Đổi chủ liệu có đổi vận?
Được biết, năm 2007 Công ty Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.
Từ trước đến nay, thương hiệu Vạn Thịnh Phát đã trở thành một trong những tập đoàn lớn ở Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, với vốn điều lệ 12,800 tỷ đồng.
Hiện nay, Công ty CP đầu tư An Đông đang là chủ dự án An Đông Plaza - Khách sạn Winsor và đồng thời là nhà đầu tư đã mua lại khu thương mại và 607 căn hộ thuộc dự án cao ốc Thuận Kiều Plaza trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến gần cuối tháng 1/2014 từ liên doanh chủ đầu tư cũ (Công ty Kings Harmony Int’LTD Hồng Kông và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn).
Giá trị thương vụ này, theo tìm hiểu của chúng tôi, là 605 tỷ đồng.
Một cán bộ của Sở Xây dựng Tp.HCM, cho biết hiện tại, đơn vị này đã thực hiện hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng dự án từ các chủ đầu tư trước đó và đang hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan khác về việc điều chỉnh quy hoạch – thiết kế.
Hiện UBND Tp.HCM đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép công ty này nộp tiền sử dụng đất để được sở hữu hoàn toàn dự án Thuận Kiều Plaza.
Tuy nhiên, văn bản do UBND Tp.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ đây là dự án tồn tại đã lâu, nếu phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường như quy định hiện nay thì chủ đầu tư và người mua căn hộ không thể thực hiện được, dẫn đến bế tắc trong việc cấp giấy cũng như việc giao dịch, kinh doanh tiếp theo của người nhận chuyển nhượng.
Do đó, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Công ty CP đầu tư An Đông nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước theo giá đất tương ứng với mục đích sử dụng quy định tại bảng giá đất do UBND Tp.HCM quy định và công bố tại thời điểm nhận chuyển nhượng.
“Trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang phục hồi tốt như hiện nay, quá trình mua bán – sáp nhập các dự án trùm mền để “hóa kiếp” nó là một xu thế không tránh khỏi.
Dự án TTTM này nằm ở một vị trí khá tốt tại quận 5 nên được mua lại để tái hoạt động kinh doanh cũng nằm trong dòng chảy này”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) nói.
Để dự án không lao vào “vết xe đổ” hàng chục năm qua, một số ý kiến cho rằng khu đất “vàng” này rất thích hợp để phát triển dự án TTTM và căn hộ cao cấp.
Bởi vì, ngay quận 5 hiện nay các dự án loại này không có, lại tọa lạc ở một địa điểm giao thông khá thuận tiện, hạ tầng tiện ích rất nhiều như gần 5 bệnh viện lớn, trường học quốc tế...
Chủ đầu tư mới chắc chắn sẽ đi theo hướng này.
Theo quan sát của chúng tôi, tại quận 5, ngoài một số trung tâm thương mại quy mô lớn như Parkson Hùng Vương, An Đông Plaza, còn lại các dự án căn hộ cao cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hiện tại chỉ có một dự án cao cấp duy nhất là dự án khu căn hộ Golden Plaza tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi.
Dự án này đối diện với Thuận Kiều Plaza, cao hơn Thuận Kiều Plaza và giáp 4 mặt tiền đường Hồng Bàng - Nguyễn Trãi - Dương Tử Giang và Học Lạc.
Được xây dựng trên diện tích 6.004 m2, quy mô xây dựng tòa nhà gồm 2 tầng hầm, 35 tầng cao, sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.
Tháo dỡ như thế nào?
Tuy nhiên, điều quan tâm nhất hiện nay của nhiều người đối với dự án cao ốc quy mô hiện đại đầu tiên của Tp.HCM là nơi đây sẽ được đầu tư dự án gì mới? Thuận Kiều Plaza sẽ được phá dỡ như thế nào?
Một vài ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng công trình này có thể sẽ bị đập bỏ phần 3 tòa tháp chung cư, giữ lại phần chân tháp để thay đổi toàn bộ phần trên, hợp với phong thủy hơn.
KTS. Trần Ngọc Bá Khoa, Tổng Giám đốc công ty thiết kế Khoa Arc., thì không đồng tình với ý kiến trên.
Bởi vì, một khi đã “đánh sập” thì buộc phải đập bỏ hoàn toàn công trình để bắt đầu xây dựng lại từ đầu.
Dự án này đã được xây dựng từ gần 20 năm từ “phong cách” thiết kế của HongKong, đến nay mọi thứ có thể nói là bắt đầu “rệu rã”.
“Do đó, chủ đầu tư sẽ chọn giải pháp tháo dỡ toàn bộ để thay vào đó là một dự án mới hoàn toàn để phù hợp hơn với thị trường hiện nay”, ông Khoa nói.
Khi được hỏi, liệu công trình này sẽ được thao dỡ theo hướng nào, ông Khoa cho rằng có khả năng để tiết kiệm chi phí và phù hợp với các quy định hiện hành trong xây dựng hiện nay, chủ đầu tư sẽ bắt đầu tư việc phá bỏ các tòa tháp đầu tiên, sau đó sẽ đến phần đế và móng.
Dự kiến, nếu đi theo hướng này có khả năng sẽ mất đến ít nhất là 6 tháng với chi phí khoảng 30-50 tỷ đồng.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Đực, cũng cho rằng hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể việc việc đánh sập một công trình đồ sộ như vậy bằng cách đặt bom (mìn).
“Cách nhanh nhất là nên gài mìn đánh sập một lần. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy không lường trước được vì còn phụ thuộc lớn vào trình độ của các bên tham gia”, ông Đực cho biết.
Theo đó, để đánh sập công trình này bằng mìn, chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tính đến phương án di dời hàng trăm hộ dân đang sinh sống xung quanh đấy.
Ngoài ra, phương án này phải tính toán đến thời điểm thích hợp nhất để tiến hành, quan trọng nhất là chỉ đánh mìn một lần duy nhất để toàn bộ công trình được phá sập hoàn toàn.
“Quy định của chúng ta vẫn chưa bao quát được hết vì trước giờ chưa có một trường hợp nào như thế này.
Để làm được điều này, chủ đầu tư và các đối tác tham gia phải trải qua một giai đoạn thẩm định khá gắt gao, từ phương án đánh mìn, di dời, an ninh, đến phong tỏa hiện trường một vài tuyến đường lân cận…
Theo tôi, chủ đầu tư mới sẽ chọn giải pháp tháo dỡ từ từ cho dù mất thời gian, còn hơn việc chọn hướng đi nhanh về mặt thời gian nhưng không đảm bảo độ an toàn”, ông Đực nói thêm.