Hôm thứ sáu, ngày 19/6/2015 tổng thống Vladimir Putin đã gặp gỡ với các lãnh đạo những tập đoàn lớn của nước ngoài, bao gồm cả các tập đoàn của Hoa Kỳ.
Cuộc gặp bắt đầu muộn hơn dự kiến gần 2 tiếng đồng hồ, tuy nhiên giới doanh nhân cảm thấy rất hài lòng.
Khi bước ra khỏi khán phòng vào lúc 23h00, lãnh đạo các doanh nghiệp đã cảm ơn phó thủ tướng thứ nhất Chính phủ Nga Igor Shuvalov và trợ lý tổng thống Andrei Belousov: "It was exciting" (Thật là tuyệt vời!).
"Họ ấn tượng với việc tổng thống nắm rõ những vấn đề của họ, nắm rõ luật pháp - bạn còn ngạc nhiên tới mức tại sao ông ấy lại có thể chuyên sâu vào tất cả những tiểu tiết như vậy", một đại biểu tham dự chia sẻ.
"Ông ấy nhớ các con số như một chiếc máy tính", một đại biểu khác bước ra từ khán phòng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.
Tại phiên toàn thể, tổng thống Putin nói nhiều tới chính trị, dường như, vấn đề kinh tế không khiến ông lo ngại, nhưng tại các cuộc họp bên lề thì ông Putin cho thấy ông vẫn hiểu chi tiết tất cả mọi vấn đề, vẫn đoàn kết được nhiều doanh nhân.
Những đại biểu tham dự khẳng định rằng, không có bất cứ quyết định cụ thể nào được đưa ra.
"Vẫn là những câu hỏi về chính trị và các biện pháp trừng phạt; nhưng điều quan trọng là đặt những câu hỏi đó trực tiếp tới tổng thống", tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu tư lớn vào Nga giải thích.
"Đối với những doanh nghiệp như BP và Shell mà đã nhiều lần xuất hiện ở diễn đàn nay - đây là cách thể hiện sự trung thành:
Sẽ rất lạ nếu như họ không đến tham dự diễn đàn.
Đối với những doanh nghiệp mới - đây là cách để nói chuyện với Putin và thể hiện sự tận tâm - đó là điều giá trị nhất ở Nga hiện nay", một đại biểu trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo "Vedomosti" giải thích.
Một đại biểu tham dự khác chia sẻ với "Vedomosti": "Đối với các doanh nghiệp lớn nước ngoài tập trung tại diễn đàn mà muốn đích thân được nói chuyện với tổng thống thì tất nhiên, đây là cơ hội tốt của tất cả.
Nhưng không phải đối với Nga, không phải đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nga: họ không có cơ hội để tiếp cận với nhân vật số 1".
Jack Ma và các nhà đầu tư Trung Quốc
Jack Ma - người sáng lập và chủ tịch HĐQT Alibaba Group - cũng mong đợi cuộc gặp gỡ giữa giới doanh nhân và tổng thống Nga. Nhưng việc tổng thống đến muộn không làm ông thấy thất vọng mà còn rất vui.
Trước khi cuộc gặp gỡ diễn ra, các doanh nhân cược nhau xem tổng thống xuất hiện vào lúc mấy giờ, và ông Ma đã đặt cược vào 9h15. Khi tổng thống Putin bước vào khán phòng, đồng hồ điểm đúng 9h15 và Ma đã vui sướng như trẻ con vì đoán đúng.
"Tổng thống của các bạn triển khai định hướng của mình một cách cương quyết, ông ấy có sức hút và có lòng dũng cảm", Jack Ma chia sẻ những ấn tượng của mình với phóng viên "Vedomosti".
Khi trả lời câu hỏi của "Vedomosti" về việc sự cương quyết và lòng dũng cảm có khiến cho quy định của cuộc chơi luôn thay đổi và đó là điều khiến cho giới doanh nhân lo ngại hay không, ông Ma trả lời rằng đối với ông sự bất định không phải là vấn đề lớn.
Ông Ma chia sẻ rằng ở Trung Quốc không phải lúc nào mọi thứ cũng tốt.
"Khi tôi bắt đầu kinh doanh vào 15 năm trước đây, tất cả đều than phiền về điều kiện và môi trường kinh doanh không tốt, còn bây giờ Trung Quốc đang rất phát triển", người sáng lập Alibaba đưa ra dẫn chứng để bảo vệ quan điểm của mình.
Rõ ràng có sự tiến bộ, ông Ma tự hào rằng lần trước ông tới Nga với vai trò một du khách, còn lần này - tổng giám đốc.
"Nếu bạn bắt đầu khi mọi thứ đã rõ thì bạn sẽ tụt lại phía sau, còn khi mọi thứ không tốt và vô định - thì bạn sẽ bỏ xa lại phía sau tất cả", ông Ma chia sẻ.
Dự báo của ông về Nga: mọi thứ đang tồi tệ tới mức đã chạm đáy, và nhiều khả năng tình hình sẽ tốt lên hơn là trở nên xấu đi. Cơ hội tiếp tục chạm đáy bằng 0.
Một doanh nhân Trung Quốc khác đứng cạnh ông Ma trong cuộc nói chuyện cũng đồng tình: đây là thời điểm tốt nhất để tiếp cận thị trường Nga.
Trả lời câu hỏi tại sao giới doanh nhân Trung Quốc vẫn chưa có kế hoạch đầu tư vào những dự án phi tài nguyên của Nga mà chỉ là những cuộc đàm phán tưởng chừng không có hồi kết, ông Ma nói: hãy cố gắng chờ đợi, mọi thứ sẽ đạt được.
"Các bạn vẫn còn thiếu sự kiên nhẫn", ông Ma nhấn mạnh.
Cá nhân ông Ma quan tâm tới hoạt động kinh doanh tại Nga. Ông thừa nhận với "Vedomosti rằng ông muốn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nga làm ăn với Trung Quốc - đó sẽ là dự án riêng biệt.
Có thể xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc. Hiện vẫn ông vẫn chưa có dự định đầu tư vào doanh nghiệp nào.
Trả lời câu hỏi ông có muốn tư vấn cho các quan chức Nga về những vấn đề phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không, Jack Ma khẳng định: "Tôi luôn sẵn lòng".
Một quan chức trong giới kinh tế - tài chính của Chính phủ Nga khẳng định rằng, các quan chức Nga hôm 18/6/2015 đã đạt được thoả thuận với Jack Ma về việc thành lập tổ công tác chịu trách nhiệm thúc đẩy xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc.
Trong lúc chờ đợi tổng thống Putin, ông Ma đã trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp, đặc biệt cuộc trao đổi trở nên sôi nổi khi tổng giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất trên thế giới chia sẻ với ông Ma về sự hợp tác của mình với các doanh nghiệp nhỏ của Nga và về doanh thu của họ.
Ông Ma cũng ngạc nhiên khi biết mình rất nổi tiếng tại Nga: "Tôi nghĩ rằng không có ai biết tôi".
Các nhà đầu tư Hoà Kỳ và những biện pháp trừng phạt
Nếu như cuộc gặp với lãnh đạo các quỹ đầu tư diễn ra hôm thứ năm, ngày 18/6/2015, gồm toàn các nhà đầu tư Châu Á và Ả Rập, thì cuộc gặp gỡ với giới doanh nhân - toàn các nhà đầu tư Châu Âu và Hoa Kỳ.
"Chúng tôi tuân thủ các biện pháp trừng phạt, nhưng chúng tôi sẽ gặp gỡ ai và khi nào chúng tôi muốn.
Nếu muốn cấm chúng tôi gặp gỡ với tổng thống Putin thì hãy áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ông ấy nếu đủ dũng khí", một nhà đầu tư Hoa Kỳ chia sẻ.
Quan điểm của nhiều nhà đầu tư như sau: "Chúng tôi là giới doanh nghiệp quốc tế chứ không phải Hoa Kỳ".
"Họ (Chính quyền Hoa Kỳ) nói với chúng tôi - đó không phải là tinh thần yêu nước, nhưng điều đó vượt quá mọi giới hạn", doanh nhân này tiếp tục nhấn mạnh với phóng viên "Vedomosti".
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại cuộc gặp gỡ đã nói về những kế hoạch không cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nga, mà còn mở rộng thêm trong thời gian tới.
Một doanh nhân chia sẻ rằng, một năm trước, hoạt động kinh doanh bị đóng băng:
Đơn giản vì chưa doanh nghiệp nào tính toán được hậu quả về mặt pháp lý của các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là doanh nghiệp đến từ Châu Âu, bây giờ họ đã tính toán được, khi nắm rõ tất cả các hạn chế, họ bắt đầu triển khai.
Doanh nhân này tránh nói trước ông kính camera "để không làm cho chính quyền khó chịu, mặc dù, họ có thể gây khó khăn bất cứ lúc nào họ muốn".
"Doanh nghiệp của chúng tôi có mặt ở đây từ thời Lenin, bạn nghĩ là điều gì đó làm chúng tôi lo ngại hay sao?", một đại biểu tham dự cuộc gặp mặt trả lời câu hỏi về việc ông có lo ngại về sự bất định đang ngày càng gia tăng như những rủi ro về chính trị, ngoại tệ tăng bất thường... tại Nga hay không.
"Các biện pháp trừng phạt gây rất nhiều khó khăn, làm những kế hoạch đặt ra bị chậm lại, nhưng công ty lớn của chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực dầu khí với phương châm thu lại lợi nhuận sau hàng chục năm nữa, nên các biện pháp trừng phạt chỉ giống như anh cảnh sát giao thông đừng bên đường mà thôi", giám đốc một doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực dầu khí của Hoa Kỳ nói.
"Ấn tượng chung - giới doanh nhân Nga cảm thấy ít hài lòng hơn doanh nhân nước ngoài với bài phát biểu của tổng thống Putin tại diễn đàn và với tình hình chung ở Nga", một doanh nhân Hoa Kỳ cho biết.
Một trong những lý do: các doanh nhân nước ngoài thiệt hại vì những biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, nhưng không quá lớn - cấm được làm ăn với một số đối tượng nhất định, hạn chế nhập khẩu; còn giới doanh nhân Nga bị hạn chế tiếp cận các nguồn vốn - điều này nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu", một đại biểu tham dự diễn đàn kết luận.