Danh sách 200 nhà kinh tế trẻ này được chọn ra từ 18.625 nhà nghiên cứu kinh thế giới có ấn phẩm khoa học, mọi thể loại, xuất bản từ 10 năm trở lại đây.
TS Nguyễn Đức Khương, hiện là GS tài chính, Phó giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật TPHCM, Tiến sĩ Khương nói: “So với thành tựu của các chuyên gia kinh tế nổi tiếng trong và ngoài nước, việc được xếp hạng này chỉ là một thành tích khiêm tốn.
Tôi nghĩ đây chưa phải là điều lớn lao. Có rất nhiều “cây đại thụ” trong ngành mà tôi rất ngưỡng mộ, và luôn tự hỏi “Bao giờ mình mới được như thế”.
Người Việt ở đâu cũng là người Việt
PV: Thử tưởng tượng, anh tốt nghiệp thủ khoa ĐH Thương Mại năm 2000, ở lại Việt Nam sinh sống, làm việc, và nghiên cứu, thì liệu kết quả anh đạt được trong nghiên cứu kinh tế sẽ đi theo hướng nào?
Nó có được quy định bởi môi trường nghiên cứu không?
TS Nguyễn Đức Khương: Việc giảng dạy và nghiên cứu với tôi cũng không hẳn được định hướng từ trước.
Nếu không đi du học mà ở lại Việt Nam công tác, có thể tôi sẽ làm một công việc khác. Hoặc có thể là nghiên cứu, nhưng ít tính hàn lâm hơn, mà thiên về các chính sách cụ thể chẳng hạn.
Sang Pháp học thạc sĩ, rồi làm nghiên cứu sinh, tiến sỹ, tôi làm nghiên cứu khoa học như một sự tự nhiên. Môi trường nghiên cứu khá quan trọng.
Môi trường phát triển, mở ra thế giới bên ngoài làm tăng động lực và cả áp lực phải đi lên, và tăng khả năng hợp tác với những người giỏi.
Trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu như một chỉ tiêu để phát triển sự nghiệp.
Người Việt ở đâu cũng là người Việt, cần cống hiến hết mình cho cộng đồng, đất nước. Hình như anh đã nói thế?
Đúng là người Việt ở đâu cũng là người Việt, và sẵn sàng cống hiển hết mình cho đất nước.
Hiện tại tôi tham gia đóng góp sức mình vào việc kết nối trí thức trong và ngoài nước, đồng nghiệp quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy những cống hiến cá nhân và tập thể cho đất nước.
Tôi đặc biệt quan tâm đến kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước, đồng thời muốn biến sự quan tâm ấy thành những việc làm cụ thể, kiên trì, bền bỉ để song hành cũng đất nước.
Xung quanh tôi có rất nhiều người Việt như thế.
Chẳng hạn, tôi hiện là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia người Việt tại Pháp (AVSE).
Tôi cũng từng là Chủ tịch, và hiện là Tổng thư kí Hội Tài chính Người Việt trên thế giới (VFAI); là những nơi đoàn kết để sự đóng góp về Việt nam được tốt hơn.
Tôi cũng tham gia sáng lập và là một trong các thành viên chủ chốt của nhóm Biển Đông tại Pháp – nhóm suy nghĩ và nghiên cứu về địa chính trị, kinh tế và quốc phòng xung quanh các vấn đề chủ quyền và an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông.
Ví dụ, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào thềm lục địa của nước ta, chúng tôi đã có những trao đổi và vận động trong chính giới của Pháp để họ hiểu rõ hành động không tôn trọng chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh cho họ hiểu Pháp và các nước khác có vai trò và trách nhiệm trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình và tôn trong luật và công ước quốc tế.
Đã có nhiều người Việt thành công ở nước ngoài. Có thể kể đến GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Quang Việt; xa hơn nữa là Trịnh Xuân Thuận, Trần Thanh Vân…
Trên đây toàn những tên tuổi người Việt xuất chúng. Tôi thật sự còn xa mức đó lắm. Tôi không dám nói đến các yếu tố thành công của các GS được kể tên ở trên.
Tôi quan niệm phải làm việc mới mang lại thành công, cũng có thể nói là “cần cù bù khả năng”. Đồng thời rèn luyện sức khỏe và trí tuệ, tầm nhìn, và nhanh nhạy với những đề tài mới mẻ.
Ngoài ra, tạo sức mạnh tập thể, liên kết với những người tâm huyết để cùng làm việc chung.
Tôi cũng thường xuyên liên lạc, trao đổi với những người giỏi giang trong nhiều lĩnh vực khác nhau để học hỏi và tiếp tục phấn đấu.
Việt Nam có nhiều người xuất sắc
Có độc giả khi đọc thông tin anh về anh nói rằng: Sao những người Việt Nam nổi tiếng đều sống ở nước ngoài vậy? Anh nghĩ sao về “lời cảm thán” này?
Với tôi, Việt Nam có nhiều người xuất sắc. Người Việt ở nước ngoài chỉ là một bộ phận trong tổng hòa đó. Có rất nhiều người Việt nổi tiếng sống ở Việt Nam đấy chứ!
Phải chung tay để người Việt ở bất cứ đâu ngày càng giỏi hơn, và được sử dụng để chung tay xây dựng đất nước.
Tôi mong muốn nước mình sẽ có môi trường tốt cho trí thức phát triển vượt bậc.
Tôi nhớ trong một dịp gặp gỡ, GS Trần Thanh Vân có kể là nhiều lĩnh vực khoa học của Trung Quốc trong những năm 1960 còn kém hơn Việt Nam khá nhiều.
Thế mà chỉ bằng đầu tư đúng mức cho giáo dục và khoa học, trong thời gian ngắn họ đã vươn lên tầm quốc tế bậc cao. Họ bắt đầu bằng việc biết làm và làm tốt những việc người khác đã hoặc đang làm.
Anh đang chuẩn bị gì cho tương lai của chính mình để phụng sự quê hương tốt hơn?
“Ở đâu không quan trọng miễn là có thể đóng góp tốt cho sự phát triển của nước nhà”. Hiện nhiều chuyên gia, trí thức người Việt vẫn đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng nước ta.
Tôi được biết, học hỏi và làm việc nhiều với GS Lê Văn Cường, vợ chồng GS Trần Thanh Vân, GS Dương Nguyên Vũ,…
Không có thời gian để mất, tôi cố gắng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm quản lí và khoa học để chuẩn bị cho mình các hành trang cần thiết.
Và trong mọi lúc, mọi nơi tôi luôn làm những việc cụ thể trong phạm vi khả năng của mình như hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Pháp, tham gia giảng dạy ở Việt Nam, làm cầu nối cho các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác, và đặc biệt tập hợp mạng lưới trí thức người Việt để sự đóng góp được mạnh mẽ hơn.
Tôi cũng sẵn sàng về Việt Nam nếu sự cống hiến thiết thực và sâu hơn.
Mỗi lần làm việc tôi tập trung cao độ
Có một phóng viên của một tờ báo Pháp theo sát quá trình nghiên cứu của tôi từ 4 năm nay, và mỗi năm đều hỏi tôi “Làm thế nào có thể xuất bản được nhiều công trình khoa học như thế ?”.
Tôi là người làm nhiều việc cùng một lúc. Cách giải quyết công việc là làm việc tuần tự.
Động lực của tôi là nhìn thấy một công việc hoàn thành để chuyển sang làm việc khác, và dành thời gian cho gia đình, bạn bè, và các hoạt động thư giãn. Mỗi lần làm việc tôi tập trung cao độ.
Chia sẻ, quảng bá kiến thức
Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ hơn 80 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan.
RePEc xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới, có đăng kí vào cơ sở dữ liệu của RePEC.
Việc xếp hạng được căn cứ vào rất nhiều chỉ tiêu khác nhau. Đối với các nhà nghiên cứu thì theo tôi biết có khoảng 30 chỉ tiêu, ví dụ số lượng bài, số lần được các bài báo và tạp trí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng.
Tôi nghĩ RePEC giúp việc quảng bá và chia sẻ các kiến thức, liên kết các nhà khoa học với nhau được dễ dàng hơn rất nhiều.
Tôi và một số đồng nghiệp cũng chưa bao giờ gặp mặt nhau, nhưng biết nhau qua RePEC.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương