Cần tiền là có
Hiện nay, cả NH nội và ngoại đều chạy đua kéo lãi suất cho vay tiêu dùng xuống, thậm chí thấp hơn cả lãi suất cho vay doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, VIB chào khách hàng vay mua nhà chỉ với lãi suất 6% trong 6 tháng đầu. Sau đó, NH này sẽ điều chỉnh lãi suất theo lãi suất thị trường, dao động khoảng 12%/năm.
Maritime Bank cũng công bố mức lãi suất cho vay mua nhà, vay tiêu dùng chỉ từ 8%/năm trong 6 tháng đầu và 13,8%/năm ở 6 tháng tiếp theo. VPBank cũng cho biết đang áp dụng cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm, giá trị vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng/ khoản vay.
Theo thông báo của VPBank, khách hàng có thể chọn phương án lãi suất ưu đãi 6%/năm trong 6 tháng đầu, áp dụng cho khoản vay có thời gian cam kết tối thiểu trên 24 tháng hoặc có thể chọn vay mua nhà đất, xây dựng sửa chữa nhà với mức lãi suất 9,99%/năm, áp dụng trong 9 tháng đầu tiên...
Gây sốc phải nói đến HDBank khi NH này tuyên bố dành 1.000 tỷ đồng ưu đãi lớn cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà, xây, sửa nhà... với lãi suất 0% áp dụng trong tháng đầu tiên và 11,86%/năm cố định trong 11 tháng tiếp theo.
Không kém cạnh, NamABank cũng vừa thông báo trên toàn hệ thống về sản phẩm "Ưu đãi lãi vay - Có ngay mơ ước" dành cho khách hàng vay tiêu dùng, mua nhà lãi suất ưu đãi đến 0%/năm.
Ở khối ngoại, việc kích cầu tiêu dùng cũng được các NH này triển khai mạnh mẽ. Đơn cử, lãi suất cho vay mua nhà của ANZ ở mức 6,5%/năm trong vòng 3 tháng đầu và sau đó khoản vay sẽ được áp dụng lãi suất tiêu chuẩn là 10,5%/năm (đối với kỳ hạn đổi lãi 1 tháng).
Ngoài ra, ANZ còn cung cấp lãi suất vay cố định 12,5%/năm trong vòng 2 năm cho khách hàng mua nhà. Hong Leong Bank cho biết, NH vẫn triển khai các gói tín dụng cho vay mua nhà với mức lãi suất 6%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu tiên. Ngoài ra, khách hàng còn có thể chọn ưu đãi cố định lãi suất trong năm đầu tiên từ 11,5% cho đến 12,3% tùy thuộc vào sản phẩm vay.
Sau thời gian khuyến mại, lãi suất sẽ được điều chỉnh về mức cạnh tranh tùy thuộc vào tình hình thị trường. Trên trang web của HSBC, thông tin về các chương trình cho vay tiêu dùng, vay mua nhà, mua xe ôtô... với nhiều ưu đãi hấp dẫn cũng tràn ngập màn hình trang chủ. Theo đó, khách vay mua nhà được hưởng lãi suất 0% trong 1 - 3 tháng tùy khoản tiền giải ngân.
Nhìn chung, toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đều điều chỉnh giảm lãi suất siêu hấp dẫn để tìm kiếm khách hàng cá nhân. Điều này được thể hiện qua con số thống kê từ ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.
Đó là tính từ đầu năm đến nay, các NH trên địa bàn đã cho cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà, tiêu dùng... tăng khoảng 12.000 tỷ đồng, với mức tăng 1,5% so với đầu năm. Số dư nợ khách hàng cá nhân chiếm 11,2% trên tổng dư nợ.
Giảm tải nguy cơ nợ xấu
Nguyên nhân của việc rầm rộ giảm lãi suất cho vay tiêu dùng lần này, theo các NH do tín dụng đã có dấu hiệu tăng lại nhưng nhiều NHTM vẫn khó kiếm khách hàng DN vay. Phó tổng giám đốc một NHTM tại TP.HCM chia sẻ: "Đối với các DN tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên được NH giảm lãi suất cho vay xuống phổ biến 9 - 11%/năm, thậm chí 8%/năm.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng DN hiện nay vướng nợ xấu không trả được nên khó có thể vay vốn. Ngoài ra, dư địa để cho vay DN tốt hiện nay không nhiều do tồn kho tăng cao, tắc nghẽn đầu ra sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Nên dù lãi suất đã giảm mạnh nữa thì đối tượng khách hàng này cũng không thể hấp thụ được vốn. Vì vậy, song song với việc cho DN vay, NH phải chuyển một phần vốn rẻ vốn sang cho vay tiêu dùng để vừa kích cầu tiêu dùng vừa có thể cân đối nguồn tín dụng huy động".
Quả vậy, rất nhiều lãnh đạo NH đưa ra quan điểm tương tự. Họ sẵn sàng mời chào DN vay vốn lãi rẻ nhưng cũng có những DN buộc NHTM nâng chuẩn để hạn chế cho vay, thậm chí không cho vay mà thay vào đó, tập trung cho vay vốn tiêu dùng hoặc cho vay cá nhân. Đặc biệt, khách hàng cá nhân có thể giúp NH giải tỏa được áp lực tín dụng, đồng thời giảm tải được mối lo nguy cơ nợ xấu.
Một lý do cũng khá quan trọng được ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, chia sẻ trong việc NH chuyển hướng dòng vốn sang cho vay tiêu dùng đó là dù thừa vốn nhưng không NHTM nào muốn mất khách hàng tiền gửi trên thị trường dân cư, nhất là khi có khách hàng tiền gửi cá nhân, các NHTM sẽ có thể phát triển nhiều dịch vụ khác kèm theo như dịch vụ thẻ, thanh toán, cho vay...
"Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà thu nhập thấp được giải ngân, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, người dân gửi tiết kiệm nhiều năm ở NHTM có thể rút ra và vay thêm vốn để mua nhà.
Điều này có thể khiến NH mất đi nguồn tiền gửi, nhưng đây cũng được xem là điểm tích cực cho hệ thống NH triển khai các gói tín dụng cho vay để tăng trưởng tín dụng", ông Tùng giải thích.
Tương tự, đại diện ANZ Vietnam cho biết, để kích cầu tiêu dùng, NH này còn cho phép vay lại khoản trả trước, giúp khách hàng có thể vay lại khoản trả trước đã trả trên khoản vay hiện tại một cách nhanh chóng mà không cần cung cấp lại giấy tờ hồ sơ vay.
"Trong khi một số lĩnh vực của nền kinh tế chững lại, nhu cầu vay vốn giảm, DN thậm chí phải đóng cửa, thì nhiều lĩnh vực khác vẫn phát triển với tốc độ nhanh như nông nghiệp, các ngành liên quan đến xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa", ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ nói.