Tỷ phú từng tố bầu Đức phá rừng lên xe hoa

Tỷ phú, nhà đầu tư lừng danh 83 tuổi George Soros, người cáo buộc bầu Đức phá rừng vừa có một đám cưới linh đình vào ngày 21/9.

Tỷ phú, nhà đầu tư lừng danh 83 tuổi George Soros vừa có một đám cưới linh đình với nhà tư vấn giáo dục Tamiko Bolton vào ngày 21/9. Được biết ông George Soros cũng chính là người đứng sau tổ chức tố cáo bầu Đức phá rừng.

Hôn lễ sẽ diễn ra thân mật tại dinh thự của Soros gần thành phố New York nơi cô dâu chú rể trao nhau những lời nguyện thề, khách mời tới chứng kiến hôn lễ sẽ chỉ có những người trong gia đình cùng số ít bạn bè thân thiết. Sau đó là một bữa tiệc lớn với 500 khách mời tới dự.

Các khách mời sừng sỏ của đám cưới phải kể đến ông Jim Yong Kim - Chủ tịch World Bank; tổng thống của Estonia, Liberia và Albania; Lãnh đạo Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi; Phó Thống Đốc California Gavin Newsom.

Tỷ phú 83 tuổi George Soros và vợ mới cưới (Ảnh: Economictimes)
Tỷ phú 83 tuổi George Soros và vợ mới cưới (Ảnh: Economictimes)

Cô dâu Tamiko Bolton diện bộ váy của nhà thiết kế lừng danh Reem Acra, người thiết kế nhiều trang phục lên thảm đỏ cho các ngôi sao như Angenlina Jolie và Jenifer Lopez. Đầu bếp chính cho tiệc cưới của Soros là bếp trưởng của nhà hàng danh tiếng Geist tại Copenhagen, nơi cặp đôi lần đầu gặp gỡ vào năm 2009.

Soros là tỷ phú người Mỹ gốc Do Thái, với tổng tài sản lên tới 20 tỷ USD, theo tạp chí Forbes. Ông được coi là một trong những nhà đầu cơ khôn ngoan nhất trong lịch sử, nổi tiếng nhất với phi vụ đánh sập ngân hàng Anh, tấn công đồng bảng khiến nó mất giá mạnh vào năm 1992. Phi vụ này đã mang lại cho ông từ 1 đến 2 tỷ USD, trong khi chính phủ Anh thiệt hại tới 3,4 tỷ bảng Anh.

Đây là đám cưới thứ 3 của tỷ phú Soros, còn Bolton thì đây là đám cưới lần hai của bà. Bolton đã tốt nghiệp đại học Utah và có bằng MBA của đại học Miami. Hiện bà là nhà tư vấn đầu tư y tế và giáo dục.

 Khinh khí cầu bằng hoa trong khán phòng hôn lễ (Ảnh: Dailymail)
Khinh khí cầu bằng hoa trong khán phòng hôn lễ (Ảnh: Dailymail)

George Soros đứng sau tổ chức Global Witness tố cáo bầu Đức

Trước đó, Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness) cáo buộc về hành vi hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng tại Lào và Campuchia để chiếm đoạt đất, khai thác gỗ bất hợp pháp, bịt đường sinh kế cư dân địa phương của Hoàng Anh Gia Lai.

Ngay sau đó, chiều ngày 17/5 bầu Đức đã tổ chức buổi gặp mặt cổ đông, các hãng thông tấn trong nước và quốc tế. Tại đây, ông bị cổ đông và báo chí chất vấn hàng loạt vấn đề liên quan đến cáo buộc "chiếm đất, phá rừng".

Đứng sau nguồn quỹ cho Global Witness, phần lớn đóng góp đến từ tỷ phú George Soros. Cũng chính tổ chức này là nguyên nhân dẫn đến việc Liberia bị Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu gỗ.

Cũng tương tự như trước các phản hồi của HAGL về việc bị các tổ chức tín nhiệm quốc tế như Fitch Ratings, Standard & Poor’s (S&P) hạ bậc, đại diện của công ty bầu Đức ngay lập tức lên tiếng phủ nhận giá trị báo cáo và thậm chí yêu cầu ngừng xếp hạng, lúc nào thị trường tốt hơn sẽ sẵn sàng mời trở lại.

Bên cạnh việc phủ nhận những cáo buộc mà Global Witness đưa ra, điều đáng chú ý là Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai khẳng định tổ chức này đang lợi dụng hình ảnh của HAGL để đánh bóng tên tuổi.

Theo thông tin trên tờ The Mole của Malaysia, Global Witness được tài trợ bởi Viện Xã hội mở (OSI) do siêu tỷ phú George Soros thành lập. Tính riêng trong năm 2011, Global Witness nhận được 1,2 triệu bảng Anh từ OSI, chiếm phần lớn nguồn tài trợ của của tổ chức này. Hiện con trai của tỷ phú Soros là Alexander G. Soros đang đóng vai trò là thành viên quản trị của Global Witness.

Ngoài ra, cũng trong năm 2011, Global Witness nhận được 19.083 bảng từ Quỹ quốc gia vì Dân chủ (NDE) mà đứng sau là Chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó là các khoản tài trở từ Chính phủ Anh, Nauy, Quỹ Adessium và Oxfam Novib.

Thành lập năm 1993, Global Witness đã liên tục tổ chức các cuộc điều tra và chiến dịch ngăn chặn xung đột và hành vi tham nhũng liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như chống lại việc lạm quyền đe doạ môi trường và nhân quyền trên thế giới.

Sự có mặt của Global Witness xuất phát từ tình trạng tham nhũng và dung túng của chính quyền địa phương tại các quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, gỗ, khoáng sản… cho các hành động phá hoại của các công ty đầu tư, tạo nên “lời nguyền tài nguyên”.

Hoạt động của Global Witness đi từ những điều tra bí mật cho đến các cuộc họp cấp cao nhằm tạo ra thay đổi tại những lĩnh vực, khu vực có vấn đề.

Có 4 nhóm phạm vi mà Global Witness tập trung là chống tham nhũng, xung đột (phá hoại thiên nhiên, xung đột vũ trang, vi phạm nhân quyền), quản lý môi trường, tối đa hoá trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại