) bước ra từ một tiệm vàng trên đường Cầu Giấy với vẻ mặt buồn rười rượi. Chị nói: “Tôi đi bán vàng mà vào hai cửa hàng rồi, chủ cửa hàng nào cũng từ chối”.

Chị Thúy H. tâm sự, cách đây 5 năm, hai vợ chồng chị lên kế hoạch tiết kiệm, mỗi tháng bỏ tiền ra mua lấy 2 chỉ vàng tích cóp để sau này lo công chuyện cho con cái.

Nay có thông tin vàng giả được làm tinh vi lừa được cả chủ tiệm, hai vợ chồng mất ăn mất ngủ cả đêm. Sáng ra, anh chị quyết định đem hết số vàng tiết kiệm được đi bán, lấy tiền gửi tiết kiệm cho an tâm.

Thế nhưng, vào hai cửa hàng rồi mới bán được 5 chỉ, số còn lại chủ tiệm vàng từ chối bởi không phải vàng của tiệm bán ra, lại không giữ được hóa đơn mua bán trước đó.

“Tôi cứ nghĩ đơn giản vàng nhẫn 9999 thì ở đâu cũng giống nhau, giá chỉ chênh lệch vài chục ngàn đồng là cùng tiện đâu tôi mua ở đó. Giờ khốn khổ vì ôm vàng đi bán mà không có người mua”, chị Thúy H. lo lắng.

Tương tự, bà Vân ở Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cảm thấy bất an không kém khi số vàng của bà tích cóp cả chục năm qua đều là vàng nhẫn mua ở các tiệm vàng nhỏ lẻ quanh khu vực bà sống.

Bà Vân cho biết, chiều qua khi nghe tin về vàng giả bà liền đem hai chiếc nhẫn tròn trơn đi bán thử xem sao. Bà đi cả ba tiệm đều không có tiệm nào chịu mua với lý do không phải vàng của họ bán ra.

“Khổ thế, vàng tích cóp từ bao năm qua, thỉnh thoảng lại cho bạn bè người thân ở quê vay mượn.

Đến lúc họ mang trả, tôi nhận lại cũng chẳng quan tâm đến giấy tờ nên giờ đem bán chỗ nào cũng chối không mua”, bà Vân nói.

Thừa nhận chuyện trên, anh Nguyễn Văn D., chủ tiệm vàng P. trên phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ sáng hôm qua đến giờ thấy khá nhiều người đem vàng đến bán nhưng anh đều từ chối hết, chỉ mua lại những chiếc nhẫn tròn trơn có ký hiệu của tiệm nhà anh.

Theo anh D., sở dĩ mọi người đem vàng đi bán là do bất an.

Trước, họ cứ nghĩ mua vàng 9999 là chuẩn, nhưng nay thấy thông tin vàng giả bắt đầu hoang mang, không biết vàng mình mua có kém chất lượng không nên tâm lý là cứ đem bán rồi thu tiền về cất tủ hoặc gửi tiết kiệm.

“Nói thật, từ trước tới giờ khách đem bán vàng tôi đều dùng đèn khò đốt qua để xem thật giả, nay thấy lo hơn vì loại vàng giả mới phát hiện dùng đèn khò cũng không chính xác.

Mà vàng thì mua bán có phải chuyện vài chục ngàn hay vài trăm ngàn đâu, toàn tiền triệu, tiền trăm triệu. Cẩn thận vẫn hơn chứ”, anh nói.

Anh Trần Tuấn H., chủ một tiệm vàng trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) cũng thừa nhận, hoạt động mua bán tại tiệm vàng hiện đang bị ngưng trệ, dân không dám đi mua vàng lẻ (vàng nhẫn, vàng trang sức) còn tiệm vàng cũng không dám mua vàng của khách, trừ các loại vàng của doanh nghiệp uy tín.

“Ngày hôm qua, có người “ôm” khoảng 80 chiếc nhẫn vàng loại 1-2 chỉ đem đến cửa tiệm vàng của tôi bán nhưng tôi từ chối không mua vì cũng cảm thấy hơi sợ, nhỡ nhầm phải vàng giả thì chỉ có nước phá sản”, anh H. cho hay.

Song, một số tiệm vàng cũng từ chối mua vì lo sợ mình mua phải vàng giả (ảnh minh họa)
Song, một số tiệm vàng cũng từ chối mua vì lo sợ mình mua phải vàng giả (ảnh minh họa)

Trong khi đó, một chuyên gia trong ngành cũng nhận định, sự việc vàng giả tinh vi bị phát hiện ở Quảng Ninh sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mua bán vàng, nhất là hoạt động mua bán vàng lẻ.

Phải cắt vàng ra khò thật lâu

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng Agribank, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam, cho hay, trên thị trường từng xuất hiện thông tin vàng giả được nhập từ Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan.

Sau đó, sự việc đã lắng xuống khi có cơ quan chức năng vào cuộc.

Theo ông Trúc, phương thức làm vàng giả này rất tinh vi và khó phát hiện bởi vonfram được nghiền dưới dạng bột rất mịn và được trộn vào khi vàng nóng chảy. Sau đó, lớp bọc bên ngoài là vàng nguyên chất.

Trong khi đó, Vonfram hiện nay có giá rẻ hơn vàng cả vài chục, vài trăm lần nên việc pha trộn đã mang lại lợi nhuận tương đối cao nếu như bán với giá vàng nguyên chất.

Hiện tỷ trọng vàng và vonfram tương đương nhau nên việc phân biệt thật giả, nếu chỉ dựa vào tỷ trọng, thì hầu như không thể.

Ngoài ra, với vàng trộn vonfram theo cách như trên, việc dùng phương pháp huỳnh quang tia X đôi khi cũng không phát hiện được vàng nguyên chất hay pha trộn, bởi tia này chỉ bắn được chuyên sâu dưới 1 mm, không vào được lớp có bọc vonfram.

“Bây giờ, nếu muốn phân biệt các chủ tiệm vàng buộc phải cắt đôi miếng vàng ra, dùng đèn khò đốt thật lâu, nếu như vàng tan mà vẫn còn lớp bột ráp bám trên bề mặt cắt thì nhiều khả năng là vàng đã bị pha trộn kim loại khác.

Để chính xác hơn, người thử có thể dùng phương pháp phân kim song đây thường là cách làm cuối cùng, khi những cách trên chưa chắc chắn”, ông Trúc nói.

Để tránh mua phải vàng pha trộn hay vàng giả, ông Trúc khuyên người tiêu dùng nên cẩn thận chọn mua những loại vàng miếng SJC, mua của các doanh nghiệp uy tín bởi đây là sản phẩm được nấu từ vàng 9999.

Với nhẫn trơn (sản phẩm dễ bị pha trộn kim loại khác) người dân cũng nên chọn mua tại các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất mặt hàng này, thay vì vào cửa tiệm nhỏ lẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại