Hết thời "xúng xính" thưởng Tết
Năm ngoái, Techcombank cũng là một trong những ngân hàng không có thưởng Tết. Tổng giám đốc Techcombank lúc đó là ông Simon Morris đã gửi tâm thư tới toàn bộ nhân viên "mong sự thông cảm và sẻ chia với ngân hàng".
Tình hình kinh doanh của Techcombank 9 tháng đầu năm cũng không mấy khả quan, lãi sau thuế của ngân hàng này trong 9 tháng còn 750 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Nợ xấu đã vọt lên 5.93% khiến cho thu nhập thuần từ lãi của Techcombank giảm hơn 900 tỷ trong khi dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 3 cùng kỳ với 980 tỷ đồng.
Có lẽ cũng chính vì thế, mà khi hỏi tới lương thưởng Tết, anh H. – một nhân viên tín dụng của nhà băng này lắc đầu vẻ ngán ngẩm. "Tình hình làm ăn năm nay chán lắm, năm ngoái đã không có thưởng Tết rồi thì năm nay chắc gì đã có".
Là một trong những nhà băng vừa tuyên bố sáp nhập, không giấu được sự lo lắng, chị T.L – nhân viên quan hệ khách hàng của HDBank chia sẻ, năm nay cũng không mấy hy vọng về thưởng Tết. Chị T.L kể, không như trước đây nhân viên tín dụng phải "chạy" quota huy động, thì giờ lại là lúc "van xin khách hàng vay".
"Bọn em phải chịu cả định mức dư nợ cho vay, nhưng tìm kiếm khách hàng vay thời buổi này rất khó khăn. Có những hợp đồng vay em theo đuổi, chầu chực khách hàng tới tận 4 tuần, ngân hàng đồng ý giải ngân rồi, vậy mà cuối cùng khách hàng từ chối không vay nữa".
Vì được phân giao định mức, nên đến cuối năm nếu nhân viên tín dụng không đạt chỉ tiêu không những ảnh hưởng tới thu nhập hàng tháng, mà còn bị trừ thưởng. "Giờ em chỉ mong hàng tháng đủ chỉ tiêu, thu nhập được đảm bảo chứ chưa nghĩ tới thưởng Tết" – chị T.L tâm sự.
Gạt phăng câu hỏi của PV khi cho rằng, ngân hàng năm nào cũng là một trong những lĩnh vực thưởng Tết cho nhân viên cao, chị T.N – kiểm soát viên VietBank thẳng thắn, làm trong ngân hàng bây giờ được tiếng mà không được miếng. May mắn lắm từ đầu năm tới giờ ngân hàng nơi chị làm việc không trừ lương, nhưng tương lai chẳng biết ra sao. "Làm ngân hàng toàn có tiếng mà không có miếng. Lương sắp giảm, còn nghĩ gì đến thưởng Tết nữa" – chị T.N lo lắng.
Không chỉ ở những ngân hàng cỡ vừa nhân viên lo không có tiền thưởng Tết, mà ngay cả những "ông lớn" như Eximbank, nhắc tới thưởng Tết là nhân viên nhà băng này lại lắc đầu.
Năm 2013 chứng kiến nhiều sự xáo trộn trong ban lãnh đạo nhà băng này, cùng với đó là việc cắt giảm 25-30% lương từ lãnh đạo trở xuống, ngay như ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Eximbank còn "xung phong" tự giảm 50% lương. Cùng với đó, kế hoạch kinh doanh từ đầu năm cũng không mấy khả quan cũng có thể sẽ là một trong những nguyên nhân khiến việc nhà băng này giảm thưởng của nhân viên.
Số liệu kinh doanh 9 tháng tại Eximbank cho thấy, việc sụt giảm thu nhập thuần từ lãi gần 50% cũng ảnh hưởng mạnh đến Eximbank mặc dù chi phí hoạt động giảm đáng kể cùng với kinh doanh ngoại hối có lãi 116 tỷ (cùng kỳ lỗ 115 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này vẫn “ra đi” 52%, xuống còn 880 tỷ đồng.
Thông tin trên báo chí, bà Đinh Thị Thu Thảo - Phó Tổng giám đốc Eximbank cho biết, theo quy định, mỗi cán bộ ngân hàng sẽ được Công đoàn thưởng Tết Nguyên đán 1,2 triệu đồng (ngoại trừ tháng lương thứ 13).
Ngoài mức thưởng cố định này, mức thưởng thêm hay không tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm sụt giảm thu nhập thuần từ lãi gần 50%, lợi nhuận ngân hàng giảm tới 52%, xuống còn 880 tỷ đồng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới phần thưởng thêm của nhân viên.
Hồi hộp chờ tới... phút chót
Cùng là đồng nghiệp với chị T.N, nhưng làm ở hội sở tại TP.Hồ Chí Minh, chị N.H cũng cho biết, tới giờ phút này ngân hàng chị vẫn chưa biết có thưởng Tết hay không nhưng nhìn chung là tinh thần rất “chán”.
“Chị làm ngân hàng 5 năm nay rồi nhưng chưa năm nào thấy ngành ngân hàng khó khăn như năm nay. Tâm lý chung ai đi làm cũng muốn thưởng, nhưng năm nay cố gắng duy trì lương cho nhân viên cũng đã tốt lắm rồi. Thường sát Tết nhân viên mới biết thưởng Tết hay không”.
Trưởng phòng Marketing một NHTMCP tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, thưởng Tết năm nay sẽ căn cứ vào tình hình kinh doanh của ngân hàng. Nếu tới cuối năm "chốt" lợi nhuận đạt thì nhân viên sẽ được thưởng chút ít gọi là "động viên tinh thần", chứ so với 4-5 năm trước đây không thấm vào đâu.
Nhìn sang một nhà băng "tầm trung" khác, chị M – đang làm việc tại một chi nhánh của OceanBank tiết lộ, theo quy định mức thưởng chung của ngân hàng với mỗi nhân viên vẫn là một tháng lương. Ngoài ra nếu chi nhánh nào có kết quả kinh doanh tốt sẽ có thêm khoản quỹ chia thưởng cho nhân viên. Tuy nhiên, năm nay dù đã giữa tháng 12 nhưng thông tin lương thưởng vẫn ... bặt tăm.
"Nếu ngân hàng duy trì được chính sách thưởng Tết như quy định thì quá tốt, dù ít dù nhiều thì cũng sẽ động viên được tinh thần làm việc của anh em" - chị M. nói.
Ở những ngân hàng kinh doanh không mấy khả quan, nhân viên không mấy hy vọng mình sẽ có thưởng, nhưng với những nhà băng kinh doanh đạt khá, việc giữ thưởng Tết cho nhân viên bằng hoặc cao hơn năm trước nằm trong tầm tay.
Phó Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng tự tin khi nói về mức thưởng năm nay của nhà băng này với PV Infonet, năm 2013 LienVietPostBank phấn đấu chi thưởng bình quân 4 tháng lương/nhân viên, nhưng mức độ thưởng cao thấp còn tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của từng đơn vị, chi nhánh. Đây cũng chính là mức thưởng đã được ĐHCĐ của LienVietPostBank thông qua hồi cuối tháng 3 vừa qua.
"Hiện nay dù rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn duy trì phương châm là nhân viên sống bằng lương, giàu bằng thưởng. Duy nhất chỉ có LienVietPostBank là không giảm lương, chỉ đổi mới biên chế chứ không giảm biên chế. Chúng tôi rất mừng vì có nhiều nhân sự tốt ở các ngân hàng bạn đã về làm tại LienVietPostBank, rất nhiều người giỏi mà không phải đào tạo" – ông Hưởng nhấn mạnh.