TS Alan Phan "chẩn bệnh": 3 điểm bất an của kinh tế Việt Nam

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo TS Alan Phan, ngoài những điểm tiến bộ, năm 2013 vẫn còn đó nhiều điểm bất an của nền kinh tế Việt Nam khi nợ công, nợ xấu vẫn ở mức cao...

Năm 2013 đã khép lại với rất nhiều sự kiện gây xúc động và phẫn nộ; hy vọng và bối rối. Báo điện tử Trí thức trẻ xin trân trọng gửi tới Quý độc giả loạt bài viết: NĂM 2013, 2014 DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NHỮNG CHUYÊN GIA NỔI TIẾNG NHẤT VIỆT NAM.

BÀI 1: Hy vọng và tuyệt vọng của "Bông hoa thép trên thương trường Việt Nam"

Kết thúc năm 2013 với nhiều khó khăn và thách thức, đã có những doanh nghiệp bứt phá tạo được thành công, nhưng cũng có những doanh nhân loay hoay tìm con đường mới để chèo lái con tàu sự nghiệp của mình “vượt bão”. 

Đã có nhiều giải pháp đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó nhưng trong năm mới 2014 cũng cần phải có thêm nữa những phương án thiết thực và hiệu quả hơn...

Đánh giá toàn diện về bức tranh kinh tế Việt Nam 2013, TS Alan Phan cho rằng, tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của sự suy thoái nhưng kinh tế Việt Nam cũng đã đạt được một số tiến bộ đáng kể.

Tiến sĩ Alan Phan (Ảnh: Internet).
Tiến sĩ Alan Phan (Ảnh: Internet).

"Cũng như năm 2012, năm 2013 vừa qua nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong tình trạng suy thoái với nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta cũng đã có được một số tiến bộ nhất định. 

Đầu tiên phải nói đến đó là trong lĩnh vực thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài (FPI) năm qua có những khởi sắc đáng kể nhất với nhiều nhà đầu tư lớn như Samsung... đã bắt đầu đổ vốn vào đầu tư.

Việc gia tăng nguồn đầu tư FDI này sẽ giúp cho nhân công của chúng ta có thêm việc, các công ty xây dựng cũng nhận thêm được công trình. Hơn thế, nếu họ đầu tư bền vững thì sẽ tạo đà cho nhiều lĩnh vực của các địa phương được chọn đầu tư phát triển theo và nguồn ngân sách cũng được bổ sung đáng kể.

Bên cạnh đó, một số chính sách mới đã được ban hành, dự kiến được thông qua trong thời gian tới, đặc biệt là việc đàm phán gia nhập TPP (Hiệp định Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) của Việt Nam cũng đang được kỳ vọng sẽ là tạo cú hích mới cho nhiều ngành và nền kinh tế phát triển mạnh...", TS Alan Phan nói.

Bên cạnh những tiến bộ đó, TS Alan Phan cũng chỉ ra ba thách thức, bất an lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

"Chúng ta đã có những tiến bộ nhất định, tuy nhiên, trong năm qua cũng vẫn cho thấy nhiều điểm bất an mà nền kinh tế đang phải chịu đựng. Bất an đầu tiên phải nhắc tới vẫn là câu chuyện hoạt động kém hiệu quả của không ít doanh nghiệp nhà nước. Đây được xem như gánh nặng lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái như hiện nay.

Thứ hai là tình trạng nợ xấu, nợ công tăng cao và nhiều người cũng nhận định, tình trạng này đang vượt quá ngưỡng an toàn. Hơn thế, nếu không có giải pháp đủ mạnh, kiên quyết thì tình trạng này còn tồn tại trong một thời gian khá dài nữa.

Bên cạnh đó, việc thu hút mạnh FDI cũng như việc đàm phán gia nhập TPP ngoài những tích cực thì cũng đặt ra không ít mặt trái. Đó là sự cạnh tranh, lấn áp của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong một tương lai gần...

Quá trình gia nhập TPP cũng yêu cầu phải có sự đối xử công bằng giữa các sản phẩm hàng hóa giữa các nước, điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa sản phẩm hàng hóa trong nước với nước ngoài, trong lúc hàng hóa của chúng ta còn yếu và thiếu...

Ngoài ra, còn những bất an kéo dài từ các năm trước tiếp tục gây ảnh hưởng đến nền kinh tế như vấn đề đổ vỡ của thị trường bất động sản, tài chính ngân hàng...", TS Alan Phan nhấn mạnh.

Từ những điểm bất an lớn của nền kinh tế 2013 đã được đưa ra, TS Alan Phan cho biết, sẽ khó có thể đưa ra được một nhận định cụ thể nhưng nhìn chung, năm 2014 sẽ vẫn là một năm nhiều khó khăn, thách thức.

"Với những gì đã được nêu ra ở trên thì có thể thấy rằng, nếu chúng ta không có những thay đổi, những chính sách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết triệt để thi nền kinh tế Việt Nam năm 2014 cũng sẽ như năm 2013 với những khó khăn và bất an đang chờ đợi.

Còn để đưa ra một nhận định cụ thể thì cá nhân tôi cho rằng, sẽ khó có thể chính xác được..., TS Alan Phan chia sẻ.

- Ông Alan Phan là tiến sĩ kinh tế, doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại thị trường Mỹ và Trung Quốc.

- Ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987). Đồng thời là doanh nhân đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997).

- T.S Alan Phan từng là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại HongKong và Thượng Hải.

- Ông từng bị Sở Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cáo buộc vi phạm đăng ký và gian lận chứng khoán tại Mỹ. Theo đó, sau phán quyết của tòa sơ thẩm liên bang, TS Alan Phan đã kháng cáo đến ngày 29/8/2005 và ông mất thêm hai năm theo vụ kiện này. Đến tháng 8/2007, tòa phúc thẩm liên bang hủy bỏ án lệnh của tòa sơ thẩm và trả vụ kiện lại cho SEC. Trước tuyên bố của tòa phúc thẩm SEC đã không làm gì, TS Alan Phan thắng kiện.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại