>>> Đại gia Việt và những scandal đáng chú ý trong năm 2014
Một trong những người đầu tiên đưa dầu ăn Neptune vào Việt Nam
Năm 2014 là một năm vận hạn của đại gia một thời cầm tinh con chuột (1972 – Nhâm Tý) Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank).
Kể từ khi người sáng lập Tập đoàn Đại Dương được vinh danh, đứng thứ 8 trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam 2010 với lượng cổ phiếu trị giá 1800 tỷ đồng, cái tên Hà Văn Thắm được nhắc nhiều trên các mặt báo.
Đặc biệt, ông tỏ ra là người rất khiêm tốn khi tự nhận mình rất bình thường, không có gì đặc biệt, mặc dù lúc đó đang sở hữu những công ty có tiếng trong các ngành kinh doanh thời thượng như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Giới tài chính càng khâm phục đầu óc tính toán, đầu tư, kinh doanh của ông hơn, khi vị này bước chân vào thương trường từ nhỏ và rất tình cờ với mặt hàng đầu tiên là dầu ăn và lốp xe ôtô.
Ông Thắm cho biết: Ông có thể coi là một trong những người đầu tiên đưa dầu ăn Neptune vào Việt Nam.
Với ông, cảm giác kiếm được những đồng tiền đầu tiên khi đó rất đặc biệt và không dễ kiếm như bây giờ.
Khi đã thành đại gia với khối tài sản khổng lồ, ông được đồn đoán là tỷ phú đôla thứ 2 của Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng.
Nhiều người vẫn nhớ tới câu nói của ông Hà Văn Thắm, rằng: ông đến và thành công với lĩnh vực ngân hàng hay bất động sản còn do may mắn.
May mắn đã mỉm cười với ông suốt gần 20 năm qua kể từ khi ông bắt đầu khởi nghiệp với vai trò Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh (năm 1993 – 1997).
Nhưng, may mắn lại quay lưng với ông trong năm 2014 này.
Vướng vòng lao lý vì “làm giàu lên rất nhanh”
Trước khi bị bắt, nhắc tới đại gia Hà Văn Thắm, người ta nhắc ngay tới khối tài sản lớn tại OceanBank, Ocean Hospitality (OCH), Công ty cổ phần khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OHC), công ty cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (ORC)…
Thêm vào đó còn có tài sản của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, Công ty TNHH VNT, Đại Dương Thăng Long,…
Theo một chuyên gia tài chính – ngân hàng: Nếu cân đo đong đếm chính xác, tổng tài sản của ông Thắm có thể lên tới trên 2 tỷ USD.
Riêng nói về việc kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, cách đây 3 năm, vào thời hoàng kim, ông chủ của Tập đoàn Đại Dương đã từng tâm sự trên VNE:
“Làm ngân hàng phải tiếp xúc nhiều khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nên tôi hay nói đùa với anh em nhân viên là, cán bộ ngân hàng cũng như cảnh sát kinh tế, cần biết rất nhiều, có thể không sâu bằng khách hàng của mình, nhưng mỗi thứ biết một tí.
Khi duyệt một khoản vay hay hợp tác với khách hàng, mình phải đọc báo cáo của họ, tìm hiểu về dự án của họ. Nhờ vậy mà biết thêm, học thêm.
Mặt khác, ngân hàng là ngành đặc biệt, chịu sự quản lý nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng, được nhiều người quan tâm, nên việc kinh doanh phải tương đối bài bản.
Vì thế, nó tạo nên sự thú vị khi quản trị điều hành”.
Như vậy, ông Thắm từng cảm thấy “thú vị khi quản trị điều hành” ngân hàng, nên khi ông bị bắt, nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Trong khi không ít người “sốc” trước thông tin trên, thì TS.Lê Đăng Doanh khi trả lời BBC lại nhận xét rằng: "Việc ông Thắm bị bắt, đối với giới chuyên môn, không có gì đột ngột.
Bởi vì ông Thắm đã tay không bắt giặc, đã giàu lên rất nhanh, từ một người không có tích lũy gì, không có vốn gì lớn mà đã phát triển lên rất nhanh, qua rất nhiều ngành và cũng có nhiều dự án tham vọng”.
Tháng 10/2014, ông Thắm bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo điều 179 Bộ luật hình sự.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quá trình triển khai đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Hà Văn Thắm.
Tại OceanBank, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện có một số khoản vay có dấu hiệu gây mất vốn của ngân hàng.
Trong đó có việc cho vay sai quy định, cho vay các khoản tiền lớn không có thế chấp tài sản.
Tiến hành điều tra, xác minh mở rộng, cơ quan điều tra xác định vào tháng 11/2012, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung đề nghị OceanBank cho vay tiền để thực hiện các dự án của mình.
Các dự án của công ty này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Sau khi công ty này đề nghị vay vốn đầu tư, ông Hà Văn Thắm ký các quyết định cho công ty này vay khoảng 500 tỷ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định.
Cho đến nay, công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung chưa thanh toán được tiền cho OceanBank theo quy định, có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Thắm nhằm xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật và bảo đảm cho OceanBank hoạt động an toàn, ổn định.
Báo Công lý & Xã hội đã lý giải vận hạn của “đại gia tỷ đô” Hà Văn Thắm qua lá số tử vi như sau: Tuổi Nhâm Tý của ông Thắm, trong năm 2014 này, được cho là một năm nhiều biến động, ảnh hưởng tới sự nghiệp.
Đồng thời, tử vi xuyên suốt cuộc đời những người tuổi Nhâm Tý, cũng cho thấy, dù đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng dường như bước công danh không có nhiều may mắn, không tạo được một sự vững chắc.
Tính cho tới thời điểm hiện tại, công danh của đại gia Hà Văn Thắm đúng là không có nhiều may mắn. Ngôi vị của một trong những người giàu nhất Việt Nam giờ cũng không còn ý nghĩa nữa.
Và điều quan trọng, sóng gió vẫn còn đang chờ “đại gia tỷ đô” Hà Văn Thắm ở phía trước.