Để viết tiếp trang sử phát triển của mình sau 20 năm tồn tại, Trung Nguyên phải xử lý các vấn đề "tảng băng chìm" trong quản trị.
Khởi nghiệp từ cơ sở rang xay nhỏ
Khởi nghiệp là một cơ sở rang xay cà phê thủ công nhỏ ở Buôn Ma Thuột - thủ phủ cà phê Việt Nam vào năm 1996 với một chiếc xe đạp trị giá chưa đến 1 chỉ vàng, sau 20 năm, Trung Nguyên trỗi dậy thành một tập đoàn “hùng mạnh” với gần 10 thành viên có tổng vốn điều lệ khoảng 6.000 tỷ đồng.
Trung Nguyên đang hoạt động trong 3 mảng chính là kinh doanh, chế biến cà phê; bán lẻ và nhượng quyền, với các thành viên như CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên, CTCP Cà phê Trung Nguyên, CTCP Thương mại và Dịch vụ G7, Công ty liên doanh Vietnam Global Gateway, CTCP Trung Nguyên Franchising, CTCP Đầu tư Trung Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê…
Đến năm 2012, doanh thu của Trung Nguyên chạm mốc 200 triệu USD.
Từ năm 2013 trở lại đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt hơn, Trung Nguyên vẫn tăng trưởng, đạt mức doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2014.
Trung Nguyên hiện đang là nhà cung cấp cà phê hòa tan cho thị trường nội địa lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Vinacafe Biên Hòa và Nescafé.
Mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2016
Đi trước nửa bước và tương thích với những nhận thức chung, sát với thực tiễn là cách để Trung Nguyên chinh phục thị trường và thành công.
Cùng với phương cách đó, "tư duy sáng tạo, đột phá, chinh phục, thống lĩnh, vô đối"… là những “mỹ từ” giới truyền thông “ưu ái” khi nói về Trung Nguyên và nhà sáng lập là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Nếu không có một Đặng Lê Nguyên Vũ “ma quái”, có thể Trung Nguyên đã rơi vào quên lãng sau thất bại ở Long Xuyên từ hơn 10 năm trước.
Năm 2013, trong bài trả lời phỏng vấn Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Trung Nguyên cho biết, Tập đoàn này đặt ra mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2016.
Năm 2013 cũng là năm ghi dấu Starbucks Coffee - cà phê Mỹ chính thức xuất hiện trên đất Việt. Trước đó năm 2012, ngành cà phê Việt Nam ghi dấu ấn với giá trị xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục 3,7 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2012.
Phải chăng tư duy “chỉ có tranh đua với những người đi đầu thì ta mới có cơ hội đi đầu" cùng với sự xuất hiện của Starbucks, và kỳ vọng về tương lai sáng của cà phê Việt Nam đã khiến Trung Nguyên đưa ra mục tiêu 1 tỷ USD?
Vào lúc đó, ít ai ngờ rằng, từ nửa cuối năm 2013, cà phê Việt Nam liên tục gặp khó, tiêu thụ cà phê sụt giảm mạnh, chưa kể đến sự “tham chiến” của các thương hiệu cà phê nước ngoài trên thị trường cà phê nội địa.
Tư duy đột phá có nhấn chìm Trung Nguyên?
Vào cuối năm 2015, khi mà cái đích 1 tỷ USD vào năm 2016 cận kề, Trung Nguyên ra thông báo ngừng cung cấp sản phẩm cà phê hòa tan G7 - là sản phẩm chủ lực của Trung Nguyên làm dấy lên những hoài nghi về cuộc “nội chiến” pháp lý giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Các thông điệp đưa ra từ những người phát ngôn đại diện cho Trung Nguyên và có liên quan khiến công chúng nghĩ nhanh đến khả năng chia tách Trung Nguyên, và quan ngại về một Trung Nguyên “bị bỏ quên” như Đức Phát, khi mà những người chủ của thương hiệu bánh mì Đức Phát nổi tiếng đường ai nấy đi.
Nhưng, từng cùng nhau xây dựng một Trung Nguyên hàng nghìn tỷ từ “chiếc xe đạp cà tàng”, vực dậy cà phê Trung Nguyên sau thất bại ở Long Xuyên, từng chọn phong cách marketing miễn phí cà phê trong 10 ngày khi mở quán cà phê đầu tiên ở Sài Gòn, giới thạo tin không loại trừ khả năng những người sáng lập Trung Nguyên đang lái dư luận sang một hướng khác, để xử lý những trục trặc trong sản xuất cà phê hòa tan và tập trung cho những kế hoạch đột phá của mình.